(HNM) - Biến đổi khí hậu khiến thiên tai tại Việt Nam ngày càng cực đoan, bất thường, gây tổn thất lớn về người và tài sản... Để giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ công tác dự báo, cảnh báo, ứng phó là giải pháp quan trọng.
Việt Nam là một trong 5 quốc gia chịu tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu. Trừ sóng thần, đến nay, Việt Nam hứng chịu 20/21 loại hình thiên tai; trong đó, bão, lũ, mưa lớn, ngập lụt, sạt lở đất, xói lở bờ sông, bờ biển… diễn ra khốc liệt. Trong 30 năm qua, bình quân mỗi năm, thiên tai làm hơn 300 người chết, thiệt hại về kinh tế khoảng 1-1,5% GDP… Trong những năm tới, Việt Nam tiếp tục đối mặt với rủi ro thiên tai, thiệt hại dự báo chiếm 2,7% GDP và 39 triệu người dân sẽ bị ảnh hưởng.
Để giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế (Tổng cục Phòng, chống thiên tai) Đoàn Thị Tuyết Nga khẳng định: "Chúng ta không thể chống được sức mạnh của thiên nhiên mà chỉ có thể là phòng tránh. Tuy nhiên, phương pháp phòng tránh hiện nay tại nhiều địa phương còn khá thủ công, dẫn đến hiệu quả phòng ngừa, ứng phó hạn chế… Cụ thể, tại một số địa phương hiện nay, muốn truyền tin cảnh báo lũ, sạt lở đất… cán bộ thôn, xã phải đến từng hộ dân; hoặc muốn chống tràn 1km đê phải huy động hàng trăm người và phương tiện... Nói cách khác, nhiều địa phương hiện nay vẫn chưa khai thác hiệu quả các sản phẩm khoa học, ứng dụng công nghệ phục vụ công tác phòng, chống thiên tai".
Đồng tình với quan điểm trên, nguyên Thứ trưởng Bộ NN& PTNT Hoàng Văn Thắng cho rằng, việc ứng dụng khoa học công nghệ trong phòng, chống thiên tai ở Việt Nam còn hạn chế. Từ hơn 50 năm trước, các nước châu Âu đã có hệ thống đê di động, lắp ghép. Nhưng tại Việt Nam, việc hàn khẩu đê sông, hay nâng cao trình đỉnh đê hiện nay vẫn được sử dụng bằng các bao tải cát có khối lượng nhỏ…
Về nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, ông Lê Thanh Hồng, Trưởng phòng Phòng, chống lụt bão và Giảm nhẹ thiên tai (Chi cục Đê điều và Phòng, chống lụt bão Hà Nội) cho biết, khó khăn lớn nhất hiện nay của các địa phương là chưa tiếp cận đầy đủ thông tin về các sản phẩm khoa học công nghệ phục vụ công tác phòng, chống thiên tai. Hơn nữa, do cơ chế, chính sách dành cho việc ứng dụng các sản phẩm này chưa được quy định rõ ràng hoặc theo hướng khuyến khích, bắt buộc dẫn đến các địa phương gặp khó khăn trong huy động nguồn lực đầu tư...
Liên quan vấn đề trên, Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai, Phó Trưởng ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống thiên tai Trần Quang Hoài cho biết, nhiều năm qua, Chính phủ luôn dành kinh phí đầu tư cho lĩnh vực nghiên cứu khoa học, ứng dụng sản phẩm công nghệ phục vụ công tác phòng, chống thiên tai.
Thực tế hiện nay Việt Nam đã và đang có nhiều mô hình ứng dụng khoa học công nghệ trong giảm nhẹ rủi ro thiên tai triển khai ở nhiều địa phương và được đánh giá có hiệu quả như: Ứng dụng công nghệ trong quản lý đê điều; công nghệ nuôi bãi, chống xói lở, tôn tạo bãi biển; cảnh báo sớm lũ, lũ quét cho một số lưu vực sông… Tuy nhiên, do công tác phòng, chống thiên tai liên quan nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, triển khai trên địa bàn rộng, địa hình phức tạp nên phải nghiên cứu toàn diện…
Để sử dụng hiệu quả các sản phẩm khoa học công nghệ trong phòng, chống thiên tai, theo ông Trần Quang Hoài, các cơ quan khoa học, doanh nghiệp sản xuất cần tăng cường quảng bá sản phẩm; các địa phương cần chủ động bố trí nguồn lực đầu tư, hiện đại hóa lĩnh vực có nhu cầu… Tổng cục Phòng, chống thiên tai và đơn vị liên quan tiếp tục tham mưu, đề xuất Bộ NN&PTNT các giải pháp huy động nguồn lực đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ trong phòng, chống thiên tai từ các doanh nghiệp, người dân và cộng đồng quốc tế…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.