Giao thông

Hầm chui góp phần xóa ùn tắc giao thông

Tuấn Lương 30/05/2024 - 06:31

Từ khi hoàn thành và đưa vào khai thác đến nay, 4 dự án hầm chui trên địa bàn Thủ đô đã chứng minh hiệu quả trong việc giảm xung đột giao thông tại các nút giao lớn, nhất là trong khu vực đô thị đông dân cư.

Đây là cơ sở để các cơ quan liên quan kiến nghị đầu tư thêm một số hầm chui tại các nút giao thông phức tạp, trọng yếu khác nhằm giảm ùn tắc giao thông.

ham-chui.jpg
Hầm chui Trung Hòa kết nối đường Trần Duy Hưng với Đại lộ Thăng Long góp phần giảm ùn tắc giao thông.

Hiệu quả rõ rệt

Năm 2009, Ban Quản lý các dự án trọng điểm phát triển đô thị Hà Nội đã hoàn thành và đưa vào khai thác hầm chui Kim Liên. Dự án hầm chui đầu tiên trên địa bàn Thủ đô này nối đường Đại Cồ Việt với đường Xã Đàn, có chiều dài đường hầm 644m, mặt cắt ngang rộng 18,5m. Ngay sau khi đưa vào khai thác, công trình đã đóng vai trò quan trọng trong cải thiện tình trạng ùn tắc tại khu vực nút giao trung tâm nội đô này. Cho đến nay, sau 15 năm vận hành, hầm chui Kim Liên vẫn giữ nguyên giá trị.

Đến năm 2016, thành phố Hà Nội tiếp tục có thêm 2 hầm chui được hoàn thành. Đó là hầm chui Trung Hòa kết nối đường Trần Duy Hưng với Đại lộ Thăng Long và hầm chui Thanh Xuân tại nút giao thông Khuất Duy Tiến - Nguyễn Trãi. Cả hai hầm chui này đều nằm trên trục đường Vành đai 3, nơi có lưu lượng phương tiện giao thông rất lớn.

Đặc biệt, vốn là điểm giao cắt phức tạp giữa quốc lộ 6, đường Vành đai 3 và tuyến đường sắt đô thị trên cao Cát Linh - Hà Đông, hầm chui Thanh Xuân giúp giải quyết đáng kể tình trạng ùn tắc tại đây. Nút giao Khuất Duy Tiến - Nguyễn Trãi trở thành nút giao đầu tiên có 4 tầng giao thông ở Hà Nội.

Hầm chui thứ tư tại nút giao Lê Văn Lương - Vành đai 3 được thành phố Hà Nội hoàn thành và đưa vào khai thác đúng dịp kỷ niệm 68 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10-10-2022). Cùng với hầm chui Trung Hòa và Thanh Xuân, hầm chui Lê Văn Lương - Vành đai 3 đã phát huy vai trò quan trọng trong giảm ùn tắc giao thông trên tuyến đường hướng tâm trọng yếu ở khu vực cửa ngõ phía Tây và Tây Nam Thủ đô.

Đánh giá cao hiệu quả từ các dự án hầm chui của Hà Nội, bà Nguyễn Hải Liên (chung cư MHD Trung Văn - 29 phố Tố Hữu, quận Nam Từ Liêm) chia sẻ: “Nút giao Tố Hữu - Lê Văn Lương nhiều năm là nỗi ám ảnh với người tham gia giao thông do tình trạng ùn tắc phức tạp. Từ khi có hầm chui, tình trạng này đã được hóa giải, các phương tiện lưu thông thông suốt”.

ham-chui-1.jpg
Thi công hầm chui qua nút giao Kim Đồng - Giải Phóng (quận Hoàng Mai). Ảnh: Tạ Hải

Giảm trừ các giao cắt

Từ hiệu quả của các dự án hầm chui đã được xây dựng trên địa bàn Thủ đô, đầu tháng 10-2022, UBND thành phố Hà Nội đã khởi công hầm chui qua nút giao Kim Đồng - Giải Phóng, trên địa bàn quận Hoàng Mai. Hầm chui này là công trình trọng điểm của thành phố giai đoạn 2021-2025, nhằm khắc phục tình trạng ùn tắc giữa đường Vành đai 2,5 với đường Giải Phóng, từng bước hoàn chỉnh tuyến Vành đai 2,5 theo quy hoạch được duyệt. Hầm chui có quy mô 4 làn xe với chiều dài 460m, tổng mức đầu tư 778 tỷ đồng từ nguồn ngân sách.

Triển khai trong điều kiện đặc thù, như thi công qua đường sắt, mặt bằng chật hẹp, vừa thi công vừa bảo đảm phục vụ giao thông, sau hơn 18 tháng, dự án đã hoàn thành được nhiều hạng mục lớn. Tổng thể dự án đạt hơn 45%. Phần hầm chui phía đường Vành đai 2,5 đã cơ bản hoàn thành. Tại công trường phía Đầm Hồng, đường dẫn, kết cấu hầm đã hoàn thiện…

Chỉ huy trưởng gói thầu số 3 (dự án hầm chui Kim Đồng) Nguyễn Thành Luân cho biết, đơn vị chịu trách nhiệm thi công hầm trong phạm vi qua đường sắt. Đến tháng 3-2024, nhà thầu đã hoàn thành 15 trong tổng số 40 cọc nhồi của hệ trụ đỡ. Trong tháng 8-2024, nhà thầu sẽ thi công kết cấu hầm đoạn qua đường sắt. Thời gian thi công đốt hầm chính mất khoảng 9 tháng. Nhà thầu đã tính toán và có kế hoạch cụ thể bảo đảm việc thi công hầm không ảnh hưởng đến đường sắt phía trên.

Cùng với đẩy nhanh tiến độ thi công và hoàn thành hầm chui Kim Đồng - Giải Phóng, các cơ quan chức năng của Hà Nội đã chuẩn bị đầu tư một loạt hầm chui lớn khác, nhằm hoàn chỉnh quy hoạch hạ tầng giao thông khung, góp phần giải quyết “bài toán” ùn tắc giao thông.

Cụ thể, từ tháng 8-2023, UBND thành phố Hà Nội giao các đơn vị có liên quan lên phương án xây dựng hầm chui tại nút giao Cổ Linh - đường dẫn lên cầu Vĩnh Tuy (Vành đai 2) phía quận Long Biên. Công trình có tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 500-700 tỷ đồng, thực hiện trong giai đoạn 2023-2024.

Ngoài ra, Sở Giao thông vận tải Hà Nội đang đề xuất thành phố xây dựng hầm chui tại nút giao Mễ Trì - Dương Đình Nghệ - Vành đai 3, Hoàng Quốc Việt - Trần Vỹ - Vành đai 3 và Tây Thăng Long - Vành đai 3. Ba dự án này có tổng mức đầu tư gần 4.500 tỷ đồng.

Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính (Sở Giao thông vận tải Hà Nội) Phan Trường Thành thông tin: “Thành phố có thể hoàn thiện nút giao thông, giảm trừ các giao cắt bằng phương án hầm chui hoặc cầu vượt. Các dự án cầu vượt và hầm chui có thể giải quyết được ngay tình trạng ùn tắc giao thông trong giai đoạn vừa qua là những minh chứng thuyết phục để chúng tôi đề xuất thành phố sớm đầu tư triển khai dự án mới”.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hầm chui góp phần xóa ùn tắc giao thông

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.