(HNMO) - Gần đây, đối tượng người mắc bệnh trĩ ngày càng trẻ hoá và có xu hướng gia tăng, nhất là ở khối văn phòng, hay những người thường xuyên sử dụng rượu bia.
Điều trị cho bệnh nhân mắc bệnh trĩ tại Bệnh viện Y học cổ truyền trung ương. |
Nguyên nhân khiến bệnh trĩ xuất hiện nhiều ở giới trẻ
Nếu như trước đây bệnh trĩ thường xuất hiện ở người trung niên do đây là nhóm đối tượng có sức đề kháng giảm, do lao động nặng hoặc ít vận động và có thói quen ngồi lâu thì giờ đây, bệnh trĩ đang ngày càng “trẻ hóa”. Đây là hồi chuông cảnh báo về lối sống phi khoa học của nhiều bạn trẻ ngày nay.
Bác sĩ Hoàng Đình Lân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Hậu môn trực tràng Việt Nam lý giải, người trẻ đang đối mặt với nhiều áp lực trong cuộc sống như: Sức ép công việc, sức ép từ xã hội và cuộc sống hằng ngày. Mặt khác, người trẻ với lối sống tương đối thoải mái, dùng nhiều rượu bia, ăn uống thất thường, việc tập luyện thể dục, thể thao thường hạn chế. Thậm chí, nhiều người bây giờ còn quên cả ăn, quên cả ngủ để dành thời gian lướt mạng internet. Việc ăn ít rau quả, thực phẩm có chất xơ cộng với nhiều loại thực phẩm hiện nay không bảo đảm vệ sinh khiến nhiều người bị viêm đại tràng dẫn tới mắc bệnh trĩ.
Bệnh trĩ là căn bệnh không gây nguy hiểm đến tính mạng người bệnh nhưng nếu như không điều trị bệnh dứt điểm sẽ gây ra những biến chứng nguy hiểm cho người bệnh. Do đó, những người trẻ mắc bệnh cần hết sức lưu ý. Theo ThS.Bác sĩ Hoàng Khánh Toàn, Chủ nhiệm Khoa Đông y, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, bệnh trĩ nếu điều trị không đúng cách và không kịp thời có thể dẫn tới một số biến chứng, thường gặp là xuất huyết, chảy máu thời gian dài gây sốc hoặc thiếu máu mãn tính. Ngoài ra, khi búi trĩ sa xuống, tắc lại gây hoại tử phải cấp cứu kịp thời. Thậm chí, bệnh trĩ nếu chúng ta điều trị không tốt có thể gây ra tình trạng viêm quanh hậu môn, áp xe hậu môn. Đây là biến chứng nguy hiểm, nếu không điều trị kịp thời có thể dẫn tới tử vong.
Cách phòng ngừa bệnh trĩ hiệu quả cho người trẻ
Để phòng ngừa bệnh trĩ, bạn có thể kết hợp điều chỉnh chế độ sinh hoạt và ăn uống hợp lý; uống nhiều nước, ăn thức ăn có nhiều chất xơ, hạn chế ăn đồ cay nóng, café, rượu bia... Ngoài ra, bạn nên tránh đứng lâu, ngồi lâu, không nên ngồi xổm, nên tăng cường các hoạt động thể thao nhẹ nhàng như bơi lội, đi bộ…
Khi có các dấu hiệu bị trĩ, bệnh nhân nên đi khám nhằm loại trừ ung thư đại tràng hay ung thư trực tràng tiềm ẩn. Nếu đã xác định là trĩ, bạn nên dùng khẩu phần ăn chứa nhiều chất xơ: rau xanh, chuối, đu đủ, bưởi, khoai lang, khoai tây, bí đỏ, uống nhiều nước, tránh rặn mạnh khi đại tiện hay khuân vác nặng, tránh ngồi lâu, đứng nhiều...
Người bệnh nên giữ vùng hậu môn sạch như rửa bằng nước, không dùng giấy lau mạnh sau đại tiện, không nên rửa bằng xà phòng vì dễ gây kích thích, ngứa nhiều hơn, ngâm hậu môn với nước ấm ngày 4 lần, mỗi lần 10 phút.
Theo TS.Bác sĩ Nguyễn Thị Quỹ, Phó Chủ tịch Hội Tiêu hóa Hà Nội, Trưởng ban kiểm tra Hội Tiêu hóa Việt Nam, để đạt hiệu quả điều trị trĩ triệt để và tốt nhất, trước hết, người bệnh cần được nội soi và tìm nguyên nhân bệnh trĩ do đâu. Ở giai đoạn 1 và 2 của bệnh trĩ, người bệnh nên dùng thuốc kết hợp với chế độ ăn uống, sinh hoạt lành mạnh để bệnh không tái phát và tiến triển.
Tuy nhiên, nếu bệnh phát triển đến giai đoạn 4 thì đa phần người bệnh phải điều trị bằng phương pháp phẫu thuật. “Việc phẫu thuật trĩ là một phương pháp điều trị khá tốn kém và có thể có nhiều rủi ro. Dù vậy, sau khi phẫu thuật, nếu không có một chế độ sinh hoạt điều độ, không có một chế độ điều trị dự phòng, không uống thuốc thì bệnh trĩ vẫn có thể tái phát chứ không khỏi hoàn toàn”, TS.Bác sĩ Nguyễn Thị Quỹ khuyến cáo.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.