Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ứng dụng công nghệ cao trong hợp tác xã nông nghiệp: Khó nhân rộng vì quy mô nhỏ, phân tán

Ngọc Quỳnh| 31/01/2018 07:28

(HNM) - Nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của nông sản, các hợp tác xã đã tích cực ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, phân tán, việc liên kết chuyển giao công nghệ trong chuỗi giá trị nông sản yếu kém... nên khó nhân rộng.

Sản xuất giống cây thủy canh tại HTX công nghệ cao Đức Phát (huyện Thanh Trì). Ảnh: Bá Hoạt


Chỉ 1,65% hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao

Hiện cả nước có 193 hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, gồm: 155 hợp tác xã trồng trọt, lâm nghiệp, 18 hợp tác xã chăn nuôi, 20 hợp tác xã thủy sản. Các lĩnh vực sản xuất của hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao phổ biến là sản xuất rau, quả an toàn, giống cây trồng, hoa, nấm, chăn nuôi gà, lợn, bò sữa, nuôi trồng thủy sản, chế biến, bảo quản các sản phẩm nông nghiệp. Các địa phương có nhiều hợp tác xã ứng dụng mô hình nông nghiệp công nghệ cao như: Lâm Đồng 36 hợp tác xã, Long An 14, Hà Nội 13, TP Hồ Chí Minh 11 hợp tác xã...

Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) Ma Quang Trung cho biết: Hiện các mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp của hợp tác xã vẫn còn nhỏ lẻ, phân tán, chậm được nhân rộng. Hiện cả nước mới chỉ có 1,65% số hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Tuy nhiên, phần lớn các mô hình ứng dụng công nghệ mới áp dụng một khâu hoặc một công đoạn sản xuất. Ngoài ra, việc liên kết chuyển giao công nghệ cao giữa hợp tác xã và doanh nghiệp trong chuỗi giá trị nông sản còn yếu; hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường cho các sản phẩm nông sản công nghệ cao vẫn rất mờ nhạt.

Bên cạnh đó, hầu hết hợp tác xã đều thiếu quỹ đất tập trung để phát triển công nghệ cao hoặc chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên chưa yên tâm đầu tư, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Giám đốc Hợp tác xã Sông Hồng, huyện Đông Anh (Hà Nội) Lê Văn Tám cho biết: Từ năm 2012, hợp tác xã bắt đầu hình thành khu nhà màng công nghệ cao trồng rau, củ an toàn, nhưng gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng để đầu tư máy móc, trang thiết bị vào sản xuất; ngoài ra thiếu đất đai làm trụ sở giao dịch và mặt bằng kinh doanh, xây dựng nhà màng, khu nhà sơ chế, chế biến, kho lạnh.

Trao đổi về khó khăn của địa phương, Trưởng phòng Kinh tế huyện Phú Xuyên (Hà Nội) Nguyễn Hữu Chi cho biết: Nhận thức, hiểu biết của cán bộ và thành viên hợp tác xã về nông nghiệp công nghệ cao còn hạn chế, chưa kể chi phí đầu tư tốn kém nên vấn đề này chưa thực sự được quan tâm. Dù công việc đòi hỏi phải có trình độ kỹ thuật mới làm chủ được công nghệ, thế nhưng mức thu nhập chưa hấp dẫn nên khó thu hút được lao động làm việc ở khu vực kinh tế hợp tác.

Tháo gỡ về vốn, nguồn nhân lực

Theo Bộ NN&PTNT, cả nước phấn đấu đến năm 2020 có 500 hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất; nâng giá trị sản lượng của các sản phẩm nông nghiệp sản xuất nhờ ứng dụng công nghệ cao lên gấp 5 lần so với hiện nay và thu nhập trên đơn vị diện tích hoặc đơn vị sản phẩm tăng từ 1,5 lần lên 3 lần so với sản phẩm thông thường không áp dụng công nghệ cao...

Để hoàn thành chỉ tiêu trên, nhiều ý kiến đề xuất, các bộ, ngành liên quan, chính quyền địa phương cần đẩy mạnh thực hiện cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển hợp tác xã nông nghiệp, ưu tiên hỗ trợ đơn vị ứng dụng công nghệ cao, đồng thời tăng cường công tác tư vấn, hỗ trợ thông tin công nghệ, thị trường, tổ chức sản xuất cho hợp tác xã. Xây dựng và thực hiện thành công đề án đưa cán bộ, người lao động của các hợp tác xã đi lao động, học tập ở nước ngoài. Phấn đấu năm 2018 có khoảng 100 người và đến năm 2020 con số này được nâng lên là 500 cán bộ, người lao động được gửi đi lao động, học tập ở một số nước như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Israel..., nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Tiếp thu kiến nghị của các địa phương, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn Ma Quang Trung đề xuất Bộ NN&PTNT nên xem xét bố trí 300 tỷ đồng vốn đầu tư cho các hợp tác xã nông nghiệp trong nguồn kinh phí Chương trình mục tiêu Tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp và phòng chống giảm nhẹ thiên tai, ổn định đời sống dân cư để hỗ trợ các hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho hay: Nhà nước đang có chủ trương tập trung đất đai để sản xuất lớn gắn với công nghệ cao. Hợp tác xã là mô hình tập trung đất đai sản xuất hiệu quả và có thể là giải pháp hiệu quả nhất trong tình hình hiện nay, nhưng không nhất thiết phải có hàng trăm hay hàng chục héc ta mà vẫn có thể bảo đảm nâng cao hiệu quả giá trị trên một đơn vị diện tích canh tác.

Mới đây, Chính phủ cũng giao Bộ NN&PTNT xây dựng Đề án về hợp tác xã ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao. Theo đó, Bộ NN&PTNT sẽ lấy ý kiến của bộ, ngành liên quan, hợp tác xã góp ý cho đề án này. Sau khi trình Chính phủ sẽ triển khai nhân rộng mô hình ra khắp cả nước. Các địa phương trong quy hoạch khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cần chủ động trong việc cân đối ngân sách địa phương cũng như huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng nông nghiệp công nghệ cao, giảm sự phụ thuộc vào ngân sách trung ương để mô hình này ngày càng phát triển, tạo việc làm nâng cao thu nhập cho các hợp tác xã.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Ứng dụng công nghệ cao trong hợp tác xã nông nghiệp: Khó nhân rộng vì quy mô nhỏ, phân tán

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.