LTS: Sau một thời gian tạm lắng do thực hiện cách ly và giãn cách xã hội phòng, chống dịch Covid-19, những ngày qua, tình trạng ùn tắc giao thông tái diễn phức tạp trên nhiều tuyến đường, phố của Thủ đô Hà Nội.
Bài đầu: Những nguyên nhân... cũ
(HNM) - Các chuyên gia và cơ quan quản lý cho rằng, những ngày qua, ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố Hà Nội vẫn là những nguyên nhân cũ như: Sự gia tăng phương tiện cá nhân, hạ tầng giao thông còn hạn chế, ý thức người tham gia giao thông kém, công trình thi công chiếm dụng mặt đường...
Áp lực trên mỗi cung đường
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới, sau thời gian giãn cách xã hội, áp lực giao thông tại Thủ đô dần tăng cao, ùn tắc bắt đầu thường trực trên nhiều tuyến đường, nhất là vào các khung giờ cao điểm tại những trục đường hướng vào trung tâm thành phố như: Nguyễn Trãi, Lê Văn Lương, Trần Duy Hưng, Cầu Giấy, Nguyễn Thái Học, Nguyễn Khoái, Nguyễn Văn Cừ; hoặc đường vành đai như Đại Cồ Việt, Xã Đàn, Trường Chinh, Khuất Duy Tiến... "Nhiều thời điểm, tuyến đường Nguyễn Văn Cừ tắc cứng. Cả tuyến đường suốt từ ngã tư Nguyễn Sơn - Nguyễn Văn Cừ kéo dài đến cầu Chương Dương dài hơn 1km giống như bãi đỗ xe khổng lồ", anh Lê Minh Tuấn (ngõ 176 đường Nguyễn Sơn, quận Long Biên) chia sẻ.
Ngày bình thường, áp lực giao thông tập trung cao điểm vào khoảng thời gian từ 7h đến 9h sáng. Vậy nhưng, vào những ngày mưa, nhất là khi có mưa lớn thì giao thông tê liệt hẳn, dù luôn có lực lượng chức năng chốt trực, hướng dẫn phân luồng. Chị Nguyễn Phương Liên (phường Mộ Lao, quận Hà Đông) phân tích: "Lúc trời mưa, nhiều khi gặp một vũng nước trên đường là gây ùn tắc ngay; lúc đó xe máy lao cả lên vỉa hè để đi. Ngày 13-5 vừa qua, trời mưa to, tôi phải mất gần 2 giờ mới đi được từ nhà đến công ty ở đường Minh Khai (quận Hai Bà Trưng); khổ nhất là qua những đoạn đang rào chắn phục vụ thi công đường trên cao".
Ông Ngô Mạnh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội cho biết, những năm qua, thành phố đã tập trung nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông; phát triển vận tải hành khách công cộng; điều chỉnh giờ học, giờ làm; hạn chế phương tiện trên một số tuyến phố chính trong các khung giờ cao điểm; tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm..., song tình trạng ùn tắc giao thông vẫn diễn biến phức tạp. Trong năm 2019, thành phố đã xử lý được 10/33 điểm ùn tắc, nhưng lại phát sinh 10 điểm mới, cho nên số điểm ùn tắc thường xuyên hiện vẫn giữ nguyên con số 33.
Phương tiện tăng, hạ tầng quá tải
Trung bình mỗi tháng, thành phố Hà Nội có khoảng 27.000 phương tiện ô tô, xe máy đăng ký mới. Tính đến cuối tháng 4-2020, toàn thành phố có hơn 6,9 triệu phương tiện, trong đó có khoảng 780.000 ô tô và trên 6 triệu mô tô, xe máy. Đó là chưa kể các phương tiện đăng ký ngoại tỉnh và xe của các cơ quan, đơn vị đóng trên địa bàn Thủ đô.
"Ùn tắc tại Hà Nội vẫn đến từ một trong những nguyên nhân rất... cũ là sự gia tăng của phương tiện cá nhân. Hạ tầng đô thị vốn đã chật hẹp, quá tải, phương tiện gia tăng với tốc độ chóng mặt, trong khi các biện pháp hạn chế xe cá nhân chưa được thực hiện thì tất yếu dẫn tới ùn tắc", ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội nhận xét.
Trong khi đó, theo Công ty TNHH một thành viên Thoát nước Hà Nội, toàn thành phố có 16 điểm úng ngập khi mưa lớn từ 50mm đến 100mm/2 giờ, như: Đường Phạm Văn Đồng, phố Thanh Đàm, phố Nguyễn Khuyến; ngã năm Đường Thành - Bát Đàn - Nhà Hỏa; ngã tư Phan Bội Châu - Lý Thường Kiệt... Nếu lượng mưa lớn trên 100mm, hoặc dồn dập trong thời gian ngắn, số điểm ngập còn lớn hơn nhiều và ùn tắc giao thông là khó tránh.
Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Thoát nước Hà Nội Nguyễn Việt Hương cho biết, đơn vị đã lên phương án bố trí nhân lực ứng trực tại điểm ngập để phân luồng giao thông; đồng thời sử dụng phương tiện cơ giới cố gắng rút ngắn thời gian ngập, hạn chế ảnh hưởng tới giao thông. Song, muốn giải quyết triệt để cần có dự án đầu tư hệ thống thoát nước hoàn chỉnh.
Đề cập nguyên nhân phát sinh 10 điểm ùn tắc giao thông, như tại nút giao Kim Mã - Liễu Giai, Liễu Giai - Đào Tấn, Hồ Tùng Mậu - Lê Đức Thọ, phố Nguyễn Khang, cầu 361 đường Láng, Ngã Tư Sở, đường Nguyễn Khoái đoạn Vĩnh Tuy - Vành đai 1, cầu Mai Động, nút giao Lê Quang Đạo - Châu Văn Liêm…, ông Trần Đăng Hải, Trưởng phòng Quản lý kết cấu hạ tầng giao thông (Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội) cho biết, ngoài phương tiện giao thông tăng cao, ý thức chấp hành luật của người tham gia giao thông hạn chế, còn do công trường thi công chiếm dụng mặt đường.
“Có tới 8/10 điểm ùn tắc mới là do công trình thi công chiếm dụng mặt đường, trong đó có các công trình trọng điểm như Vành đai 2, Vành đai 3, dẫn tới thu hẹp làn đường cho phương tiện lưu thông”, ông Trần Đăng Hải thông tin.
Thực tế, cơ quan chức năng đã tổ chức phân luồng phương tiện, song lại dẫn tới nguy cơ ùn tắc trên các tuyến phố khác. Vì vậy, giải pháp chính vẫn là đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thành công trình, hoàn trả mặt đường cho phương tiện lưu thông.
(Còn nữa)
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.