(HNM) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 54/2010/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Điện ảnh số 62/2006/QH11 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh số 31/2009/QH12 ngày 18-6-2009 (có hiệu lực kể từ ngày 7-7-2010).
Theo nghị định này thì tỷ lệ thời lượng phát sóng phim truyện Việt Nam của mỗi đài truyền hình đạt ít nhất 30% so với tổng số thời lượng phát sóng phim và số phim này phải được phát sóng trong khung 20-22 giờ trong ngày, ngoài ra còn có thể phát sóng vào các giờ khác. Tỷ lệ số buổi chiếu phim truyện Việt Nam trên hệ thống các rạp đạt ít nhất 20% so với tổng số buổi chiếu và chiếu từ 18-22 giờ trong ngày, ngoài ra còn có thể chiếu vào các giờ khác. Thời lượng phát sóng phim trên truyền hình dành cho trẻ dưới 16 tuổi đạt ít nhất 5% so với tổng thời lượng phát sóng phim. Giờ chiếu phim cho trẻ em dưới 16 tuổi tại rạp và cả trên truyền hình kết thúc trước 22 giờ.
Một cảnh trong bộ phim “Bí mật Eva” được chiếu trên VTV3 trong khung giờ vàng. |
Những nội dung nói trên cũng đã được quy định tại Nghị định số 96/2007/NĐ-CP ngày 6-6-2007 của Chính phủ về việc quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Điện ảnh. Một số đài truyền hình đã đạt được tỷ lệ này, thậm chí vượt chỉ tiêu. Đó cũng là hai đài truyền hình lớn nhất nước: VTV và Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh (HTV). Ông Xuân Trường, Ban Khai thác phim truyện HTV cho biết, HTV đã đạt tỷ lệ phim nội trên 30% từ lâu và hiện nay tỷ lệ này xấp xỉ 50%. Ông Đỗ Văn Hồng, Trưởng ban Thư ký biên tập VTV cũng khẳng định VTV đã vượt chỉ tiêu 30% phim nội. Hầu hết các đài còn lại đều chưa đạt tỷ lệ này. Những đài chiếu phim Việt Nam không đạt tỷ lệ không phải do không có phim trong nước để phát sóng mà vì họ dành khung "giờ vàng" để phát phim nước ngoài và game show, còn phim Việt Nam chủ yếu phát vào ban ngày.
Đầu tư kinh phí sản xuất cho các chương trình game show, talk show hay các chương trình ca nhạc, tạp kỹ thường thấp hơn so với các phim truyền hình và dễ kêu gọi tài trợ hơn nên các đài tỉnh chưa đầu tư sản xuất phim truyền hình. Những phim Việt Nam phát trên các đài này thường được mua bản quyền với giá "hữu nghị" từ các đài lớn hay các hãng phim sau khi đã được phát sóng. Cũng vì phim đã được phát "nước một" nên đài địa phương thường chỉ phát lại vào ban ngày. Cái vòng luẩn quẩn này khiến phim Việt Nam ở các đài địa phương phải nhường chỗ cho phim ngoại như một lẽ tất yếu. Ông Đỗ Văn Hồng cho rằng, làm phim truyền hình bây giờ vẫn là "lấy mỡ nó rán nó" chứ chưa có nguồn kinh phí khác để đầu tư cho làm phim ngoài chính doanh thu quảng cáo trên phim.
Việc "đổ đồng" quy định tỷ lệ 30% phim nội trên sóng truyền hình "làm khó" cho các đài địa phương, khi mà vùng phủ sóng của các đài này còn ở mức khiêm tốn. Mà vùng phủ sóng hẹp, quy mô tổ chức sản xuất và đội ngũ còn hạn chế cùng với những chật hẹp khác của một đài truyền hình tỉnh kéo theo mãi lực quảng cáo cũng ở mức độ vừa phải, nên không thể so sánh và đòi hỏi cái gì cũng phải ngang bằng với "người khổng lồ" HTV hay VTV.
Còn với các rạp, quy định tỷ lệ 20% phim nội quả là thách đố trong tình trạng mỗi năm các cơ sở sản xuất phim trong nước chỉ làm được khoảng 10 phim, trong khi các rạp chiếu để có doanh thu thì phải đỏ đèn tất cả các ngày trong tuần. Hầu hết các rạp đều phải tự hạch toán kinh doanh nên họ phải trông vào lượng khán giả xem phim để sắp xếp giờ chiếu và phòng chiếu. Phim "nội" nào thu hút được khách và có khả năng trụ rạp tốt thì có thể được bố trí giờ đẹp và phòng lớn. Và cũng dựa vào tỷ lệ tăng hay giảm của khách theo thời gian công chiếu để điều chỉnh thời gian và phòng chiếu. Nhưng ngay cả khi có đủ số phim Việt Nam hứa hẹn bảo đảm tỷ lệ số buổi chiếu 20% thì việc phim đó trụ rạp lâu hay nhanh ít phụ thuộc vào số người xem và suy cho cùng là phụ thuộc vào chất lượng phim.
Mặc dù đã có quy định về xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động điện ảnh nhưng thời gian qua, hầu như chưa thấy đài truyền hình hay rạp chiếu nào bị xử phạt vì không tuân thủ nghiêm túc các quy định về tỷ lệ chiếu phim và giờ chiếu. Có lẽ các nhà quản lý văn hóa thấy được những cái khó của các "nhà đài" và các cơ sở kinh doanh chiếu bóng khi thực thi những quy định này.
Điểm mới của Nghị định số 54/2010/NĐ-CP ở việc quy định chế độ khuyến khích đối với các đơn vị sản xuất phim: "Nhà nước sẽ mua toàn bộ hoặc một phần quyền sở hữu đối với phim có giá trị tư tưởng, nghệ thuật cao do cơ sở điện ảnh sản xuất; cơ sở điện ảnh được miễn lệ phí trước bạ khi đăng ký quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà;... UBND cấp tỉnh có trách nhiệm điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất của địa phương, ưu tiên dành quỹ đất cho cơ sở điện ảnh". Tuy nhiên, cơ chế mua phim ra sao, quy hoạch địa điểm cho việc xây dựng các rạp chiếu phim thế nào... vẫn còn không ít băn khoăn. Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh đã được quy định trong Luật Điện ảnh, lần này chi tiết hơn: Quỹ do Thủ tướng Chính phủ thành lập, là đơn vị hạch toán độc lập, được Nhà nước hỗ trợ vốn ban đầu khi mới thành lập.
Vốn pháp định kinh doanh, sản xuất phim đạt 1 tỷ đồng cũng là quy định mới, mặc dù theo thời giá hiện nay, một tỷ đồng chỉ đủ sản xuất khoảng 4-5 tập phim truyền hình và không thể sản xuất được một phim nhựa "ra tấm ra món", ngoại trừ đó là phim ngắn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.