Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tuyển sinh đầu cấp: Bảo đảm “5 rõ”

Thống Nhất| 14/06/2018 07:01

(HNM) - Từ ngày 1-7, các trường mầm non, tiểu học và THCS trên địa bàn Hà Nội bắt đầu tổ chức tuyển sinh các lớp mầm non, lớp 1, lớp 6 năm học 2018-2019...


“5 rõ” để tuyển sinh

So với năm trước, phương thức tuyển sinh của các trường mầm non, tiểu học và THCS tại Hà Nội vẫn ổn định là xét tuyển. Để giải tỏa lo lắng cho phụ huynh, học sinh lớp 6 khi có thông tin cho rằng năm nay một số trường THCS sẽ tổ chức tuyển sinh bằng phương thức kết hợp xét tuyển với kiểm tra năng lực, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã công khai kế hoạch tuyển sinh của các trường trên địa bàn 30 quận, huyện, thị xã.

Theo đó, 100% các trường THCS công lập vẫn áp dụng phương thức xét tuyển để tuyển sinh. Việc này không những khiến phụ huynh bớt lo lắng, mà còn giảm tải cho nhiều học sinh khi đang phải gồng mình ở các lò luyện để ôn tập cho bài kiểm tra năng lực.

Bảo đảm minh bạch, công bằng trong tuyển sinh đầu cấp là yêu cầu quan trọng đối với các trường. Ảnh: Nhật Nam


Ông Nguyễn Đắc Hùng, Trưởng phòng GD-ĐT quận Ba Đình cho biết: Theo yêu cầu của Sở GD-ĐT, kế hoạch tuyển sinh của các đơn vị phải bảo đảm tiêu chí “5 rõ”, gồm: Rõ tuyến, rõ chỉ tiêu, rõ thời gian, rõ phương thức và rõ trách nhiệm. Đây là yêu cầu bắt buộc khi xây dựng kế hoạch tuyển sinh, vừa nhằm tạo thuận lợi cho các bậc phụ huynh trong việc thực hiện thủ tục dự tuyển cho con em mình, vừa là căn cứ để cơ quan quản lý và cộng đồng cùng chung tay giám sát việc tuân thủ các quy định của ngành Giáo dục.

Cùng với việc khuyến khích phụ huynh sử dụng cách thức tuyển sinh trực tuyến, việc công khai “5 rõ” là giải pháp của ngành Giáo dục nhằm tạo sự minh bạch, công bằng trong công tác tuyển sinh, đem lại sự tin tưởng cho nhân dân.

Theo quy định, thời gian tổ chức tuyển sinh của các trường mầm non, tiểu học, THCS công lập thực hiện thống nhất trên toàn thành phố, bắt đầu từ ngày 1-7 đến hết ngày 18-7-2018. Các trường không được tuyển sinh trước thời gian quy định. Riêng với các trường ngoài công lập, nhằm tạo thuận lợi hơn cho các nhà trường và giúp phụ huynh có thêm thời gian cân nhắc, lựa chọn trường phù hợp, năm nay Sở GD-ĐT cho phép các trường kéo dài thời gian tuyển sinh hơn so với trường công lập. Tùy điều kiện cụ thể, thay vì việc từ ngày 1-7 mới bắt đầu tuyển sinh, các trường có thể tổ chức tuyển sinh từ nay đến ngày 12-7-2018.

Không để thiếu chỗ học

Theo thống kê của Sở GD-ĐT, năm học 2018-2019, số học sinh trong độ tuổi vào các lớp đầu cấp tại Hà Nội tăng khá mạnh, trong đó, số học sinh trong độ tuổi vào lớp 1 là 130 nghìn học sinh, tăng 30 nghìn em so với năm trước; số học sinh vào lớp 6 là 130 nghìn học sinh, tăng 18 nghìn em và dự báo tiếp tục tăng. Bởi vậy, việc chủ động tham mưu để UBND quận, huyện, thị xã quan tâm, đầu tư xây dựng, mở rộng trường, lớp, mua sắm thiết bị dạy học và chuẩn bị đội ngũ giáo viên là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của các phòng GD-ĐT.

Với bối cảnh hiện nay, việc phân tuyến tuyển sinh được coi là giải pháp thiết thực và phù hợp. Theo đó, căn cứ điều kiện, khả năng đáp ứng của mỗi nhà trường và số học sinh trong độ tuổi trên địa bàn, phòng GD-ĐT tổ chức phân tuyến tuyển sinh phù hợp.

Bà Nguyễn Thị Hoa (tổ dân phố số 22, phường Trung Liệt, quận Đống Đa) cho biết: “Theo kế hoạch tuyển sinh của quận Đống Đa thông báo vào đầu tháng 6, tôi hoàn toàn yên tâm bởi biết con mình đã được phân tuyến học tại Trường THCS Thái Thịnh. Trong điều kiện học sinh ngày càng tăng, việc công khai kế hoạch phân tuyến đến từng tổ dân phố, từng số nhà đã giúp phụ huynh bớt thấp thỏm lo chỗ học cho con”.

Trên thực tế, không phải năm nào học sinh ở tổ dân phố số 22, phường Trung Liệt cũng thuộc tuyến tuyển sinh của Trường THCS Thái Thịnh. Tùy tình hình thực tế, tuyến tuyển sinh của các trường có thể được điều chỉnh theo từng năm để không xảy ra hiện tượng nơi “phình”, nơi lại ít học sinh. Còn tại một số huyện, nơi có địa bàn rộng và quy mô trường lớn, việc phân tuyến tuyển sinh có phần đơn giản hơn.

Ông Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức cho biết, năm nay tuyến tuyển sinh của các trường trên địa bàn vẫn ổn định như các năm trước. Học sinh cư trú ở xã nào thì học tại trường của xã đó, chỉ trừ những trường hợp học sinh theo bố mẹ đi làm xa mới có nguyện vọng học ở địa bàn khác.

Còn tại huyện Đông Anh, theo bà Dương Thị Sáu, Trưởng phòng GD-ĐT huyện, về cơ bản tuyến tuyển sinh của các trường trên địa bàn vẫn ổn định, chỉ có một số điều chỉnh tại các xã có khu công nghiệp hoặc nơi tập trung đông dân cư. Về lâu dài, phòng GD-ĐT tiếp tục tham mưu UBND huyện tăng cường nguồn lực để mở rộng trường, lớp, đặc biệt là ở hai cấp mầm non và tiểu học.

Huyện Đông Anh đã rà soát số lượng học sinh, quy mô trường lớp để xây dựng lộ trình đầu tư cải tạo, xây dựng các trường học từ nay tới năm 2020 theo hướng đồng bộ, đạt chuẩn ngay từ đầu để không chỉ đáp ứng đủ chỗ học cho học sinh mà còn nâng cao chất lượng giáo dục.

Sau ngày 18-7-2018, nếu các trường mầm non, tiểu học, THCS tuyển sinh chưa đủ chỉ tiêu được giao, phải báo cáo phòng GD-ĐT. Căn cứ tình hình cụ thể, phòng GD-ĐT cho phép nhà trường được tuyển sinh bổ sung, thời gian từ ngày 20 đến 22-7-2018. Các trường không được tổ chức thi tuyển học sinh vào lớp 1; không tổ chức khảo sát học sinh đầu năm học.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tuyển sinh đầu cấp: Bảo đảm “5 rõ”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.