(HNNN) - Sau gần 2 năm thí điểm, đến nay Hà Nội đã, đang xây dựng và duy trì được 14 “Tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát”. Mô hình này không chỉ góp phần thay đổi thói quen kinh doanh, ăn uống mà còn hình thành nét văn minh mới trong thương mại.
Những tuyến phố an toàn thực phẩm
Duy Tân là phố mới nằm trên địa bàn phường Dịch Vọng Hậu của quận Cầu Giấy, có nhiều hàng ăn, quán xá phục vụ nhiều tòa nhà công sở và trụ sở cơ quan nhà nước xung quanh. Sau hơn 1 năm gắn biển “Tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát”, diện mạo con phố đã thay đổi, không còn cảnh nhếch nhác, rác thải bừa bãi trên hè; xe cộ được để gọn theo vạch kẻ, nhường đường cho khách bộ hành.
Chị Nguyễn Thị Lan - chủ một quán cà phê trên phố Duy Tân cho biết, chị thuê mặt bằng kinh doanh cà phê ở tuyến phố này vì có vị trí “đắc địa” lại được gắn biển “Tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát”. Chính điều này đã tạo nên uy tín của quán, của những người kinh doanh nghiêm túc, luôn coi lợi ích sức khỏe của khách hàng là tiêu chí kinh doanh.
Ông Nguyễn Quang Thắng - Chủ tịch UBND phường Dịch Vọng Hậu cho biết, thời gian đầu khi phố Duy Tân được chọn thí điểm “Tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát”, công tác triển khai rất khó khăn. Không ít chủ cơ sở kinh doanh chưa ủng hộ do lâu nay một số cửa hàng, cửa hiệu thường xuyên đổi chủ, chuyển địa điểm, một số hộ kinh doanh chưa bảo đảm điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm, một bộ phận người tiêu dùng còn dễ dãi trong lựa chọn cơ sở kinh doanh thực phẩm... Vì thế, lực lượng chức năng của quận, phường phải thường xuyên kiểm tra, giám sát, tuyên truyền, nhắc nhở, xử lý các hộ vi phạm.
Thậm chí, đoàn kiểm tra liên ngành của quận, phường đã tiến hành kiểm tra các cơ sở trên tuyến phố Duy Tân bình quân tới 2 lượt/ tuần/cơ sở, đã phê bình trên loa truyền thanh phường 5 cơ sở, nhắc nhở tại chỗ 15 cơ sở, phạt tiền 3 cơ sở...
Đặc biệt, Ban Chỉ đạo an toàn thực phẩm của quận Cầu Giấy và phường Dịch Vọng Hậu đã tập trung kinh phí với tổng số tiền hơn 450 triệu đồng để thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền, tập huấn và hỗ trợ một số trang thiết bị cho các cơ sở. Từ đó, bộ mặt của “Tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát” dần thay đổi, nhất là những người bán hàng đã thay đổi nhận thức, thói quen trong hoạt động chế biến, kinh doanh thực phẩm.
Theo đánh giá của quận Cầu Giấy, kể từ khi được chọn để triển khai “Tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát”, tuyến phố Duy Tân đã có sự thay đổi rất rõ rệt. Hiện ở tuyến phố này tập trung 35 cơ sở dịch vụ ăn uống, phục vụ khoảng hơn 5.000 lượt khách/ ngày, đối tượng phục vụ chủ yếu là cán bộ, nhân viên văn phòng. Mặc dù lượng khách khá đông nhưng nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động cũng như tăng cường giám sát, nhắc nhở, xử lý nên vi phạm an toàn thực phẩm đã giảm rõ rệt.
Ngoài Duy Tân, thời gian qua trên địa bàn thành phố còn có nhiều tuyến phố tập trung nhiều cơ sở dịch vụ ăn uống đã được tổ chức lại, gắn biển “Tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát”. Quận Long Biên được đánh giá thành công với 3 tuyến phố được chọn để triển khai mô hình này, gồm phố Nguyễn Sơn, Việt Hưng và Chợ ẩm thực Ngọc Lâm.
Qua hơn một năm triển khai (từ cuối năm 2018 đến nay), các nhà hàng, cửa hàng ăn uống trong 3 tuyến phố này đều khang trang hơn, đạt các tiêu chí về an toàn thực phẩm và văn minh thương mại. 87 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống ở đây đã được gắn biển “Cơ sở an toàn thực phẩm có kiểm soát”.
Bà Đinh Thị Thu Hương - Phó Chủ tịch UBND quận Long Biên thông tin thêm, Long Biên hiện có 4 tuyến phố (thực chất chỉ là 3 tuyến vì có một tuyến nằm trên địa bàn 2 phường) đạt và được công nhận là “Tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát”, bao gồm: Phố Việt Hưng nằm trên địa bàn phường Việt Hưng; tuyến chợ ẩm thực tổ 27 Ngọc Lâm và tuyến phố Nguyễn Sơn thuộc phường Gia Thụy và phường Bồ Đề. Đây là những tuyến phố hội đủ các điều kiện trong tổng số 24 tuyến phố ở 13 phường trên địa bàn quận đang triển khai xây dựng mô hình về tuyến phố văn minh an toàn thực phẩm, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố có kiểm soát.
Làm gì để duy trì kết quả
Năm 2018 là năm đầu tiên Hà Nội triển khai thực hiện mô hình “Tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát”. Đây là một sự thay đổi đột phá cả về tư duy và quyết tâm trong công tác quản lý, nhằm cải thiện tình trạng an toàn thực phẩm của thành phố.
Thực tế từ năm 2017, UBND thành phố Hà Nội đã chỉ đạo 2 đơn vị xây dựng điểm mô hình tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát nhưng chỉ có 1 đơn vị xây dựng thành công tại Thượng Đình (quận Thanh Xuân). Từ thành công bước đầu này, thành phố xây dựng thêm 8 tuyến phố tại các quận, huyện ngay sau đó.
Sở Y tế Hà Nội đánh giá, nhìn chung tại các “Tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát” đều có sự thay đổi rõ rệt cả về cảnh quan lẫn ý thức chấp hành quy định về an toàn thực phẩm của người kinh doanh và người tiêu dùng.
Ông Trần Ngọc Tụ, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội cho biết, để được công nhận “Tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát” thì điều kiện đầu tiên là tất cả các cơ sở kinh doanh thực phẩm trong tuyến phố đó phải tuân thủ triệt để các quy định an toàn thực phẩm và có trên 20 cơ sở trở lên được chính quyền treo biển “Cơ sở an toàn thực phẩm có kiểm soát”.
Tiêu chí đặt ra với “Tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát” là một tuyến phố có ít nhất 20 cửa hàng ăn uống thức ăn đường phố. Các cửa hàng đã được công nhận là “Cơ sở an toàn thực phẩm có kiểm soát” được gắn biển xanh, kèm các tiêu chí bắt buộc từ giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, bản cam kết, các nguyên tắc vàng khi chế biến... Trong đó, đặc biệt chú trọng công khai truy xuất nguồn gốc, nguyên liệu chế biến đều có tên, số điện thoại, địa chỉ nơi bán kèm theo các hợp đồng của nhân viên.
Ông Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, trên cơ sở đánh giá công tác tổ chức 8 “Tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát” triển khai thời gian vừa qua, Hà Nội sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình này trong thời gian tới. Dự kiến kết thúc năm 2019, Hà Nội sẽ triển khai thêm 14 “Tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát” tại 12 quận, huyện, tập trung chủ yếu vào khu vực nội thành.
Thành công của các “Tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát” là đã bước đầu thay đổi nhận thức của người kinh doanh và khách hàng. Dù vậy, từ thực tiễn triển khai vừa qua, nhiều ý kiến cho rằng việc nhân rộng mô hình “Tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát” còn rất nhiều gian nan và cần quyết tâm rất lớn.
Bà Trần Thị Thu Hương - Phó Chủ tịch UBND phường Dịch Vọng Hậu cho rằng, hình thành được “Tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát” đã khó, duy trì được càng khó hơn vì lực lượng cán bộ thực hiện kiểm tra an toàn thực phẩm cấp quận, phường rất mỏng. Trong khi đó, chỉ cần chủ quan, lơ là thì việc vi phạm rất dễ xảy ra.
“Chúng tôi quán triệt rằng những cơ sở đã được công nhận “Cơ sở an toàn thực phẩm có kiểm soát” không có nghĩa là không bị kiểm tra, giám sát nữa. Thậm chí nếu phát hiện vi phạm thì sẽ bị phạt nặng” - bà Hương nói.
Đồng quan điểm này, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung cho rằng, qua rà soát, đánh giá, để triển khai được các “Tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát” cần sự vào cuộc đồng bộ của các cấp chính quyền và các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống và người dân.
Phó Chủ tịch quận Long Biên, bà Đinh Thị Thu Hương khẳng định, sau khi được công nhận, các “Tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát” vẫn phải chịu sự kiểm tra và thẩm định lại, nếu có vi phạm thì sẽ không được công nhận.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.