(HNM) - Với ý nghĩa quan trọng quốc gia, Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội được Chính phủ trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV, đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của công luận. Tuyến đường sẽ tạo động lực phát triển cho Vùng Thủ đô và đất nước; cần cơ chế đặc thù cho dự án đặc thù... là nội dung những ý kiến đóng góp của nhiều chuyên gia, nhà khoa học.
Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội:
Cơ chế đặc thù là phân cấp, phân quyền cho các địa phương
Cùng với cả nước, thành phố Hà Nội đang phát triển rất nhanh, tạo động lực lớn cho các tỉnh xung quanh nên nhu cầu giao lưu, vận tải, logistics… rất lớn. Tuyến đường Vành đai 3 hiện đã quá tải, do đó, việc đầu tư tuyến đường Vành đai 4 với năng lực thông hành lớn, tốc độ cao và an toàn trong giai đoạn 2021-2025 là phù hợp và cần thiết.
Cơ chế đặc thù quan trọng nhất với dự án vành đai kết nối một loạt tỉnh, thành phố chính là phân cấp, phân quyền cho các địa phương. Phân cấp, phân quyền sẽ tạo sự chủ động cũng như động lực thực hiện cho các địa phương, giúp “giảm tải” cho Bộ Giao thông - Vận tải khi đẩy mạnh đầu tư hệ thống đường cao tốc trên toàn quốc. Tuy nhiên, cơ chế phân cấp, phân quyền cũng đi kèm những áp lực, thách thức lớn cho các địa phương về năng lực điều phối.
TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam:
Tạo động lực, sức lan tỏa
Bên cạnh hiệu quả với giao thông vùng, giao thông quốc gia, tuyến đường Vành đai 4 sẽ giúp thành phố Hà Nội có điều kiện phát triển đô thị trung tâm, hình thành chuỗi đô thị mới ở phía Tây, khai thác hiệu quả quỹ đất hơn 6.500ha; thúc đẩy sự liên kết với các đô thị vệ tinh đã được quy hoạch và các khu công nghiệp dọc tuyến thuộc địa phận các tỉnh: Hưng Yên, Bắc Ninh… Tuyến vành đai còn giúp thành phố quản lý chặt chẽ và phân bố dân số theo quy hoạch. Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26-7-2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đã nêu rõ, nếu phát triển đường Vành đai 4 sẽ tạo ra một số khu đô thị mới có quy mô khoảng 1,2 triệu dân.
Đề xuất dự án được triển khai theo hình thức PPP (đối tác công - tư), sử dụng linh hoạt giữa vốn ngân sách trung ương và địa phương là hợp lý bởi trong điều kiện ngân sách nhà nước còn khó khăn, chỉ có đa dạng hóa đầu tư thì dự án lớn mới bảo đảm tiến độ, nhanh chóng phát huy hiệu quả.
Dự án đường Vành đai 4 mang đặc thù về vị thế, về tính chất thì tất yếu cần cơ chế đặc thù trong thực hiện, để phát huy vai trò của tuyến vành đai liên kết vùng trong tạo động lực, sức lan tỏa nhằm khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội của Vùng Thủ đô và đất nước. Ngoài ra, cần làm rõ vai trò của Hội đồng quản lý Vùng Thủ đô trong dự án để song hành cùng các địa phương. Đặc biệt, UBND thành phố Hà Nội cần được tăng thẩm quyền để thực hiện tốt vai trò là cơ quan đầu mối tổ chức dự án, bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ.
PGS.TS Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam:
Quan tâm công tác quản lý, bảo trì, khai thác vận hành
Vành đai 4 là công trình tồn tại hàng trăm năm, vai trò của nó phải làm tôn lên vẻ đẹp đô thị, hài hòa với kiến trúc của các công trình khác. Sau này, khi dự án tiền khả thi được phê duyệt, tất cả các hạng mục công trình, từ nút giao, vị trí trạm dừng nghỉ… đều phải thi tuyển kiến trúc.
Ngoài ra, một trong những yêu cầu ngặt nghèo của hệ thống đường cao tốc là công tác quản lý, bảo trì, khai thác vận hành. Nếu được quan tâm đúng mức, một đồng đầu tư cho công tác bảo trì sẽ bớt được 4-5 đồng chi cho sửa chữa sau này.
PGS.TS Doãn Minh Tâm, Hội Cầu đường Hà Nội:
Hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông của Thủ đô
Để chống ùn tắc, giảm tai nạn giao thông, phát triển cơ sở hạ tầng phải là giải pháp được ưu tiên hàng đầu. Với Hà Nội, việc phát triển hệ thống đường vành đai luôn là các nhiệm vụ trọng tâm được ưu tiên đầu tư nhằm hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông của Thủ đô theo quy hoạch. Giới chuyên môn đặc biệt quan tâm đến yếu tố kết nối của tuyến Vành đai 4 với hệ thống các tuyến đường vành đai hiện nay và với hệ thống các tuyến đường khác. Bởi nếu vấn đề này không được giải quyết tốt thì vẫn gây tình trạng rối loạn, ùn tắc tại những nút giao thông.
Theo tôi, từ quy hoạch tổng thể, dự án cần làm rõ quy hoạch chi tiết về kết nối giữa các loại đường giao thông theo chức năng và các loại nút giao. Theo nguyên tắc, đường cấp càng cao thì tốc độ xe càng lớn nhưng khả năng tiếp cận với hai bên càng thấp. Với đường song hành hai bên qua khu đô thị, khu dân cư (bố trí không liên tục) cũng cần làm rõ hơn về chức năng cũng như quy định các loại phương tiện được đi trên đường này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.