(HNMCT) - Hoạt động văn học của Hà Nội cần được thổi thêm những làn gió mới trong bối cảnh đòi hỏi thích ứng linh hoạt hiện nay, không chỉ với lĩnh vực kinh tế - xã hội mà là đời sống văn hóa, văn nghệ nói chung.
Trong hai năm 2020 và 2021, tình trạng giãn cách, cách ly, hạn chế đi lại giữa các địa phương, địa bàn để phòng, chống dịch Covid-19 đã tác động đáng kể đến đời sống văn học. Nhiều sự kiện phải hoãn, lùi, không diễn ra; các hoạt động thực tế phục vụ cho sáng tác văn học hết sức hạn chế; hoạt động cá nhân của người cầm bút cũng bị ảnh hưởng. Và dù nhiều ý kiến lạc quan rằng với nhà văn thì không nhất thiết phải có thực tế mới ra sản phẩm, nhưng rõ ràng, thiếu tiếp xúc với đời sống, thiếu trải nghiệm xã hội và các địa bàn ngoài nơi cư trú, thiếu sự trao đổi, giao lưu nghề nghiệp thì đề tài, nội dung, chất lượng sáng tác và hiệu quả đổi mới sáng tác cũng có hạn chế nhất định.
Tình hình không mấy sáng sủa trong những tháng ngày qua tiếp tục cho thấy việc chưa thoát khỏi những bó buộc khách quan, do dịch bệnh vẫn tiếp tục lây lan, tăng nhanh. Người viết văn, hoạt động văn chương không tránh khỏi những va đập, kìm hãm này. Sự “bó chân” sẽ khiến người ta phải “bó tay” nữa, nếu thiếu những hoạt động xúc tác cần thiết. Trên địa bàn Hà Nội, trong đời sống văn học Hà Nội, nhìn từ góc độ địa phương, những tín hiệu cho các hoạt động như thế, có thể thấy ở mức... quá khiêm tốn.
Vài ví dụ cho thấy những cố gắng triển khai hoạt động của một số hội nghề, đơn vị nghề nghiệp được chú ý trong thời gian qua. Đó là cuộc thi thơ “Nhân nghĩa đất phương Nam” do Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp phát động; cuộc thi thơ “Sống và hy vọng” - Hội Văn học nghệ thuật Thái Nguyên phối hợp tổ chức; cuộc thi viết “Về nhà” của NXB Hội Nhà văn và vanvn.vn… Chất lượng tác phẩm tham dự và giành giải tuy có những hạn chế nhất định, nhưng có thể thấy sự tham gia đông đảo, tích cực của các tác giả cũng như sự chú trọng khởi xướng, truyền thông, tăng hiệu ứng lan tỏa vào xã hội, vào giới nghề của các nhà tổ chức. Ngay như nhóm cộng đồng sáng tác trẻ mang tên Văn, vốn có những liên hệ nhất định từ sự thành lập Câu lạc bộ Văn học trẻ Hà Nội - với vai trò gây dựng của Ban Nhà văn trẻ - Hội Nhà văn Hà Nội nhiệm kỳ trước, nhóm này đã tích cực tổ chức một số diễn đàn trực tuyến về tác giả trẻ, về thơ trong đời sống hôm nay, thu hút sự tham gia của nhiều cây bút. Một ví dụ khác về sự đổi mới tích cực của cổng thông tin điện tử Hội Nhà văn Việt Nam vanvn.vn với sự tăng cường số lượng, chất lượng bài vở, cập nhật thường xuyên, tích cực theo dõi bài vở, tác phẩm trên nhiều ấn phẩm, diễn đàn khác để dẫn lại, cập nhật phù hợp. Và đáp ứng cho diện mạo mới, sắc màu mới này cũng có sự tăng cường về nhóm nhân sự thực hiện.
Những hoạt động như trên, trong suốt thời gian dịch bệnh vừa qua, cho thấy cần có sự tích cực xây dựng ý tưởng, kế hoạch, tìm cơ hội để có hoạt động mới của hội nghề nghiệp, có chương trình, sự kiện mới dành cho hội viên, người cầm bút, góp phần khích lệ các tác giả sáng tác trong khó khăn chung. Tuy nhiên, đáng băn khoăn khi đời sống văn học ở Hà Nội cho thấy một không khí khá im ắng.
Nên chăng, cũng cần có một cuộc vận động sáng tác dành cho hội viên, tác giả trên địa bàn Hà Nội với chủ đề gắn với công cuộc phòng, chống dịch, hoặc rộng hơn là sự vượt khó, vượt thoát, vượt lên khỏi những khó khăn, thử thách trong lịch sử, đời sống Thủ đô. Và nếu các cuộc thi thơ có xu hướng “tràn chảy” khá nhiều rồi, thì cần hướng đến các thể loại khác như truyện ngắn, tản văn, tùy bút, hay những thể loại đòi hỏi nhiều hơn về thực tế đời sống như ghi chép, bút ký. Ngoài ra, rất cần gây dựng lại trang văn học mà Hội Nhà văn Hà Nội đã lập ra mấy năm trước với sự góp sức của các tác giả trẻ thành thạo duy trì các trang mạng. Để trang này có thể trở thành một “cổng thông tin, tác phẩm” của Hội, nhằm giới thiệu, quảng bá, thông tin và kết nối nhanh chóng, hiệu quả hơn. Ngoài ra, trong bối cảnh hạn chế tiếp xúc để phòng dịch, nhiều hoạt động hội thảo, tọa đàm, diễn đàn của nhiều giới ngành phải chuyển sang tình hình trực tuyến, “bán trực tuyến”, thì hoạt động văn chương của Hà Nội như tọa đàm, hội thảo, ra mắt sách, sinh hoạt văn chương… cũng nên tham khảo, ứng dụng.
Đời sống văn học trên địa bàn Hà Nội rất cần được khuấy động, khởi xướng những nét mới. Trong bối cảnh thích ứng linh hoạt hiện nay, khi nhiều hoạt động kinh tế, xã hội đang chuyển mình, điều chỉnh, thì lĩnh vực văn hóa, văn học nghệ thuật nói chung cũng rất được mong mỏi cùng bắt nhịp, đồng hành, như tinh thần tôn vinh, đề cao giá trị, tác dụng của văn hóa, văn học nghệ thuật trong thời gian qua. Và thực tế đang có những hoạt động cụ thể tích cực của những hội nghề nghiệp, nhóm sáng tác… đề cao tinh thần thích ứng, nhập cuộc. Gợi ý như vậy, cũng chính là mong đợi nhiều hơn vào sự chú trọng đầu tư, hỗ trợ, thúc giục cho hoạt động văn học trên địa bàn Thủ đô, từ phía chính quyền thành phố và các địa phương, ngành văn hóa, khối liên hiệp văn học nghệ thuật… Thời gian trôi rất nhanh và mong rằng sau mỗi năm, mỗi nửa năm nhìn lại đời sống văn học, sẽ không chỉ thấy những khó khăn, hạn chế do ảnh hưởng kéo dài của dịch bệnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.