Trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với khủng hoảng lương thực, biến đổi khí hậu và cạn kiệt tài nguyên, việc hơn 8 triệu tấn thực phẩm bị vứt bỏ mỗi năm tại Việt Nam là hồi chuông cảnh báo đáng suy ngẫm.
Không chỉ gây lãng phí kinh tế, thói quen tiêu dùng thực phẩm thiếu kiểm soát còn tạo ra những hệ lụy nghiêm trọng về môi trường.
Theo báo cáo từ Mạng lưới Ngân hàng Thực phẩm Việt Nam, Việt Nam đang xếp thứ 2 trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương về tình trạng lãng phí thực phẩm với hơn 8 triệu tấn thực phẩm bị vứt bỏ mỗi năm, gây thất thoát khoảng 3,9 tỷ USD, chiếm gần 2% Tổng sản phẩm nội địa (GDP). Khảo sát còn cho thấy, trong những thực phẩm bị bỏ đi, phần nhiều là cơm, bún, phở, mì (chiếm 68%), tiếp theo là thịt, cá đã chế biến (chiếm 53%) và rau củ (chiếm 44%). Những con số này phản ánh rõ nét những bất cập liên quan đến thói quen nấu ăn và tiêu dùng trong nhiều gia đình Việt.
Chị Nguyễn Thanh Hà (ở phường Bồ Đề) chia sẻ: “Gia đình tôi thường nấu nhiều vì sợ thiếu hoặc để dành phần cho người về muộn. Có những hôm ăn không hết, đồ ăn thừa quá nhiều, ăn lại thì ngán, bỏ đi thì tiếc”. Thói quen “dự phòng” như gia đình chị Hà không phải là hiếm và đang góp phần tạo ra lượng rác thải thực phẩm khổng lồ mỗi ngày.
Nếu như trong gia đình, thực phẩm bị lãng phí do thói quen nấu nướng đã đáng kể, thì tại các nhà hàng, khách sạn, đặc biệt là mô hình buffet (tự chọn), tình trạng còn nghiêm trọng hơn. Chị Nguyễn Huyền Lê (ở phường Đại Mỗ) cho biết: “Bước vào những nhà hàng buffet dễ gặp cảnh thực khách gắp hết thịt, cá, tôm trên khay vào đĩa mình, đến khi ăn không nổi thì bỏ thừa cả đống…”.
Vấn đề lãng phí thực phẩm không chỉ dừng lại ở thói quen tiêu dùng mà còn bắt nguồn từ những yếu kém trong hệ thống sản xuất và bảo quản nông sản. Nhiều nông dân vẫn canh tác theo phương pháp truyền thống, chưa được tiếp cận với kỹ thuật bảo quản hiện đại. Rau củ, thực phẩm tươi sống vì vậy rất dễ hư hỏng trong quá trình vận chuyển, lưu trữ, gây tổn thất lớn cho người sản xuất và lãng phí tài nguyên như đất, nước, công sức lao động.
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên cán bộ Viện Công nghệ sinh học - Công nghệ thực phẩm (Đại học Bách khoa Hà Nội) nhận định, thực phẩm bị bỏ đi không chỉ gây lãng phí kinh tế mà còn là hiểm họa cho môi trường. Rác thải hữu cơ tạo điều kiện cho vi sinh vật sinh sôi, sinh ra các chất độc hại, nước rỉ đen ngấm xuống đất, gây ô nhiễm mạch nước ngầm. Quá trình phân hủy thực phẩm cũng sản sinh ra khí metan - loại khí nhà kính nguy hiểm gấp nhiều lần khí CO.
Theo báo cáo của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), mỗi năm thế giới lãng phí khoảng 1,3 tỷ tấn thực phẩm, tương đương 1/3 lượng thực phẩm toàn cầu. Trong khi đó, gần 800 triệu người vẫn đang sống trong cảnh đói nghèo. Đáng lo ngại hơn, thực phẩm bị vứt bỏ đang tạo ra tới 8% tổng lượng khí thải nhà kính, góp phần không nhỏ vào biến đổi khí hậu và suy giảm đa dạng sinh học toàn cầu.
Trước thực trạng trên, các chuyên gia cho rằng, giảm lãng phí thực phẩm là hành động thiết thực để tiết kiệm chi tiêu, bảo vệ môi trường và hướng tới phát triển bền vững. Để làm được như vậy, đòi hỏi sự chung tay từ mọi tầng lớp xã hội. Mỗi cá nhân cần thay đổi thói quen tiêu dùng, như lên kế hoạch bữa ăn hợp lý, chỉ mua lượng thực phẩm đủ dùng, ưu tiên sử dụng hàng gần hết hạn, tận dụng thức ăn thừa để chế biến lại và ứng xử có trách nhiệm khi ăn uống tại tiệc, nhà hàng. Các nhà hàng, khách sạn nên thiết lập hệ thống kiểm soát khẩu phần, sử dụng công nghệ quản lý thực phẩm hoặc hợp tác với tổ chức từ thiện để quyên góp thực phẩm còn sử dụng được đưa đến nơi cần tiêu dùng. Nhà nước và các doanh nghiệp cũng cần đầu tư vào chuỗi bảo quản, vận chuyển nông sản, hỗ trợ nông dân tiếp cận công nghệ mới nhằm giảm hao hụt ngay từ khâu sản xuất.
Mỗi hạt gạo, cây rau... là mồ hôi, là công sức, là tài nguyên quý giá. Trong một thế giới ngày càng mong manh trước thiên tai, nghèo đói và biến đổi khí hậu, việc ngăn chặn lãng phí thực phẩm không còn là lựa chọn mà là nghĩa vụ đạo đức và trách nhiệm công dân. Ý thức hôm nay chính là nền tảng cho sự sống của ngày mai.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.