Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tunisia: Chưa thể bình yên

Phương Nhi| 10/08/2013 07:30

(HNM) - Tunisia đang ngày một lún sâu vào khủng hoảng khi hàng chục nghìn người biểu tình đã đổ về đường phố ở thủ đô Tunis trong tuần này, đòi chính phủ từ chức.

Đây là cuộc xuống đường lớn nhất tại thủ đô kể từ khi xảy ra cuộc khủng hoảng chính trị cách đây 2 tuần tại quốc gia Bắc Phi này. Trước đó, căng thẳng đang gia tăng trên khắp lãnh thổ Tunisia, đặc biệt tại thành phố miền Trung Sidi Bouzid, cái nôi của làn sóng biểu tình mang tên "Mùa xuân Arab" năm 2011, lật đổ chế độ của Tổng thống Zine El Abidine Ben Ali và cũng là quê hương của nghị sĩ bài Hồi giáo Mohamed Brahmi bị ám sát hồi tuần trước. Hiện tại, lực lượng thế tục đối lập đang muốn lật đổ chính phủ do người Hồi giáo cầm quyền và giải tán Hội đồng Lập hiến Quốc gia (ANC) chuyển tiếp trước khi hoàn tất một dự thảo Hiến pháp và luật bầu cử mới.

Quân đội Tunisia đã được huy động tối đa để gìn giữ sự ổn định.



Trước áp lực căng thẳng gia tăng, ngày 7-8, Chủ tịch ANC Mustapha Jaafat cho biết, ANC sẽ ngừng hoạt động cho tới khi chính phủ và phe đối lập ngồi vào bàn đàm phán. Ngay sau đó, liên minh cầm quyền Tunisia, do đảng Ennahda đứng đầu, chấp thuận quyết định ngừng hoạt động của ANC và kêu gọi hiệp thương thành lập chính phủ đoàn kết dân tộc. Chủ tịch đảng Ennahda Rached Ghannouchi hy vọng, quyết định của ANC sẽ mang lại hiệu ứng tích cực và mong muốn tìm ra "một giải pháp thống nhất trong giai đoạn nhạy cảm này trước những thách thức kinh tế lớn và các vấn đề về mặt an ninh"; đồng thời ủng hộ "một chính phủ đoàn kết dân tộc có sự tham gia của các lực lượng chính trị nhận thức rõ tầm quan trọng của việc để tiến trình dân chủ thực thi theo quy định của luật pháp".

Thế nhưng, giới phân tích cho rằng, điều này vẫn chưa thỏa mãn được yêu cầu của phe đối lập. Bởi trước đó, lực lượng này đã từ chối đối thoại cho tới khi chính phủ từ chức. Tuy nhiên, đảng Ennahda bác bỏ đối thoại đi kèm điều kiện đòi chính phủ từ chức. Thủ tướng Ali Larayedh đề xuất tiến hành tổng tuyển cử vào tháng 12 và khẳng định chính phủ không chấp thuận kêu gọi từ chức ngay lập tức của phe đối lập. Trong khi đó, quân đội Tunisia tiếp tục các chiến dịch truy quét phiến quân có liên hệ với mạng lưới khủng bố Al-Qaeda. Bộ trưởng Nội vụ Lofti Ben Jeddou cho biết, lực lượng an ninh đã triệt phá nhiều âm mưu của "các phần tử tôn giáo cực đoan". Cũng trong ngày 6-8, Hội đồng lập hiến quốc gia Tunisia họp bàn về những thách thức an ninh của đất nước. Rõ ràng, cuộc khủng hoảng ở Tunisia vẫn chưa có lối thoát thực sự.

Căng thẳng bùng nổ sau vụ ám sát chính trị gia cấp tiến Chokri Belaid (tháng 2-2013) và loang rộng khi nghị sĩ bài Hồi giáo M.Brahmi bị ám sát. Nhiều người Tunisia đổ lỗi cho đảng Hồi giáo ôn hòa Ennahda đứng đằng sau hai vụ ám sát. Những người chỉ trích chính phủ cho rằng nội các do đảng Ennahda lãnh đạo đã thất bại trong kiềm chế các nhóm Hồi giáo cực đoan đang gia tăng ảnh hưởng. Mặc dù, hồi cuối tháng 7, Bộ trưởng Nội vụ Lotfi Ben Jeddou đã chỉ rõ, một thành viên phong trào Hồi giáo dòng Sunni Salafist là thủ phạm sát hại nhân vật đối lập M.Brahmi, nhưng như vậy chưa đủ để xoa dịu cơn phẫn nộ của lực lượng đối lập. Những người biểu tình, do phe đối lập phát động tiếp tục phản đối và yêu cầu chính phủ do người Hồi giáo nắm quyền phải từ chức.

Dư luận khu vực lo ngại những diễn biến tại Tunisia sẽ khiến tình hình quốc gia này nóng thêm trong những ngày tới. Cùng với Ai Cập đang lâm vào tình trạng bất ổn nghiêm trọng, những gì đang diễn ra tại Tunisia một lần nữa cho thế giới có cái nhìn rõ hơn về một ảo ảnh sa mạc của "Mùa xuân Arab".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tunisia: Chưa thể bình yên

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.