(HNM) - Múa cổ truyền Hà Nội mang trong mình vẻ đẹp cũng như những giá trị lịch sử, văn hóa độc đáo riêng có của Thủ đô nghìn năm văn hiến. Việc bảo tồn và phát huy giá trị của múa cổ truyền Thăng Long - Hà Nội không chỉ là bảo tồn nghệ thuật múa dân gian, mà còn mang ý nghĩa tích cực đối với con người trong xã hội hiện đại.
Tin vui là hiện ngày càng có nhiều điệu múa cổ đã được các cấp, ngành, nghệ sĩ, nghệ nhân, nhà nghiên cứu và nhân dân Thủ đô tâm huyết ghi chép, phục dựng lại. Có thể thấy điều đó qua những điệu múa có từ rất lâu đời của Thủ đô đang được bảo tồn, phát huy, như: Con đĩ đánh bồng, chạy cờ trong hội xuân làng Triều Khúc (huyện Thanh Trì); lễ chữ trong hội làng Chử Xá (huyện Gia Lâm); rắn lột trong hội làng Trường Lâm (quận Long Biên); giảo long trong hội làng Lệ Mật (quận Long Biên), Bài Bông trong hội làng Phú Nhiêu (huyện Thường Tín)… Về cơ bản, những điệu múa cổ ở Hà Nội thuộc ba hình thái là múa dân gian, múa cung đình và múa tín ngưỡng tôn giáo. Đây đều là sản phẩm sáng tạo mang ý nghĩa lịch sử, thể hiện thế giới quan, khơi gợi tình yêu quê hương, đất nước của người Hà Nội. Ngôn ngữ múa cổ truyền Hà Nội đều mang tính biểu tượng và đại chúng, dễ tiếp nhận trong đời sống xã hội.
Tuy nhiên, thực tế việc bảo tồn, phát huy múa cổ Thăng Long - Hà Nội vẫn là một "bài toán" khó, bởi thực tế nhiều điệu múa đã bị mai một. Người am hiểu, những nghệ nhân thông thạo múa cổ hiện nay còn rất ít và đều đã cao tuổi, trong khi thế hệ trẻ lại không mấy mặn mà. Mặt khác, xã hội phát triển, tốc độ đô thị hóa ngày càng nhanh, các xóm làng có cây đa, bến nước, sân đình ít dần khiến cho không gian diễn xướng của múa cổ truyền bị thay đổi... Chưa kể, các hình thức văn hóa giải trí hiện đại cũng đang lấn át văn hóa truyền thống.
Tìm lại vốn cổ đã khó, khôi phục và gìn giữ càng khó hơn. Nhưng khó mấy cũng phải bảo tồn, nếu không sẽ mất đi một kho tàng văn hóa rất quý giá của Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung. Vì vậy, điều quan trọng hiện nay là các cấp, ngành chức năng, địa phương cần tiếp tục đầu tư xứng đáng cho công tác sưu tầm, phục dựng, phát triển múa cổ truyền Hà Nội một cách khoa học, bài bản, có chiến lược dài hạn, bao gồm cả về nguồn lực con người và kinh phí. Trong đó, cần huy động những nghệ sĩ tâm huyết với nghệ thuật múa kết hợp với nghệ nhân, người dân địa phương có kinh nghiệm để điền dã, tìm kiếm các điệu múa cổ truyền, phục dựng và đưa chúng trở lại phục vụ cộng đồng.
Song song đó là tổng hợp để thống kê, lập bản đồ di sản múa cổ truyền Thăng Long - Hà Nội. Về nguồn lực tài chính, bên cạnh sự đầu tư của nhà nước, cần đẩy mạnh xã hội hóa, huy động sự tham gia của các tầng lớp nhân dân vào việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy múa cổ truyền.
Trong quá trình sưu tầm và phục hồi cần đẩy mạnh việc giới thiệu cho thế hệ trẻ hiểu và yêu các làn điệu múa cổ. Do đó, bên cạnh tổ chức nhiều chương trình biểu diễn, giới thiệu, quảng bá, trao đổi và hội thảo khoa học nhằm bảo tồn, phát huy giá trị những điệu múa cổ truyền Thăng Long - Hà Nội, cần động viên các nghệ nhân ở các làng, xã quan tâm, chú trọng việc truyền dạy cho lớp trẻ.
Việc gìn giữ, bảo tồn múa cổ truyền là niềm vinh dự, tự hào, đồng thời cũng là trách nhiệm, tình cảm của nghệ sĩ múa và nhân dân Thủ đô để vốn văn hóa của mảnh đất Thăng Long - Hà Nội phát huy hết giá trị nghệ thuật, ý nghĩa trong đời sống xã hội đương đại cũng như lưu truyền lâu dài cho các thế hệ mai sau...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.