(HNM) - Từ ngày 1-7-2019, theo quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, các trường đại học được mở rộng phạm vi thực hiện quyền tự chủ. Đây được coi là bước ngoặt của hệ thống giáo dục đại học Việt Nam. Song cũng đặt ra nhiều yêu cầu mới đối với cơ sở giáo dục đại học, trong đó có việc tăng trách nhiệm, tuân thủ sự giám sát của cơ quan quản lý và xã hội, để hướng đến quyền lợi của người học.
Tạo động lực cạnh tranh
Việc thực hiện quyền tự chủ đã được thí điểm tại 23 cơ sở giáo dục đại học trên cả nước theo Nghị quyết số 77/NQ-CP của Chính phủ về “thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập giai đoạn 2014-2017”. Đến ngày 1-7-2019, khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học có hiệu lực, tính pháp lý trong thực hiện quyền tự chủ, với phạm vi rộng hơn tại các cơ sở giáo dục đại học, chính thức được xác nhận.
Theo đó, cơ sở giáo dục đại học được cho phép tự chủ ở mọi hoạt động của đơn vị. Đó là quyền được tự chủ mở ngành đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ, trừ các ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe, đào tạo giáo viên, quốc phòng, an ninh. Cơ sở giáo dục đại học cũng được tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh; tự chủ trong hoạt động chuyên môn, tổ chức và nhân sự... Cùng với đó, cơ sở giáo dục đại học được quyền tự chủ về tài chính, thu hút nguồn vốn đầu tư... Tuy nhiên, gắn liền với đó là trách nhiệm của cơ sở giáo dục đại học cũng được quy định khắt khe hơn.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Lê Hải An cho rằng, việc mở rộng quyền tự chủ đối với các cơ sở giáo dục đại học sẽ tạo ra động lực cạnh tranh giữa các trường để nâng cao hiệu quả đào tạo, hướng đến quyền lợi của người học, thêm nhiều cơ hội cho sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp. Quá trình thực hiện tự chủ cũng đòi hỏi các cơ sở giáo dục đại học phải năng động, chuyên nghiệp hơn trong việc xác định mục tiêu chiến lược để nâng cao hiệu quả quản lý, tạo uy tín cho nhà trường, thu hút người học.
Chủ trương này được các trường đón nhận, thực hiện thế nào?
Là đơn vị đã thực hiện thí điểm tự chủ trong giai đoạn 2014-2017, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Tớp, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết: Việc được tự chủ đem lại thuận lợi cho nhà trường trong huy động nguồn lực đầu tư. Riêng kinh phí dành cho nghiên cứu khoa học của trường đã tăng từ gần 64 tỷ đồng năm 2016, lên gần 87 tỷ đồng vào năm 2018. Thời gian tới, nhà trường tập trung mở rộng cơ hội học tập cho sinh viên bằng cách tăng cường liên kết với nhiều trường đại học trên thế giới; mở rộng các chương trình chất lượng cao theo chuẩn quốc tế.
Còn theo Tiến sĩ Đỗ Hồng Cường, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Thủ đô Hà Nội, nhà trường đã chờ đón chủ trương này từ khá lâu với mong muốn nâng cao hiệu quả đào tạo, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người học. "Đặc biệt, nhà trường sẽ cho phép sinh viên học vượt để tốt nghiệp đại học sớm hoặc tạo điều kiện để sinh viên có thể học cùng lúc hai chương trình đào tạo", Tiến sĩ Đỗ Hồng Cường nói.
Cũng sẵn sàng cho việc triển khai chủ trương mới, Tiến sĩ Lê Thị Minh Ngọc, Phó Trưởng ban Hỗ trợ khởi nghiệp, Học viện Ngân hàng cho biết, Học viện đang đẩy mạnh việc liên kết với các đơn vị, doanh nghiệp để nâng cao chất lượng đào tạo, tạo nhiều cơ hội cho sinh viên tìm việc làm phù hợp khi tốt nghiệp. Nhà trường cũng tăng cường huy động nguồn lực để hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp.
Tự chủ không phải là tự do
Trong khi các trường đang hào hứng với chủ trương mới, thì phía dư luận vẫn còn băn khoăn. Bà Trần Mai Hoa, phụ huynh học sinh Trường THPT Nguyễn Văn Cừ, huyện Gia Lâm thắc mắc: Trước đây, chỉ tiêu tuyển sinh do Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định. Nay được tự chủ, liệu có xảy ra hiện tượng tuyển sinh vượt quá khả năng đào tạo, làm ảnh hưởng đến chất lượng và quyền lợi của người học?
Về vấn đề trên, Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định, cơ sở giáo dục đại học được tự chủ, song không có nghĩa là tự do, không phải tuân theo các tiêu chuẩn, quy trình bảo đảm chất lượng. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học quy định rõ, việc thực hiện quyền tự chủ phải gắn với trách nhiệm giải trình của cơ sở giáo dục đại học đối với người học, xã hội, cơ quan quản lý và các bên liên quan; phải tuân thủ các quy định về kiểm tra, giám sát.
"Một yêu cầu bắt buộc nữa là phải công khai điều kiện bảo đảm chất lượng, kết quả kiểm định và tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm. Đây là căn cứ để cơ quan quản lý theo dõi, kiểm tra, cũng là kênh thông tin giúp người học cùng giám sát, lựa chọn địa chỉ học tập uy tín", Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Phụng nhấn mạnh.
Theo Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, từ năm 2018, các trường đại học trên cả nước đã phải tuân thủ quy định công khai tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm. Tuy nhiên, nhìn vào số liệu công bố có thể thấy nhiều trường có kết quả tương đương nhau. Điều này khiến dư luận và chính các trường trong hệ thống đặt ra nhiều nghi ngại về độ chính xác, khách quan của số liệu. Bởi vậy, cơ quan quản lý cần có quy định và chế tài đủ mạnh để kiểm soát tính thực chất của các nội dung được công khai, tạo sự tin tưởng cho nhân dân.
Nhấn mạnh yêu cầu phải tuân thủ các quy định của cơ quan quản lý, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, cùng với tỷ lệ sinh viên có việc làm, Bộ đã yêu cầu các đơn vị khai báo thông tin liên quan đến các điều kiện bảo đảm chất lượng (diện tích đất, sàn xây dựng, đội ngũ giảng viên...), kết quả kiểm định chất lượng... vào phần mềm hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia (http://hemis.moet.edu.vn/csdlqg/). Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ phân tích và kiểm tra thực tế tại cơ sở để xác minh, từ đó kịp thời chấn chỉnh và xử lý nghiêm trường hợp không trung thực, tạo sự công bằng cho các nhà trường.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương (một trong số các trường đã thí điểm cơ chế tự chủ) kiến nghị, để thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học có hiệu quả, cơ quan quản lý cần sớm rà soát các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến nội dung này. Bởi hiện còn khá nhiều văn bản liên quan đến việc tự chủ, có thể dẫn đến cách hiểu chưa rõ ràng, thiếu đồng bộ, làm khó các trường trong quá trình thực hiện.
Như vậy, để chủ trương đúng phát huy hiệu quả, nâng cao chất lượng đào tạo, cần sự vào cuộc tích cực của cả các trường và cơ quan quản lý nhằm tháo gỡ, xử lý kịp thời vướng mắc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.