(HNM) - Lựa chọn các phương tiện thông minh và kết nối với hệ thống hạ tầng giao thông công cộng; hệ thống bảng điện tử giao thông, camera giám sát hành trình… được xem là những yếu tố đặc trưng cho việc thay đổi mô hình đi lại một cách phù hợp và thông minh hơn của các thành phố lớn tại Việt Nam trong tương lai.
Người dân TP Hồ Chí Minh luôn ám ảnh về tình trạng ùn tắc giao thông. |
Đó là những giải pháp được các chuyên gia trong và ngoài nước đóng góp tại hội thảo với chủ đề “Đi lại thông minh trong đô thị thông minh” diễn ra ngày 13-9 tại TP Hồ Chí Minh. Theo đại diện Hiệp hội nghiên cứu giao thông Đông Á (EASTS), TP Hồ Chí Minh đang xây dựng đô thị thông minh, do vậy, các loại hình tham gia giao thông lẫn hệ thống cơ sở hạ tầng đòi hỏi cũng phải phát triển tiên tiến và khoa học. Cụ thể, các hệ thống giao thông như tàu điện ngầm (Metro) phải được kết nối với các phương thức vận tải hành khách công cộng để giúp người dân đi lại thuận lợi, đồng thời hướng người dân đi lại bằng vận tải công cộng, giảm áp lực lên hạ tầng, giảm phương tiện xe cá nhân vốn đang rất quá tải tại TP Hồ Chí Minh.
Đưa ra ví dụ thực tế về việc đi lại thông minh trong đô thị, GS.TS Akimasa Fujiwara, ĐH Hiroshima (Nhật Bản), Chủ tịch Ủy ban Khoa học quốc tế cho hay, tại các đô thị phát triển, đơn cử ở TP Hiroshima, các hệ thống giao thông như tàu điện mặt đất, xe ô tô, thậm chí là người đi bộ, đều được kết nối với nhau qua hệ thống điện thoại thông minh (smartphone). Khi các loại hình này tham gia giao thông, ngay lập tức hệ thống smartphone (được cài đặt sẵn hệ thống bản đồ số và có kết nối với các hệ thống tín hiệu giao thông thông minh trên đường) sẽ thông báo đến từng người về hiện trạng giao thông, để chính người đó sẽ có lựa chọn phù hợp khi di chuyển, qua đó, tạo sự an toàn và phân bổ đi lại hợp lý giữa các loại hình giao thông.
Chia sẻ về hiện trạng giao thông Việt Nam, TS Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT quốc gia cho hay, năm 2015, tại Việt Nam có hơn 8.600 người chết vì tai nạn giao thông, ngoài nguyên nhân do sự thiếu ý thức của người tham gia giao thông, còn do cơ sở hạ tầng giao thông quá tải, chưa đáp ứng quá trình đô thị hóa. Bàn về giải pháp đi lại thông minh tại các đô thị lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, ông Hùng cho rằng, tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, tỷ lệ người dân đi lại bằng xe gắn máy khoảng 84%. Do đó, trước hết cần phải hướng người dân tham gia vận tải hành khách công cộng.
Theo các chuyên gia nghiên cứu hạ tầng giao thông đô thị, để việc đi lại của người dân trở nên thuận lợi tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, điều quyết định là phải kiểm soát được việc đi lại và phương tiện đi lại. Cụ thể, các phương tiện đi lại cần chuyển sang sử dụng các loại xe vận tải công cộng thân thiện với môi trường (sử dụng nhiên liệu sạch CNG); phân bổ khoa học các điểm đỗ xe cá nhân tại các nhà ga lên xuống của hệ thống giao thông công cộng; đưa ra chỉ tiêu từ 5% đến 10% người đi xe cá nhân chuyển sang đi xe công cộng… Cùng với đó, việc phát triển đô thị thông minh là sẽ phải hoàn thiện hệ thống thông tin liên lạc, giao thông thông minh, các dữ liệu giám sát, lắp đặt các camera giám sát giao thông… Từ hai yếu tố trên, có thể nói, trong tương lai, người dân tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, khi tham gia giao thông đều có sự lựa chọn phù hợp.
Cũng theo đề xuất của các chuyên gia, để giải bài toán quá tải hạ tầng giao thông tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh hiện nay, nhất là tại các điểm có nhiều loại hình vận tải tham gia như sân bay, nhà ga, bến xe, bến tàu, trường học, bệnh viện… thì cần phân thành 5 vòng chính để phân bổ các loại hình giao thông. Cụ thể, vòng 1 là dành cho người đi bộ; vòng 2 dành cho xe hai bánh; vòng ưu tiên dành cho các loại xe ưu tiên và công vụ; vòng 3 dành cho xe taxi và các loại ô tô 4 bánh; vòng 4 dành cho các loại xe tải, xe buýt...
Thế nhưng, để hiện thực hóa đề xuất trên trong bối cảnh quỹ đất dành cho hạ tầng giao thông thiếu trầm trọng ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là không hề đơn giản. Do đó, theo các chuyên gia, để hiện thực hóa các mục tiêu trên không chỉ cần sự phối hợp đồng bộ giữa cơ quan chức năng liên quan mà cần đưa ra lộ trình quy hoạch và phát triển phù hợp với hiện trạng giao thông Việt Nam.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.