Theo dõi Báo Hànộimới trên

Từ nỗi buồn “có bột khó gột nên hồ”...

Hoàng Lê| 02/07/2022 13:43

(HNMCT) - Giữa tháng 6-2022, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Thể dục thể thao tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Xây dựng thương hiệu đội tuyển bóng đá nam quốc gia Việt Nam”.

Với người trong giới, xây dựng thương hiệu đội tuyển bóng đá quốc gia là việc đáng làm, nhất là khi các đội tuyển bóng đá Việt Nam thuộc nhiều lứa tuổi thu được thành tích đáng chú ý trong vài năm gần đây. So với những quốc gia có nền bóng đá phát triển trên thế giới và châu Á, thậm chí là so với Thái Lan, bước đi này của bóng đá Việt Nam là chậm, nhưng cũng bởi vậy mà chúng ta có thể học hỏi kinh nghiệm bổ ích từ họ. Những bài học liên quan tới xây dựng thương hiệu thể thao tại Việt Nam cũng là điều cần quan tâm, để tránh "vết xe đổ” trong quá khứ.

Những chuyển động liên quan tới việc xây dựng thương hiệu bóng đá Việt Nam là gợi ý quan trọng cho thể thao Việt Nam nói chung cũng như các vận động viên (VĐV) về tầm quan trọng của việc xây dựng và bảo vệ hình ảnh, thương hiệu cá nhân. Nhìn lại lịch sử thể thao Việt Nam, cho đến nay, vấn đề xây dựng thương hiệu thể thao chưa được coi trọng đủ mức; thương hiệu thể thao cá nhân và tập thể chưa được khai thác một cách chuyên nghiệp, bài bản và bởi vậy, quyền lợi của VĐV, câu lạc bộ thể thao và nền thể thao bị ảnh hưởng khá nhiều.

Hãy nhìn từ đời sống thể thao trong những năm gần đây để thấy rõ hơn về điều nói trên. Bắt đầu từ Văn Quyến, tuyển thủ quốc gia từng được coi là “thần đồng bóng đá Việt Nam” đã rơi từ đỉnh cao xuống vực sâu chỉ sau vài năm được truyền thông tung hô. Nói không quá, trước khi đi xuống, cầu thủ quê Nghệ An này là một biểu tượng bóng đá thực sự, một thương hiệu cá nhân được chào đón, chỉ tiếc là anh không có nhà quản lý đủ giỏi, đủ chuyên nghiệp để xác định hướng đi đúng đắn cho mình. “Ngôi sao vụt tắt” này để lại bài học “xương máu” không chỉ cho các VĐV thể thao mà còn cho nhà quản lý thể thao, những người có một phần trách nhiệm gián tiếp trong “cú ngã” của một ngôi sao bóng đá từng là thần tượng của rất nhiều cổ động viên.

Nguyễn Tiến Minh (môn cầu lông) là một câu chuyện khác, không gây mệt mỏi như câu chuyện về Văn Quyến nhưng vẫn làm nhiều người cảm thấy tiếc nuối. Vị trí thứ tư trên bảng xếp hạng thế giới cùng những tấm huy chương quốc tế danh giá cho phép Nguyễn Tiến Minh, ở thời kỳ đỉnh cao phong độ, tiến vào danh sách những VĐV có thể làm giàu, rất giàu nhờ thể thao. Như tay vợt cựu số 1 thế giới người Malaysia Lee Chong Wei khẳng định, Nguyễn Tiến Minh có thể trở thành một ngôi sao vượt khỏi lĩnh vực thể thao với khối tài sản nhiều triệu USD. Giờ đây, tại Việt Nam, tuy Nguyễn Tiến Minh vẫn thuộc số VĐV khá giả nhưng điều mà anh thu được không thấm vào đâu so với tiềm năng của một ngôi sao cầu lông hàng đầu thế giới.

Nêu ví dụ về sự hạn chế trong việc xây dựng, bảo vệ và khai thác thương hiệu thể thao một cách bài bản nhằm thu lại lợi ích tối đa cho cá nhân và thể thao Việt Nam nói chung, có thể kể thêm Nguyễn Thị Ánh Viên (bơi), Hoàng Xuân Vinh (bắn súng), Lê Quang Liêm (cờ vua)..., những người rất nổi tiếng nhưng nguồn thu chủ yếu đến từ tiền thưởng khi có danh hiệu; số thu từ quảng cáo, tài trợ không thấm vào đâu so với nhiều VĐV nổi tiếng khác trên thế giới.

Ngày 27-6-2022, tiền vệ Nguyễn Quang Hải đã lên đường sang Pháp để ký hợp đồng thi đấu cho một CLB tại đó. Trước đó 1 ngày, tờ L’Equipe của Pháp đã có bài viết về vụ chuyển nhượng tiền vệ 25 tuổi người Đông Anh - Hà Nội mà họ gọi là “Messi Việt Nam”, cho rằng CLB của Pháp chọn Quang Hải bởi tiềm năng chuyên môn, nhưng đồng thời còn vì sức hút của anh ở khu vực Đông Nam Á cũng như với giới truyền thông và nhiều nhà tài trợ.

Trước đó gần 1 tuần, có tin chủ công đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam Trần Thị Thanh Thúy đã tái ký hợp đồng với CLB bóng chuyền Nhật Bản PFU Cats với mức thu nhập rất cao...

Những tin vui nói trên cho thấy sự tiến bộ của các VĐV thể thao Việt Nam; một số có đủ điều kiện để xây dựng thương hiệu và làm giàu nhờ khai thác hình ảnh cá nhân gắn liền với trình độ chuyên môn. Nhưng, nhìn vào gương của những VĐV lớp trước, họ nên ý thức rõ hơn về trách nhiệm giữ gìn hình ảnh, tận lực phát triển năng lực chuyên môn, và nhất là phải có được chiến lược khai thác thương hiệu đúng đắn.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Từ nỗi buồn “có bột khó gột nên hồ”...

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.