(HNM) - Trong giai đoạn hiện nay, vấn đề tự chủ đại học (ĐH) đang
Giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm là yếu tố đột phá nhằm nâng cao chất lượng giáo dục đại học. Ảnh: Thanh Hải |
Còn tự chủ nửa vời
Liên quan tới vấn đề tự chủ ĐH, không thể không nhắc đến Luật Giáo dục ĐH mới có hiệu lực từ đầu năm 2013. Trong đó, tự chủ ĐH là một trong ba nội dung mấu chốt bên cạnh các vấn đề về hội đồng trường và trường tư thục phi lợi nhuận. Theo luật, các trường được tự chủ trong khá nhiều vấn đề thiết yếu như: Tổ chức, nhân sự, tài chính tài sản, đào tạo, hoạt động khoa học công nghệ, bảo đảm chất lượng, hợp tác quốc tế... Về học thuật, lần đầu tiên các trường được tự chủ xây dựng, thẩm định, ban hành chương trình đào tạo trình độ CĐ, ĐH, thạc sĩ, tiến sĩ; tự chủ xác định chỉ tiêu tuyển sinh; tự in phôi bằng, cấp bằng cho tất cả các trình độ mà trường đào tạo. Tất nhiên, mức độ tự chủ còn ở mức "phù hợp năng lực, kết quả xếp hạng và kiểm định", nhưng đây đã được coi là một bước tiến đáng kể trong tư duy quản trị ĐH. Dù vậy, còn rất nhiều vướng mắc cần được giải tỏa để tự chủ ĐH thực sự mang tính thúc đẩy sự phát triển của các trường với vai trò là một thuộc tính của giáo dục ĐH.
Từ phía nhà quản lý, mặc dù nhà trường, theo luật, được tự quyết các vấn đề của mình nhưng Bộ GD-ĐT vẫn giữ quyền cho phép các trường được thực hiện các quyền đó. Ví dụ, về mặt học thuật, dù nhà trường được tự chủ về đào tạo nhưng Bộ GD-ĐT lại đưa ra các quy định về điều kiện, trình tự và thủ tục mở ngành. Về mặt tổ chức, Luật Giáo dục ĐH đưa ra quy định trường ĐH công lập có hội đồng trường với quyền hạn rất lớn, song lại không có quyền bầu và miễn nhiệm hiệu trưởng. Bởi thế, trên thực tế, hội đồng trường chỉ đóng vai trò nhà tư vấn, mang tính hình thức hơn là một hội đồng có thực quyền. Có lẽ vì bất cập này nên trong số gần 500 trường ĐH, CĐ hiện nay chỉ có hơn chục trường có hội đồng trường. Đó là chưa kể, hiệu quả hoạt động của các hội đồng đã thành lập vẫn có những điều đáng bàn.
Còn các trường, sau một thời gian quá dài quen thụ động, được "cầm tay chỉ việc", vẫn chưa thắng được sức ỳ để có tâm thế sẵn sàng tự chủ. Xã hội thì vẫn còn tồn tại sự nghi ngại, rằng liệu các trường đã đủ năng lực để thực hiện và chịu trách nhiệm với quyền tự chủ hay chưa, nhất là khi nhìn vào các trường vẫn thấy tình trạng đội ngũ yếu, chú trọng quy mô đào tạo để phục vụ lợi ích kinh tế, trách nhiệm giải trình còn chưa được xem trọng. Thực hiện quy định của Luật Giáo dục ĐH, khi Bộ GD-ĐT tỏ ý trao quyền tự chủ tuyển sinh cho các trường thì nhiều nơi thể hiện thái độ ngần ngại, muốn quay lại với giải pháp an toàn là "núp" dưới cái ô "3 chung". Năm vừa qua, chỉ có 62 trường trong số gần 500 trường ĐH, CĐ có đề án tuyển sinh riêng. Bên cạnh một vài đề án thật sự mang tinh thần của tự chủ, đa số đề án còn lại là để tuyển sinh cho một số ngành đặc thù.
Gỡ "nút thắt" nguồn thu
Mới đây, trong cuộc họp với các bộ, ngành liên quan, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã đề nghị đẩy mạnh việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các trường ĐH. Theo đó, học phí sẽ thực hiện theo chi phí trung bình tính đủ cho việc đào tạo một sinh viên ĐH công lập, đồng thời Nhà nước hỗ trợ trực tiếp học phí cho sinh viên nghèo, người có công, người dân tộc thiểu số... Vấn đề nguồn thu là nút thắt cần tháo gỡ trên con đường tự chủ ĐH. Cũng theo thông tin từ cuộc họp trên, hiện Chính phủ đang xem xét và sẽ sớm có kết luận chính thức về đề án tự chủ của 4 trường ĐH: Kinh tế TP Hồ Chí Minh, Kinh tế quốc dân, Ngoại thương và ĐH Hà Nội. Trong các đề án đó, tự chủ nguồn thu là một trong những nội dung quan trọng nhất.
Từ Nghị định 43 năm 2006 của Chính phủ về quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm với các đơn vị sự nghiệp công lập, trường ĐH đã được giao nhiều quyền. Tuy nhiên, các trường này chỉ được tự chủ trong hoạt động chi thường xuyên, mức thu học phí vẫn phải xác định trong khung trần quy định. Còn theo những đề án mới, các trường đề xuất được tự chủ trong việc thu học phí và lệ phí nhằm nâng cao chất lượng đào tạo. Họ được phép thu học phí theo mức riêng, cao hơn trần học phí theo quy định. Ngược lại, các trường này sẽ không được cấp kinh phí chi thường xuyên từ ngân sách nhà nước. Nếu được thông qua đề án, 4 trường kể trên có thể được tăng học phí lên mức tối đa gấp 3 lần so với trần quy định. Mức tăng này chỉ áp dụng với sinh viên khóa mới kể từ khi đề án được phê duyệt.
Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga, 4 trường nói trên là những trường thí điểm trước tiên do đã có đề án được xây dựng từ trước. Các trường ĐH khác, nếu đủ điều kiện thì có thể làm đề án để đăng ký tham gia, Bộ GD-ĐT không giới hạn số lượng trường hoạt động theo mô hình này. Ngoài ra, Bộ GD-ĐT đã quyết định tháo gỡ mức trần học phí quy định trong nhiều năm qua bằng việc ban hành Thông tư số 23/2014/TT-BGDĐT về đào tạo chất lượng cao trình độ ĐH. Theo đó, các trường đã chính thức bước vào giai đoạn tự chủ hoàn toàn trong việc thu học phí. Vấn đề còn lại, theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga là các trường phải bảo đảm chất lượng giảng dạy cho tương xứng với học phí.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.