(HNMO) - Ngày 25-4, Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám tổ chức Tọa đàm “Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám: Kết quả hoạt động và định hướng phát triển”, nhân kỷ niệm 35 năm Ngày thành lập Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám (25/4/1988-25/4/2023).
Di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám là một trong những quần thể kiến trúc lâu đời và quan trọng bậc nhất ở Hà Nội, đồng thời là di tích Nho học lớn nhất ở Việt Nam. Cùng với những thăng trầm của lịch sử, từng có thời gian khu di tích bị xuống cấp nghiêm trọng.
Thực hiện đường lối đổi mới toàn diện trên các lĩnh vực, trong đó có văn hóa, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng, Thành ủy Hà Nội chủ trương thành lập một trung tâm đặt tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, làm nơi gặp gỡ, trao đổi về những vấn đề thuộc các ngành khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật, văn hóa nghệ thuật..., nhằm huy động sự tham gia của các nhà khoa học góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng Thủ đô, xây dựng đất nước. Trên cơ sở đó, ngày 25-4-1988, UBND thành phố Hà Nội đã ra Quyết định số 1776/QĐ/UB về việc thành lập Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Văn hóa - Thông tin Hà Nội (nay là Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội).
Phát biểu tại tọa đàm, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng khẳng định: Trong bối cảnh đất nước ở giai đoạn đầu công cuộc đổi mới với nhiều khó khăn, đặc biệt là kinh tế, quyết định thành lập Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám thể hiện tư duy đổi mới, tầm nhìn xa của lãnh đạo thành phố Hà Nội. Những gì diễn ra tại di tích suốt 35 năm qua đã minh chứng rõ ràng cho tính cần thiết và hiệu quả hoạt động của mô hình đặc biệt này.
“Chẳng hạn, công tác bảo tồn di tích đã chấm dứt thời kỳ xuống cấp kéo dài, đồng thời tạo nên diện mạo khang trang song vẫn mang đậm nét cổ kính, trầm mặc của một di tích lâu đời là Văn Miếu - Quốc Tử Giám, thể hiện tính mẫu mực trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích ở nước ta. Các hoạt động văn hóa, giáo dục, khoa học được tổ chức tại di tích cũng ngày càng bài bản, chuyên nghiệp, tạo hiệu ứng tích cực đối với giới chuyên môn cũng như khách tham quan. Việc đón tiếp các đoàn khách tham quan, đặc biệt là các đoàn khách ngoại giao của Đảng, Nhà nước và thành phố luôn chu đáo, trọng thị và an toàn, góp phần tạo hình ảnh tốt đẹp về đất nước và con người Việt Nam”, ông Đỗ Đình Hồng nói.
Tại tọa đàm, đại diện nhiều đơn vị, tổ chức và các nhà khoa học đã nêu ý kiến đánh giá và đóng góp sáng kiến, giải pháp, nhằm phát huy giá trị di sản văn hóa tại di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám.
GS Nguyễn Vĩnh Cát, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin đề xuất, cần đẩy mạnh phát huy giá trị khu Nội tự, hồ Văn khi đã hoàn thành tu bổ, như xây dựng các chương trình, sự kiện văn hóa vào ban đêm ở hai khu này. Nhà Phương đình ở đảo Kim Châu, hồ Văn có thể tổ chức làm nơi ngâm thơ, bình thơ, cũng có thể tổ chức những đêm ca trù, hát văn...
Đề xuất khai thác công nghệ tại Trung tâm, như: Số hóa, lưu trữ tư liệu, trưng bày, triển lãm..., theo Chủ tịch Công ty Vietsoft Pro Hoàng Quốc Việt, hiện Trung tâm đang phối hợp với đơn vị thực hiện số hóa hệ thống bia tiến sĩ và các công trình tiêu biểu, cũng như số hóa các triển lãm chuyên đề, số hóa tiểu sử danh nhân và truyền thống đạo học ở Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Trong năm 2023, đơn vị sẽ tiếp tục triển khai hệ thống trải nghiệm thực tế ảo, cũng như triển khai tour trải nghiệm đêm theo hình thức ứng dụng chiếu sáng nghệ thuật và công nghệ 3D Mapping, tái hiện câu chuyện lịch sử và đạo học...
Các đại biểu tham dự tọa đàm cũng đề xuất nhiều vấn đề về phát triển công nghiệp văn hóa và văn hóa sáng tạo tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám, thu hút nguồn lực tài chính để bảo tồn và phát huy giá trị di tích, quản lý kiến trúc đô thị các khu phố xung quanh tạo sự hài hòa với di tích...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.