Để kích cầu nội địa, tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, ngay từ những tháng đầu năm 2021, Sở Công Thương Hà Nội đã xây dựng kế hoạch tổ chức 5 tuần hàng Việt với quy mô mỗi tuần khoảng 100 gian hàng tiêu chuẩn.
Chương trình được triển khai nhằm thực hiện hiệu quả Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và các chương trình của thành phố, góp phần giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, hoàn thành các nhiệm vụ, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.
Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trong năm 2020 và những tháng đầu năm 2021 đã khiến doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh, cũng như tiêu thụ hàng hóa, mở rộng thị trường. Người dân với tâm lý tránh những nơi đông người tại các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ dân sinh, hàng quán… để phòng, chống dịch khiến sức mua giảm. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 2 giảm 17,4% so với tháng trước, ước đạt 45,2 nghìn tỷ đồng. Không chỉ trên địa bàn Thủ đô mà cả các tỉnh, thành phố khác cũng gặp nhiều khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm, nhất là các mặt hàng nông sản đến kỳ thu hoạch khi nguồn cung vượt quá cầu.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Thành ủy, UBND và Ban Chỉ đạo cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thành phố Hà Nội về việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong tình hình mới, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh, góp phần hoàn thành các nhiệm vụ, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Hà Nội năm 2020, Sở Công Thương Hà Nội đang triển khai hàng loạt các giải pháp, trong đó có chương trình các tuần hàng Việt năm 2021.
Theo Sở Công Thương Hà Nội, 5 tuần hàng Việt dự kiến sẽ được tổ chức lần lượt trên địa bàn các quận, huyện: Hà Đông, Hai Bà Trưng, Nam Từ Liêm, Quốc Oai, Ba Vì. Mỗi tuần sẽ có khoảng 100 gian hàng tiêu chuẩn của các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh, tập trung vào các ngành hàng: Nông sản thực phẩm (trái cây, rau, củ các loại; thực phẩm chế biến; thủy, hải sản; thịt gia súc, gia cầm; giò, chả; bánh trưng…); hàng dệt may, da giày; hàng tiêu dùng; hoa, cây cảnh các loại…
Ban tổ chức yêu cầu các sản phẩm trưng bày và bán tại Tuần hàng Việt là sản phẩm có chất lượng của Việt Nam, bảo đảm về chất lượng, an toàn thực phẩm, truy xuất được nguồn gốc theo quy định, do các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trong nước sản xuất và phân phối. Chương trình cũng khuyến khích các doanh nghiệp chủ động chuẩn bị tốt nguồn hàng, đồng thời triển khai các chương trình xúc tiến thương mại, giới thiệu, quảng bá sản phẩm, khuyến mại hấp dẫn, mang đến nhiều lợi ích thiết thực cho người tiêu dùng. Qua đó, thu hút khách hàng, các doanh nghiệp tham quan, tham gia mua sắm tại các tuần hàng Việt.
Để hỗ trợ thiết thực nhất cho doanh nghiệp, thành phố Hà Nội sẽ hỗ trợ 50% chi phí gian hàng cho các đơn vị tham gia (tối đa 2 gian hàng/đơn vị). Mỗi địa phương có doanh nghiệp tới tham gia tuần hàng cũng được hỗ trợ tương tự, tối đa 2 gian hàng/địa phương. Còn lại, thành phố Hà Nội sẽ chi toàn bộ kinh phí chung tổ chức hội chợ, triển lãm, tổ chức chương trình, nhất là trong công tác tuyên truyền, quảng bá, tạo điều kiện tốt nhất để doanh nghiệp tiếp cận người tiêu dùng, mở rộng thị trường.
Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, bên cạnh việc tổ chức và hỗ trợ doanh nghiệp, các ngành chức năng cũng sẽ kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về nguồn gốc, chất lượng hàng hóa, giá cả, quyền lợi người tiêu dùng… theo quy định của pháp luật đối với các gian hàng tại Tuần hàng Việt.
Cũng theo bà Trần Thị Phương Lan, để chương trình Tuần hàng Việt triển khai hiệu quả, Sở Công Thương Hà Nội đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã rà soát toàn bộ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất theo ngành nghề tham gia Tuần hàng Việt thành phố Hà Nội năm 2021, nhất là các sản phẩm nông nghiệp đang khó khăn trong công tác tiêu thụ, sản phẩm OCOP (mỗi xã một sản phẩm), sản phẩm đang xây dựng OCOP để giới thiệu tham gia chương trình. Với các quận, huyện có địa điểm tổ chức Tuần hàng Việt, cần phối hợp khảo sát, lựa chọn, xây dựng phương án bố trí địa điểm tổ chức, hỗ trợ tuyên truyền về chương trình và bảo đảm an ninh trật tự, phòng, chống cháy, nổ…
“Với loạt 5 tuần hàng Việt lần lượt được tổ chức, sẽ góp phần kích cầu nội địa, tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm hàng hóa. Qua đó, hỗ trợ thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn, góp phần hoàn thiện nhiệm vụ chỉ tiêu tăng trưởng GRDP năm 2021 và giai đoạn 2021-2025”, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan khẳng định.
Đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam giới thiệu, quảng bá thương hiệu, sản phẩm, phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm hàng hóa trong nước, nâng cao trách nhiệm đối với người tiêu dùng. Về phía người tiêu dùng, nhất là tại khu vực ngoại thành, có thể tiếp cận, mua sắm được các hàng hóa của Việt Nam với chất lượng và giá cả phù hợp, qua đó thêm tin yêu sản phẩm hàng Việt Nam.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.