(HNM) - Ngày 10-5, khoảng 81.500 học sinh lớp 9 trên địa bàn thành phố đã hoàn thành việc nộp hồ sơ đăng ký dự tuyển vào lớp 10 THPT năm học 2016-2017. Đây cũng là thời điểm các nhà trường tổ chức kiểm tra chéo giữa các đơn vị về việc tính điểm THCS.
Việc tính điểm THCS có ý nghĩa quan trọng với kết quả tuyển sinh vào lớp 10 THPT. Ảnh: Nhật Nam |
Với mục tiêu "thực chất trong đánh giá", việc quản lý chặt chẽ điểm THCS của học sinh (HS) được xác định có ý nghĩa quan trọng vào kết quả tuyển sinh, bởi thành phần này chiếm 1/3 tổng số điểm xét tuyển vào lớp 10 THPT.
Kiểm tra chéo
Theo lịch công tác tuyển sinh lớp 10 THPT năm học 2016-2017 của Sở GD-ĐT Hà Nội, từ ngày 10 đến ngày 12-5-2016, tất cả các trường THCS trên địa bàn thành phố phải hoàn thành việc tính điểm THCS cho HS và tổ chức kiểm tra chéo giữa các đơn vị về việc này. Đây là yêu cầu bắt buộc đối với hơn 600 trường THCS và trung tâm giáo dục thường xuyên nhằm bảo đảm cho kết quả tuyển sinh lớp 10 THPT đạt yêu cầu nghiêm túc, khách quan, góp phần nâng cao chất lượng "đầu vào" ở cấp THPT. Đây cũng là giải pháp được Hà Nội kiên trì triển khai nhằm kiểm soát chặt chẽ kết quả giáo dục ở các trường THCS, hạn chế tình trạng sửa chữa, bổ sung điểm.
Trưởng Phòng GD-ĐT quận Ba Đình, ông Nguyễn Đắc Hùng khẳng định: Các quy trình về việc tính điểm ở 4 năm học cấp THCS của từng HS trên địa bàn quận được thực hiện nghiêm túc. Ngay đầu mỗi năm học, mặc dù chưa có quyết định phương thức tuyển sinh lớp 10 THPT, Phòng GD-ĐT đã yêu cầu các nhà trường cập nhật, quản lý nghiêm túc, chặt chẽ kết quả học tập, rèn luyện của từng HS vào phần mềm dùng chung. Toàn quận năm nay có khoảng 3.100 HS lớp 9 tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10. Kết quả giáo dục của từng HS được quản lý chặt chẽ theo quy trình quy định, thống nhất ở các nhà trường, có sự giám sát không chỉ của nhà trường, của phòng GD-ĐT mà cả của Sở GD-ĐT. Điểm THCS của từng HS sẽ được niêm yết công khai để HS tự kiểm tra, giám sát.
Còn tại quận Tây Hồ, ông Lê Hồng Vũ, Trưởng phòng GD-ĐT quận cho biết, sau khi có chỉ đạo của Sở GD-ĐT, tất cả HS lớp 9 trên địa bàn quận đã tham gia làm bài khảo sát chất lượng với hai môn ngữ văn và toán. Việc coi thi được đổi chéo giữa các trường. Toàn bộ bài làm của HS được dọc phách, chấm chéo. Kết quả bài kiểm tra của HS là một trong những căn cứ để thẩm định kết quả dạy học ở các nhà trường, phân loại HS, giúp cấp quản lý kịp thời có những điều chỉnh trong chỉ đạo dạy và học để HS đạt kết quả tốt nhất trong kỳ tuyển sinh.
Bà Đoàn Thị Kiều Oanh, Phó Chánh Thanh tra Sở GD-ĐT Hà Nội đánh giá: Thực tế kiểm tra tại các đơn vị những năm trước vẫn tồn tại một số sai sót như điểm trong học bạ không khớp với điểm trong sổ gọi tên ghi điểm, có hiện tượng xếp loại sai học lực, việc tổ chức kiểm tra chéo giữa các nhà trường còn chung chung, chưa kịp thời phát hiện sai sót để khắc phục… Năm nay, ngoài yêu cầu các phòng GD-ĐT phải thanh tra điểm THCS, Sở GD-ĐT cũng sẽ tiến hành thanh tra việc này từ ngày 12 đến ngày 16-5. Nếu phát hiện sai phạm trong chấm điểm và quản lý điểm THCS, thanh tra Sở GD-ĐT sẽ kiên quyết xử lý theo quy định.
Cấm vận động HS không thi vào lớp 10
Theo tờ trình đã được UBND TP Hà Nội phê duyệt, năm học 2016-2017, chỉ tiêu tuyển sinh vào các trường THPT công lập chiếm khoảng 60% trong tổng số 81.500 HS tốt nghiệp THCS. Số còn lại theo học các trường ngoài công lập, trung tâm giáo dục thường xuyên, trường trung cấp chuyên nghiệp. Ông Phạm Văn Đại, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, mục tiêu của Hà Nội là thực hiện phổ cập THPT, nhưng vẫn bảo đảm phân luồng theo điều kiện thực tế và nguyện vọng của HS, các em có thể học văn hóa, học nghề… Sở GD-ĐT tuyệt đối cấm các nhà trường vận động, định hướng HS không thi vào lớp 10 THPT. Hiệu trưởng các nhà trường chịu trách nhiệm trước lãnh đạo Sở GD-ĐT nếu để xảy ra tình trạng này.
Sở dĩ có chỉ đạo trên là vì những năm gần đây, cứ đến gần kỳ thi tuyển sinh THPT, Sở GD-ĐT nhận được khá nhiều đơn thư phản ánh của phụ huynh về việc nhà trường vận động, gợi ý phụ huynh không nên cho con tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT. Hầu hết những trường hợp được vận động không thi vào lớp 10 THPT là những HS có học lực yếu. Nguyên nhân sâu xa của việc này là do nhà trường lo lắng những em này nếu đi thi sẽ không đạt kết quả cao, làm ảnh hưởng đến thành tích chung của nhà trường. Việc HS lớp 9 đạt kết quả thi thấp, bị điểm liệt ở môn ngữ văn hoặc toán trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT được cho là có ảnh hưởng tới uy tín của trường THCS nơi em đó theo học. Nhiều giáo viên cũng lo ngại kết quả thi không tốt của HS cũng khiến mình bị ảnh hưởng…
Ngoài ra, năm nay một trong những yêu cầu bắt buộc của Sở GD-ĐT Hà Nội đối với các nhà trường là nếu phụ huynh, HS thực sự không có nguyện vọng thi tuyển vào lớp 10 THPT thì phải có đơn tự nguyện của gia đình, nêu rõ lý do và cam kết đã được phổ biến, nắm rõ những quy định liên quan của ngành và chịu trách nhiệm trước quyết định đó. "Từ nay tới trước ngày kỳ thi diễn ra (ngày 8-6-2016), các nhà trường phải tích cực hỗ trợ, bồi dưỡng HS có học lực trung bình, yếu đồng thời tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho mọi HS đủ điều kiện được dự thi theo nguyện vọng. Các nhà trường không được vì bất cứ lý do nào mà làm ảnh hưởng đến quyền lợi học tập của HS" - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Phạm Văn Đại nhấn mạnh với các đơn vị.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.