LTS: Thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TƯ ngày 30-5-2019 của Bộ Chính trị về “Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng” và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, Báo Hànộimới đã đăng tải 4 dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng.
Để góp phần phát huy trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân vào hoàn thiện dự thảo các văn kiện trình đại hội, Báo Hànộimới mở chuyên mục “Góp ý kiến Dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng”. Trân trọng kính mời bạn đọc theo dõi và đóng góp ý kiến (gửi ý kiến theo địa chỉ email: dtdung@hanoimoi.com.vn trước ngày 9-11-2020).
Đóng góp ý kiến về phần đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và diện mạo đất nước sau 35 năm đổi mới nêu trong dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII) tại Đại hội XIII của Đảng, nhiều ý kiến thể hiện sự đồng tình cao, bày tỏ niềm tự hào về những thành tựu to lớn mà đất nước đã nỗ lực đạt được dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Thành ủy viên, Bí thư Quận ủy Bắc Từ Liêm Trần Thế Cương:
Củng cố niềm tin vào sự phát triển của đất nước
Về đánh giá tổng quát kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XII trong dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội XIII của Đảng, có thể thấy, Đảng đã nhìn thẳng vào sự thật và đánh giá một cách toàn diện. Sau 35 năm đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, đánh dấu sự trưởng thành về mọi mặt của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Khẳng định rằng đất nước ta “chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay” giúp toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta củng cố niềm tin vào sự phát triển của đất nước hiện nay và những năm tới.
Đảng bộ quận Bắc Từ Liêm hoàn toàn nhất trí với nguyên nhân của những thành tựu đạt được trong 5 năm qua mà dự thảo Báo cáo chính trị đã nêu. Dự thảo cũng nêu ra 7 hạn chế, khuyết điểm là hoàn toàn chính xác. Tuy nhiên, chúng tôi đề nghị bổ sung cụm từ “chưa tương xứng với tiềm năng, cơ hội và yêu cầu phát triển của đất nước” vào hạn chế, khuyết điểm thứ nhất.
Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Trung ương cũng rút ra 5 bài học kinh nghiệm. Tôi cho rằng, 5 bài học đưa ra vừa mang tính chiến lược, vừa gắn với thực tiễn, chứa đựng những kinh nghiệm sâu sắc, cụ thể, dễ vận dụng. Trong đó, bài học về “nhận thức và phát huy vai trò của dân” là một kinh nghiệm mới so với Đại hội XII của Đảng.
Thành ủy viên, Bí thư Thị ủy Sơn Tây Phạm Thị Thanh Mai:
Thành tựu to lớn trên tất cả các lĩnh vực
5 năm qua cũng như trong suốt 35 năm đổi mới, mặc dù đất nước gặp không ít khó khăn, thách thức, nhất là dịch Covid-19 vừa qua, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng; sự điều hành, quản lý của Chính phủ; sự giám sát của Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và đặc biệt phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn trên tất cả các lĩnh vực. Kinh tế vĩ mô ổn định, tăng trưởng liên tục, trở thành một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất khu vực và thế giới. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị; công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí có nhiều chuyển biến tích cực, tạo bước đột phá. An sinh xã hội, đời sống nhân dân trên mọi miền đất nước được cải thiện rõ rệt...
Việc tăng cường dân chủ hóa đời sống xã hội, nhất là việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở đã góp phần quan trọng vào việc động viên nhân dân và cán bộ hăng hái tham gia các sinh hoạt chính trị của đất nước, đẩy mạnh sản xuất, thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, củng cố an ninh, quốc phòng. Vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao, tạo tiền đề cho nhân dân ta tiếp tục phấn đấu xây dựng nền tảng vững chắc để sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
Thành ủy viên, Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan thành phố Hà Nội Nguyễn Doãn Hoàn:
Không ngừng đổi mới phương thức lãnh đạo
Có thể khẳng định, trong 35 năm đổi mới, để giữ vững và không ngừng nâng cao vai trò lãnh đạo sự nghiệp cách mạng dân tộc, Đảng ta đã không ngừng đổi mới phương thức lãnh đạo, góp phần tạo nên những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử mà đất nước ta đạt được.
Đó chính là sự đổi mới hệ thống phương pháp, hình thức, biện pháp của Đảng để lãnh đạo hệ thống chính trị và toàn xã hội, nhằm hiện thực hóa Cương lĩnh chính trị, chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng trong thực tiễn. Tôi hoàn toàn đồng tình những đánh giá về mặt này trong dự thảo Báo cáo chính trị.
Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội XIII của Đảng cũng có những đánh giá về hạn chế mà tôi cho rằng rất chuẩn xác. Đó là: “Phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị, trọng tâm là đối với Nhà nước còn chậm đổi mới, có mặt còn lúng túng. Cơ chế kiểm soát quyền lực trong Đảng và Nhà nước chưa đầy đủ, đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả chưa cao”. Trong quá trình đổi mới, trên nhiều lĩnh vực, việc nghiên cứu và giải quyết thực tiễn vẫn còn nhiều lúng túng, chưa rõ ràng. Nhiều trường hợp, lĩnh vực mới dừng ở nguyên lý, nguyên tắc chung. Cơ chế vận hành: Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ, bên cạnh mặt ưu điểm, vẫn còn không ít bất cập. Vai trò lãnh đạo của Đảng, vai trò quản lý của Nhà nước còn chồng chéo và “lấn sân”, rất khó phân định…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.