(HNM) - Tốc độ tăng trưởng khách của ngành Du lịch Việt Nam có thể không ổn định như trong 3 năm qua nếu những giải pháp công nghệ không được ứng dụng mạnh mẽ.
Nhiều doanh nghiệp du lịch giới thiệu ứng dụng công nghệ tại hội chợ VITM Hà Nội 2019. |
Xu hướng tất yếu
Hơn một năm sau khi khái niệm “Cách mạng công nghiệp 4.0” phổ biến tại Việt Nam, những người làm du lịch càng hiểu rõ tác động của công nghệ. Thực tế, từ vài năm trước, những tác động của công nghệ đã thay đổi xu hướng kinh doanh, tiếp cận khách hàng của các doanh nghiệp, nhà quản lý.
Ông Phùng Xuân Khánh, Giám đốc Công ty Lữ hành Tiên Phong Travel chia sẻ: “Cách thức tiếp cận khách hàng của doanh nghiệp, trong đó có công ty chúng tôi đã thay đổi mạnh mẽ. Thay vì tiếp cận, quảng bá trực tiếp, doanh nghiệp đã đầu tư công nghệ để có thể bán hàng đi kèm tư vấn, quảng bá sản phẩm du lịch bắt mắt, nhanh và hiệu quả trên trang web của mình”.
Cách đây bốn tháng, Công ty Lữ hành Tiên Phong Travel đã cùng nhóm các doanh nghiệp lữ hành Việt Nam “Vietnam Travel Group” xúc tiến tại Philippines và nhận hai hợp đồng đưa khách đến Việt Nam. Tuy nhiên, đấy chỉ là một kênh tiếp cận khách hàng. Thực tế, công ty đã đầu tư cả trăm triệu đồng để xây dựng hệ thống bán hàng, quảng bá trực tuyến đa ngôn ngữ với những tính năng tương tự các trang du lịch nổi tiếng và hiện tại, công ty vẫn tiếp tục đầu tư cho hệ thống này.
Còn nhớ, cách đây 7-8 năm, giới làm khách sạn ở khu vực phố cổ Hà Nội đã có một thời hoàng kim. Khi ấy, một khách sạn không chỉ có nguồn thu từ chi phí thuê phòng của khách mà còn có nguồn thu khác nhờ bán tour cùng các dịch vụ cho du khách với chiết khấu của các đơn vị khác cho vai trò trung gian khá cao.
Nhờ đó, một khách lưu trú tại khách sạn có thể mang lại nguồn thu gấp đôi, gấp ba so với tiền phòng. Thế nhưng, những dịch vụ đặt phòng trên các trang bán hàng nổi tiếng của thế giới như Agoda, Booking.com…, dịch vụ bán tour trực tuyến của các công ty lữ hành ngay tại Việt Nam đã lấy đi nguồn thu nói trên của các khách sạn ở phố cổ Hà Nội.
Khách đã tự đặt phòng, thậm chí đặt tour từ các trang bán hàng nổi tiếng trước khi đến Việt Nam, nên nguồn thu từ tiền phòng của các khách sạn khu vực phố cổ cũng giảm do phải hợp tác, chia sẻ chiết khấu cho các trang bán hàng nổi tiếng trên...
Trong khi đó, ở các khách sạn 5 sao, hàng loạt ứng dụng công nghệ đã giúp khách sạn nắm rõ sở thích của khách để đưa ra những giải pháp giúp khách hài lòng. Khách có thể làm thủ tục nhận phòng trực tuyến thay vì mất thời gian đến quầy lễ tân…
Ông Bùi Quang Doanh, Giám đốc Marketing Công ty Giải pháp kết nối du lịch Việt Nam (Travel Connect) chia sẻ: "Nhiều doanh nghiệp du lịch dù có ý tưởng hay nhưng không thể kết nối với chuyên gia. Tuy nhiên, công nghệ của công ty chúng tôi sẽ giúp kết nối họ với nhau. Đó là một điều không thể thiếu của du lịch thông minh, nơi công nghệ thực sự tạo dấu ấn đậm nét".
Thích ứng nhanh hơn, cải tiến nhiều hơn
Đó là thông điệp được đưa ra tại Hội thảo “Du lịch Việt Nam với Cách mạng công nghiệp 4.0” vừa qua. Rõ ràng, sân chơi bán hàng trực tuyến, nhất là lĩnh vực đặt phòng khách sạn tại Việt Nam, đang thuộc về các doanh nghiệp nước ngoài. Còn khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam ở lĩnh vực này lại không cao, dù rất nỗ lực chiếm lĩnh thị trường.
Dù vậy, cuộc chơi vẫn mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp của nước ta nếu quyết tâm thay đổi. Bà Vanya Trần, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Vietnam Hotel and Resort Pro (VHRPRO) phân tích: “Xu hướng tra cứu thông tin du lịch trên internet của khách ngày càng thể hiện rõ. Các doanh nghiệp và nhà quản lý cần tận dụng điều này để tồn tại, phát triển.
Một trong những vấn đề phải giải quyết ngay là số hóa các dữ liệu của mình để tạo thuận tiện cho khách, từ đó có thể thu hút khách. Ngoài ra, việc tự động hóa trong tiếp nhận phản hồi, tương tác với khách… cũng cần được chú trọng”.
Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng: “Các công ty lữ hành phải chuyển hướng ngay để tiếp cận thời đại tự động hóa. Tất cả cũng để nhằm đứng vững trong cuộc chơi, nếu không sẽ khó tiếp cận khách hàng”.
Dưới góc độ của đơn vị cung cấp giải pháp công nghệ, ông Nguyễn Chí Thanh, Giám đốc Toàn Dũng Media, đơn vị thường cung cấp ứng dụng công nghệ thực tế ảo (VR) trong phát triển du lịch đề xuất: “Các đơn vị thực hiện công nghệ thực tế ảo cần đồng hành cùng các đơn vị quản lý danh thắng nhằm tối ưu nội dung cần chuyển tải tới du khách tại điểm đến.
Việc kết hợp ứng dụng công nghệ số hóa, công nghệ thực tế ảo với các công nghệ khác bổ trợ cho du lịch, như xây dựng nền tảng App du lịch thông minh, trí tuệ nhân tạo và các tiện ích trong thanh toán sẽ mang đến nhiều cơ hội tăng trưởng cho ngành Du lịch nói chung”.
Còn ông Bùi Quang Doanh nhìn nhận: "Công nghệ sinh ra là để phục vụ con người, nó là yếu tố phụ trợ, góp phần vào thành công của các doanh nghiệp. Các công ty lữ hành, doanh nghiệp du lịch vẫn cần thúc đẩy thêm các giải pháp để đem lại cho khách hàng những gì mà công nghệ không thể đem lại"...
Dẫu vậy, cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đã làm thay đổi hoàn toàn cách làm du lịch. Giờ thì các doanh nghiệp, nhà quản lý buộc phải thích ứng và tự làm mới để khẳng định chỗ đứng của mình.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.