(HNMO) - Tỷ giá VND/USD vừa trải qua tuần biến động mạnh khi có phiên với giá USD “đội” đến 70 VND nhưng sau đó đã hạ nhiệt nhanh.
Sau bước ổn định đầu tiên của thị trường nhờ Ngân hàng Nhà nước tăng 1% tỷ giá vào ngày 7/5 vừa qua, từ ngày 13/5 giá USD tại các ngân hàng rục rịch tăng, và đến ngày 14/5-15/5 giá tăng mạnh.
Cụ thể, chiều 14/5, Vietcombank tăng 45 VND mỗi chiều so với ngày 13/5, lên 21.750 VND-21.810 VND (mua vào-bán ra); Eximbank để giá là 21.750 VND-21.830 VND, tăng tới 70 VND so với ngày 13/5. Đáng chú ý, ACB và Techcombank đồng loạt niêm yết giá bán ở mức 21.840 VND, giá mua lần lượt là 21.750 VND và 21.740 VND.Đến sáng 15/5, nhiều ngân hàng tăng tiếp giá và hầu hết giá băng niêm yết giá bán ra là 21.840 VND, cao hơn 120 VND so với thời điểm Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tỷ giá vào ngày 7/5. Điều đáng nói, mức 21.840 VND chỉ còn cách mức trần 50 VND.
(Ảnh minh họa, nguồn: Internet) |
Giá vàng tăng mạnh được do là yếu tố tâm lý và sức cầu nhỉnh lên. Dù tăng khá mạnh nhưng biên độ mua-bán được các doanh nghiệp để ở mức bình thường, phổ biến là 60-80 VND.
Tuy nhiên, đến chiều 15/5, giá USD đồng loạt hạ nhiệt nhanh và bỏ mốc 21.800 VND. Chẳng hạn, Vietcombank niêm yết là 21.720 VND-21.780 VND, giảm 25 VND mỗi chiều; Eximbank giảm 40 VND, xuống 21.710 VND-21.790 VND; 21.710 VND-21.790 VND cũng là mức giá mà ACB đang giao dịch, hạ 40 VND và 50 VND; Sacombank cũng để 21.710 VND-21.790 VND...Như vậy, giá đã giảm 30-50 VND tùy từng ngân hàng. Đến sáng nay, các mức giá trên tiếp tục được các nhà băng dùy trì.
Sở dĩ giá USD hạ nhiệt nhanh bởi bởi số liệu từ Tổng cục hải quan cho thấy, nhập siêu 4 tháng đầu năm nay của cả nước ở mức 2,07 tỷ USD, thấp hơn so với số liệu nhập siêu 3 tỷ USD mà Tổng Cục thống kê đưa ra hồi cuối tháng 4. Đáng chú ý, trước sự tăng nhanh của giá USD, Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước đã niêm yết tỷ giá để thị trường tham khảo. Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước niêm yết là 21.600-21.820 VND (mua vào-bán ra). Mức giá trên cho thấy, Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng can thiệp khi có biểu hiện căng thẳng cung cầu.
Theo nhận định, sự biến động của tỷ giá đợt vừa qua là chưa đáng lo ngại nhưng áp lực lên tỷ giá vẫn còn nếu như cán cân thương mại của Việt Nam tiếp tục thâm hụt ở mức cao.
Liên quan đến việc điều chỉnh tăng 1% tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước vào ngày 7/5 vừa qua, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã cân nhắc hết sức kỹ lưỡng và thấy rằng đây là thời điểm phù hợp để điều chỉnh. Còn hầu hết các chuyên gia đều cho rằng việc điều chỉnh như vậy là hợp lý và đúng thời điểm.
Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực, với việc điều chỉnh tỷ giá trên, Ngân hàng Nhà nước sẽ gặp một số thách thức. Đó là về “room”, theo định hướng ban đầu, trong năm 2015 tỷ giá biến động không quá 2% mà từ đầu năm đến nay tỷ giá đã tăng 2%. Vì thế, sau đợt điều chỉnh này, từ nay đến cuối năm nếu thị trường bên trong và ngoài có biến động mạnh sẽ cần phải xem xét khả năng có điều chỉnh khác hay không. Điều này đồng nghĩa với việc điều hành tỷ giá từ nay đến cuối năm sẽ khó khăn hơn nhiều, bởi yếu tố bên ngoài diễn biến không thuận lợi về giá dầu và tỷ giá USD. “Room” điều chỉnh đã hết, tuy nhiên, chúng ta đều có chính sách điều chỉnh linh hoạt, dẫn dắt thị trường, nên nếu như thị trường có biến động bất lợi đòi hỏi những điều chỉnh khác cần phải có tính toán cân nhắc, có thông điệp cụ thể với thị trường.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.