(HNM) -Mối lo về một Ukraine
Người biểu tình treo cờ Nga trên tòa nhà chính quyền tỉnh Donetsk. |
Có thể nói, những gì diễn ra ở Quảng trường Độc lập, thủ đô Kiev cách đây 2 tháng đang lặp lại ở khu vực miền Đông. Chỉ khác một điều, nếu ở Kiev phe biểu tình đòi lật đổ chính quyền được cho là thân Nga thì tại Donetsk, Kharkov và Luhansk, người biểu tình đang đòi hỏi điều ngược lại. Hiện tại, dòng người xuống đường tại Donetsk đang tích cực củng cố chiến lũy xung quanh tòa nhà Ủy ban nhân dân tỉnh sau khi chính phủ lâm thời tuyên bố sẽ mạnh tay ngăn chặn âm mưu ly khai. Các cuộc thương lượng giữa lực lượng biểu tình và chính quyền trung ương dự kiến sẽ diễn ra nhằm tránh đổ máu. Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích dự đoán, hai bên ít có hy vọng đạt được kết quả tích cực khiến các diễn biến tiếp theo ở tỉnh này khó có thể lường trước. Những người thân Nga chiếm đa số tại Donetsk không dễ từ bỏ quyết tâm độc lập, trong khi chính quyền lâm thời Ukraine sẽ giữ Donetsk bằng mọi cách. Sau khi Crimea sáp nhập vào Nga, Ukraine đã bị mất đi cảng biển chiến lược. Nếu Donetsk - trung tâm về công nghiệp và mỏ than đá - tiếp tục "ra đi", thế bế tắc về kinh tế của Kiev sẽ càng nghiêm trọng. Thành phố lớn thứ 5 của Ukraine tập trung lực lượng lao động tay nghề cao, được đánh giá là một mũi nhọn về kinh tế, công nghiệp và khoa học.
Không chỉ riêng Donetsk, một thành phố khác có tầm quan trọng chiến lược về kinh tế đối với Ukraine là Kharkov cũng đang chìm trong bất ổn. Ngày 8-4, đụng độ đã nổ ra khi cảnh sát cố gắng giành lại quyền kiểm soát tòa nhà chính quyền tỉnh bị người biểu tình chiếm giữ. Thế nhưng, vòi rồng, lựu đạn gây choáng và hơi cay vẫn chưa dập tắt được ý chí của đoàn người. Đáp lại, người biểu tình đã ném chai xăng vào tòa nhà và đốt đống lốp xe được sử dụng làm chiến lũy. Kết quả "cuộc đấu" giữa lực lượng an ninh và người biểu tình là tòa nhà bị hư hỏng. Trước đó, Hội nghị nhân dân do người biểu tình thân Nga tổ chức đã biểu quyết bất tín nhiệm Hội đồng tỉnh Kharkov và tuyên đọc danh sách các đại biểu nhân dân tự xưng. Tuy nhiên, nỗ lực xâm nhập vào bên trong trụ sở Hội đồng tỉnh không thành, nên các "đại biểu" mới tổ chức họp ở ngay sảnh trụ sở và nhanh chóng thông qua một số quyết định về việc thành lập nhà nước chủ quyền mang tên Cộng hòa nhân dân Kharkov. Việc xây dựng quan hệ với các quốc gia khác theo luật quốc tế của nhà nước tương lai cũng được đặt ra. Quyết định này sẽ có hiệu lực sau khi trưng cầu dân ý toàn tỉnh.
Căng thẳng liên tục leo thang không chỉ làm gia tăng mối lo nội chiến sẽ diễn ra tại nhiều vùng ở Ukraine mà còn khoét sâu những mâu thuẫn sẵn có giữa các bên liên quan như Nga và phương Tây, đẩy tình hình đến trước những hậu quả khó dự đoán. Ngày 8-4, Nga ra tuyên bố cảnh báo, nếu Kiev sử dụng bất kỳ hành động vũ lực nào tại miền Đông Ukraine, nơi lực lượng biểu tình đang chiếm giữ hàng loạt tòa nhà chính quyền, có thể sẽ đẩy đất nước này rơi vào cuộc nội chiến. Trong khi đó, Kiev đã cáo buộc Nga đứng sau các cuộc biểu tình này và Washington đề nghị Kremlin ngừng làm mất ổn định Ukraine. Trong một tuyên bố mới nhất của Nhà Trắng, Phát ngôn viên Jay Carney khẳng định, nếu Nga tiến vào miền Đông Ukraine, dù công khai hay bí mật, thì đó sẽ là hành động leo thang hết sức nghiêm trọng và Mỹ sẵn sàng áp đặt các biện pháp trừng phạt tiếp theo nhằm vào các bộ phận của nền kinh tế Nga. Tuy nhiên, trong tuyên bố ngày 8-4, Bộ Ngoại giao Nga đã yêu cầu giới chức trách ở Kiev ngừng đổ
lỗi cho nước này về những vấn đề của Ukraine. Cơ quan này cũng cho biết, họ có thông tin về việc Ukraine đã cử lực lượng an ninh nội địa cùng những phần tử của nhóm cực đoan Pravy Sektor tới miền Đông nam Ukraine, bao gồm cả Donetsk nhằm đẩy lui người biểu tình. Nga cũng cáo buộc Ukraine đã tuyển mộ lực lượng an ninh thuê từ Mỹ, nhưng mặc đồng phục đặc nhiệm Ukraine để trấn áp người biểu tình.
Đã hơn một tháng kể từ khi Chính phủ lâm thời Ukraine được thành lập, nhưng những bất ổn tại quốc gia này vẫn chưa có dấu hiệu lắng dịu mà ngày càng có xu thế leo thang theo chiều hướng phức tạp. Ngoài thách thức từ phong trào cực hữu, viễn cảnh kinh tế liên tục bị đe dọa bởi các khoản nợ nần, việc xuất hiện các tuyên bố độc lập ngay trong lòng lãnh thổ đang trở thành thách thức chính trị nghiêm trọng nhất đối với Kiev.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.