Theo dõi Báo Hànộimới trên

Từ thành phố lệ thuộc đến đầu tàu kinh tế

Nguyễn Lê| 18/04/2015 06:38

(HNM) - Có thể nói TP Hồ Chí Minh là địa phương đi đầu trong phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao tạo động lực cho nền kinh tế tri thức.

Bài cuối: Động lực cho nền kinh tế sáng tạo

(HNM) - Có thể nói TP Hồ Chí Minh là địa phương đi đầu trong phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao tạo động lực cho nền kinh tế tri thức.

Từng bước hội nhập với kinh tế thế giới

Ngày 25-11-1991, Khu chế xuất (KCX) Tân Thuận (Quận 7) là KCX đầu tiên của cả nước được thành lập tại TP Hồ Chí Minh. Những năm sau đó, hàng loạt KCX, Khu công nghiệp (KCN) lần lượt ra đời. Sau 24 năm hình thành và phát triển đã đánh dấu một chặng đường hoạt động của một mô hình kinh tế mới, góp phần đáng kể vào việc tăng trưởng sản xuất công nghiệp trên địa bàn. Theo VS. TS Nguyễn Chơn Trung, nguyên Trưởng ban quản lý các KCX và KCN TP Hồ Chí Minh (Hepza), từ "lò" đào tạo này, thành phố đã tạo ra 5.000 kỹ thuật viên và nhân viên quản lý có trình độ đại học, cao đẳng, đủ khả năng thay thế chuyên gia nước ngoài. Cũng từ đây, đã đào tạo 15.000 công nhân trung cấp biết sử dụng thành thạo thiết bị hiện đại và 30.000 công nhân lành nghề có trình độ đạt tiêu chuẩn quốc tế. Đội ngũ này đã và đang đóng góp vai trò nòng cốt trong việc tạo ra sản phẩm chất lượng cao đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường thế giới. "Có thể nói, đây là tài sản quý giá nhất để TP Hồ Chí Minh từng bước hội nhập kinh
tế thế giới", VS.TS Nguyễn Chơn Trung khẳng định.

TP Hồ Chí Minh cũng là địa phương đi đầu trong việc xây dựng, phát triển khoa học, công nghệ cao. Sau 13 năm thành lập (năm 2002), đến nay Khu công nghệ cao TP Hồ Chí Minh (KCNC) đã trở thành trung tâm về đầu tư công nghệ cao tại Việt Nam. Và hướng đến năm 2020, nơi đây sẽ trở thành một đô thị khoa học công nghệ, có vai trò cho việc phát triển vốn tri thức và nền kinh tế sáng tạo ở Việt Nam. Trước đó, năm 2000, cũng tại thành phố này, Công viên phần mềm Quang Trung (QTSC) đã chính thức được khởi công xây dựng. Đây là một trong những dự án trọng điểm cho kế hoạch phát triển của TP Hồ Chí Minh. Sau gần 15 năm đi vào hoạt động, QTSC đã trở thành khu công nghệ thông tin (CNTT) tập trung lớn nhất Việt Nam và là điểm đến hấp dẫn thu hút đầu tư, tìm kiếm cơ hội hợp tác phát triển trong ngành CNTT với những tên tuổi lớn như HP, IBM, KDDI, SPS, Luxoft, TMA, Global CyberSoft, Vina Data... Đây cũng được xem là trung tâm đào tạo nhân lực trình độ cao chuyên ngành với hơn 16.500 người đang làm việc và học tập.

Mới đây, UBND TP Hồ Chí Minh cũng đã quyết định thành lập KCN cơ khí ô tô. Theo lãnh đạo TP Hồ Chí Minh, việc thành lập KCN này phù hợp với chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô, góp phần tái cơ cấu nền kinh tế. Ở lĩnh vực nông nghiệp, thành phố cũng đã thành lập khu nông nghiệp công nghệ cao nhằm xây dựng ngành nông nghiệp chất lượng cao, tận dụng và phát huy triệt để lợi thế vốn có của đất nước và thành phố.

Không ngừng hoàn thiện cơ chế chính sách

Có thể thấy, TP Hồ Chí Minh đã trải qua chặng đường không ngừng sáng tạo giữa cơ chế cũ và cơ chế mới; giữa nền kinh tế hành chính, bao cấp và nền kinh tế thị trường định hướng XHCN; giữa cơ chế "một cửa, tại chỗ" với cơ chế "nhiều cửa" là những bài học thực tế, những kinh nghiệm được đúc rút cho tiến trình phát triển. "Chúng ta nhớ rằng, mãi đến năm 2001, kinh tế tư nhân mới thật sự phát triển thì bài học về cơ chế "một cửa, tại chỗ" cũng như chủ trương xem khó khăn của nhà đầu tư cũng là khó khăn của chính mình đã giúp TP Hồ Chí Minh trở thành đầu tàu kinh tế của cả nước", VS.TS Nguyễn Chơn Trung nhấn mạnh. Từ sự chỉ đạo chặt chẽ của trung ương, thành phố không ngừng hoàn thiện cơ chế, chính sách để trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài.

Bên cạnh những thành tựu về cải cách hành chính, công tác thu hút đầu tư của TP Hồ Chí Minh vẫn còn không ít khó khăn, đặc biệt là đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Theo Sở Kế hoạch - Đầu tư, tính không ổn định và khó dự đoán của dòng vốn FDI đã gây ảnh hưởng lớn đến việc hoạch định chính sách thu hút đầu tư, công tác đào tạo nguồn nhân lực, chuẩn bị hạ tầng để phát huy hiệu quả cao nhất của hoạt động đầu tư. Bên cạnh đó, quy trình quản lý đầu tư hiện nay vẫn nặng về công tác thẩm tra, cấp phép mà chưa chú trọng công tác kiểm tra, giám sát sau cấp phép... Để khắc phục những tồn tại này, Sở Kế hoạch - Đầu tư TP Hồ Chí Minh cho rằng, cần thiết chuyển trọng tâm từ công tác kiểm tra khi cấp phép (tiền kiểm) sang kiểm tra sau cấp phép (hậu kiểm).

Cùng với đó là việc tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức không chỉ về năng lực chuyên môn và đạo đức công vụ. Nói về công cuộc xây dựng, phát triển thành phố với nền tảng là kinh tế tri thức, ông Lê Hoàng Quân, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho rằng, thế mạnh lớn nhất, đóng vai trò quyết định đối với sự phát triển của thành phố bấy lâu nay mà trong giai đoạn tới cần phải tiếp tục phát huy đó chính là tinh thần năng động, sáng tạo, luôn có những chính sách đột phá phù hợp với đặc điểm tình hình của từng thời kỳ, mạnh dạn đề xuất thí điểm đối với những vấn đề mới phát sinh mà thực tiễn đặt ra.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Từ thành phố lệ thuộc đến đầu tàu kinh tế

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.