(HNM) - Chiều 16-1, Bộ Y tế tổ chức hội nghị trực tuyến khẩn về tăng cường công tác xử lý phản ứng sau tiêm chủng với khoảng 700 điểm cầu trên cả nước.
Theo Bộ Y tế, hiện có 28 tỉnh, thành phố triển khai tiêm vắc xin ComBE Five trong chương trình tiêm chủng mở rộng và đã tiêm cho hơn 131.000 trẻ em. Tỷ lệ phản ứng thông thường sau tiêm được ghi nhận là 2,5% và có 0,05% phản ứng nặng, trong đó có 3 trường hợp tử vong (gồm 2 trẻ ở Nam Định và 1 trẻ ở Hà Nội).
Tại hội nghị, 100% cán bộ tham gia tiêm chủng tại các trạm y tế xã trên toàn quốc đã được tập huấn về cách xử lý phản ứng sau tiêm, có bổ sung một số tình huống xảy ra trong thực tiễn.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến lưu ý, cán bộ tiêm chủng phải hướng dẫn cho người dân cách theo dõi và chăm sóc trẻ sau khi tiêm. Người lớn tuyệt đối không chườm, đắp, bôi các vật lạ lên chỗ tiêm. Nếu không may trẻ có dấu hiệu nguy hiểm như co giật, khó thở, sốt cao khó hạ... thì phải nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất.
lCùng ngày, Sở Y tế Hà Nội tổ chức họp Hội đồng chuyên môn để đánh giá về trường hợp bé gái Kiều Hải Y. (hơn 2 tháng tuổi, ở xã Cần Kiệm, huyện Thạch Thất) tử vong ngày 10-1 sau khi tiêm vắc xin ComBE Five trước đó một ngày.
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, PGS.TS Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội cho biết, do trẻ tử vong trước khi được cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa huyện Thạch Thất nên các chuyên gia không nắm được biểu hiện lâm sàng ban đầu.
Điều tra tại Trạm Y tế xã Cần Kiệm cho thấy, đây là cơ sở đủ điều kiện thực hành tiêm chủng. Hiện Sở Y tế Hà Nội chưa phát hiện sai sót trong quá trình tiêm chủng tại đây.
Sau khi xem xét lại toàn bộ sự việc, Hội đồng chuyên môn bước đầu đánh giá nguyên nhân trẻ tử vong có thể do sốc phản vệ. Đây là một trường hợp phản ứng nặng sau tiêm chủng. Tuy nhiên, để xác định chính xác nguyên nhân thì phải chờ kết quả giám định pháp y (sẽ có trong khoảng một tháng nữa).
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.