(HNM) - Ngày 12-7, các phần tử phe cực hữu của Ukraine (Right Sector) đã phát động cuộc biểu tình quy mô lớn trước Văn phòng Tổng thống Petro Poroshenko ở thủ đô Kiev, các thành phố Lviv và Dnipropetrovsk đòi cách chức Bộ trưởng Nội vụ Arsen Avakov và phản đối chính sách của chính phủ.
Động thái này diễn ra ngay sau khi Right Sector và cảnh sát Ukraine có cuộc đọ súng đẫm máu ở ngoại ô thành phố Mukachevo, làm gia tăng những lo ngại cho rằng, đất nước bên bờ Biển Đen sẽ phải đối mặt với một cuộc chiến khác trong lúc tình hình miền Đông vẫn căng như thùng thuốc súng.
Các thành viên nhóm cực hữu Right Sector biểu tình trước Văn phòng Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko. |
Các nguồn tin địa phương cho biết, cuộc đọ súng diễn ra chiều 11-7, khi có khoảng 20 phần tử mặc quân phục với phù hiệu của Right Sector đã nổ súng vào một quán cà phê. Khi cảnh sát đến hiện trường, nhóm này đã chống trả lại bằng súng trường, súng chống tăng và các loại vũ khí khác. Hậu quả, 2 thành viên cực hữu thiệt mạng, 4 người khác bị thương. Về phía cảnh sát, có 6 người bị thương nặng, chưa kể 3 dân thường trúng đạn. Sau cuộc đọ súng, ngày 12-7, lực lượng cảnh sát cơ động cùng nhiều đội đặc nhiệm của vệ binh quốc gia Ukraine, đặc vụ của Cơ quan An ninh (SBU) đã bao vây khu vực nơi nhóm vũ trang cực hữu ẩn náu tại ngoại ô Mukachevo yêu cầu nhóm này hạ vũ khí và đầu hàng. Chính quyền Ukraine cũng khẳng định, họ sẽ làm bất cứ các biện pháp cần thiết để vô hiệu hóa và bắt giữ nhóm tội phạm có tổ chức. Tuy nhiên, trên trang facebook cá nhân của thủ lĩnh Right Sector Dmitry Yarosh, ông này kêu gọi tiếp tục biểu tình chống đối. Trong một tuyên bố khác, phe cực hữu còn cảnh báo "toàn bộ đảng Right Sector đã được đặt trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu".
Hiện tại, chưa rõ nguyên nhân dẫn tới cuộc đọ súng nói trên. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng, đây có thể là một cuộc tranh giành địa bàn hoạt động giữa các nhóm lợi ích tại Ukraine - một vấn đề vốn đã được cảnh báo ngay sau cuộc chính biến lật đổ Tổng thống Viktor Yanukovych đầu năm 2014. Theo nhận định của đại biểu Quốc hội Ukraine Mustafa Nayem, nguồn lợi nhuận vô cùng lớn từ hoạt động buôn lậu xuyên quốc gia tại vùng biên giới Mukachevo chính là nguyên nhân dẫn đến vụ xung đột. Đặc biệt, việc vận chuyển thuốc lá sang Đức và Italia mang lại thu nhập rất lớn cho các thế lực ở miền Tây. Điều này, có thể dẫn đến việc các băng nhóm hoạt động tại đây phải sử dụng tới biện pháp thanh trừng lẫn nhau để tranh giành lợi ích. Cũng không loại trừ khả năng, có một số quan chức cấp cao trong chính quyền Ukraine đứng đằng sau "chống lưng" cho các hoạt động phi pháp này.
Trên thực tế, Right Sector vốn được coi là một tổ chức chính trị "có công" rất lớn trong việc lật đổ chính quyền cũ của cựu Tổng thống Viktor Yanukovych. Ngay thời điểm đó, đã từng có nhiều ý kiến cho rằng, việc các đảng phái ủng hộ đường lối thân phương Tây "bắt tay" với phe cực hữu thiên về tư tưởng dân tộc cực đoan này không khác nào "chơi dao" và sẽ có ngày đứt tay.
Đúng như dự đoán, sau khi cuộc cách mạng có tên Maidan này kết thúc, vai trò của Right Sector ngày càng bị coi nhẹ và trong cuộc bầu cử Quốc hội cuối năm 2014, với số phiếu chưa đầy 5%, đảng cực hữu này đã bị gạt ra khỏi chính trường. Bất mãn trước kết quả bầu cử, thủ lĩnh của nhóm này, Dmitry Yarosh liên tục đưa ra những tuyên bố có tính cực đoan và chỉ đạo các thành viên thực hiện hàng loạt hành động chống đối chính quyền.
Cuộc đọ súng ở ngoại ô Mukachevo cho thấy, mối lo về Right Sector đang trở thành sự thật. Sự thiếu kiểm soát của Chính phủ Kiev đối với nhóm này có nguy cơ làm phức tạp thêm tình hình Ukraine vốn đã ngập trong rối ren suốt gần 2 năm qua.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.