(HNM) - Trong công tác quản lý, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị của di tích, việc tu bổ cấp thiết (TBCT) di tích quan trọng được xem như cấp cứu bệnh nhân hoặc cứu hỏa công trình. Tiếc rằng, khung pháp lý quy định về việc TBCT di tích hiện nay vừa thiếu
Cấp bách như chữa cháy
Di tích được tiến hành TBCT là khi bất ngờ đổ sập một phần, hư hỏng quá nặng hoặc có nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào nhưng công trình đó không nằm trong danh sách các dự án được tu bổ, tôn tạo ở thời điểm di tích bị đe dọa.
Phố cổ Hội An (Quảng Nam). Ảnh: Bảo Lâm |
Năm 2013, khu phố cổ Đồng Văn (Hà Giang) có nhiều ngôi nhà cổ bị hư hỏng nặng khiến người dân phải sống tạm bợ và một số người mong muốn trả lại danh hiệu di tích quốc gia để có thể sửa chữa, xây dựng những công trình vững chắc hơn. Sau khi kiểm tra và nhận thấy mức độ xuống cấp nghiêm trọng của di tích, các cơ quan chức năng đã đồng ý để tỉnh Hà Giang TBCT một số công trình để có thể giữ được phố cổ Đồng Văn xưa cũ đến hôm nay. Tương tự, khu phố cổ Hội An (Quảng Nam) năm nào cũng có một số ngôi nhà được tiến hành TBCT thì mới có thể tạo thành quần thể kiến trúc có bản sắc riêng như hôm nay. "Sau trận lụt nghiêm trọng năm 2004, nhiều công trình ở Hội An phải tiến hành TBCT với kinh phí hàng chục tỷ đồng. Dựa trên kết quả điều tra, khảo sát thực tế, năm 2010, tỉnh Quảng Nam tiếp tục phê duyệt đề án "TBCT di tích cấp tỉnh trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2011-2020" với tổng mức đầu tư lên tới hơn 40 tỷ đồng", ông Nguyễn Chí Trung (Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An) cho biết. Hoặc như sớm nhận thấy mối nguy hại nếu di sản mất đi, TP Đà Nẵng cũng đã xây dựng đề án "Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc ở TP Đà Nẵng giai đoạn 2013-2015". Thực hiện đề án này, hầu hết di tích quốc gia xuống cấp nghiêm trọng trên địa bàn đã được trùng tu hoặc chống xuống cấp trong thời gian qua.
Trong chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, cả nước có hơn 1.000 di tích được TBCT trong giai đoạn 2013-2015 nhằm hạn chế nguy cơ mất mát của hệ thống di sản vật thể… Hà Nội là địa phương sở hữu nhiều di tích nhất cả nước với hơn 5.000 di tích, trong đó có gần 2.000 di tích đã xếp hạng. Đa số công trình di tích làm bằng gỗ, có niên đại hàng trăm năm nên số lượng di tích xuống cấp nghiêm trọng cần được TBCT cũng lớn nhất cả nước (khoảng 400-600 di tích). Điều đó phần nào chứng tỏ việc tu bổ chống xuống cấp di tích là rất quan trọng, đòi hỏi cần có sự quan tâm, vào cuộc của tất cả các cấp, các ngành và cộng đồng dân cư.
Thiếu căn cứ thực hiện
Trên thực tế, Nhà nước và chính quyền các địa phương đã và đang dành sự quan tâm không nhỏ cho di tích; cộng đồng dân cư nơi có di tích cũng ngày càng ý thức được giá trị, ý nghĩa của di tích, nhất là các di tích có nguy cơ sụp đổ. Đáng tiếc là khung pháp lý quy định về việc TBCT di tích hiện nay vừa chung chung, vừa lỏng lẻo khiến các cơ quan quản lý về di tích lúng túng, còn cộng đồng dân cư "không biết đâu mà lần".
Đến thời điểm hiện tại, quy định cụ thể nhất về quy trình TBCT di tích là Điều 27, Thông tư số 18, ngày 28-12-2012 của Bộ VH, TT&DL. Theo nội dung thông tư, việc TBCT di tích được tiến hành sau khi có quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Sở VH,TT&DL các tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm thành lập và trực tiếp quản lý tổ tu sửa cấp thiết di tích. Tổ tu sửa cấp thiết gồm có một cán bộ quản lý di tích của Sở, một kiến trúc sư hoặc kỹ sư xây dựng, có nhiệm vụ lập báo cáo tu sửa, thực hiện giám sát quá trình tu sửa. Đối với di tích quốc gia và quốc gia đặc biệt, UBND các tỉnh, thành phố có trách nhiệm báo cáo bằng văn bản nội dung đã phê duyệt đối với di tích lên Bộ VH,TT&DL.
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, hầu hết Sở VH,TT&DL các tỉnh, thành phố không có đội ngũ kiến trúc sư hoặc kỹ sư xây dựng chuyên trách, vậy thành phần này lấy ở đâu, nếu mời chuyên gia từ các đơn vị khác thì ngành lấy kinh phí từ nguồn nào để trả lương cho họ? Mặt khác, hầu hết các di tích đã được giao cho địa phương quản lý trực tiếp, trong trường hợp Sở VH,TT&DL lập tổ TBCT nhưng đơn vị trực tiếp quản lý di tích không đồng ý thì phải làm thế nào (Thông tư 18 không đề cập đến vai trò của chính quyền địa phương nơi có di tích)? Đáng nói hơn, nội dung thông tư quá chung chung, ngành Văn hóa các tỉnh, thành phố dù muốn mở rộng thành phần tham gia vào tổ TBCT cho phù hợp với thực tế cũng không biết căn cứ vào đâu. Thế nên mới có chuyện thành phần trong tổ TBCT di tích chùa Trăm Gian (Chương Mỹ) vừa qua không có cán bộ quản lý di tích của Sở VH&TT Hà Nội; một số dự án khác phải mất rất nhiều thời gian mới có thể tiến hành tu bổ mặc dù di tích ở trong tình trạng "cấp cứu".
Trước những bất cập trên, trong Dự thảo quy chế quản lý, sử dụng di tích do Sở VH&TT Hà Nội xây dựng, Sở đề nghị ngân sách thành phố hỗ trợ 100% kinh phí cho di tích quốc gia đặc biệt, di tích cách mạng kháng chiến, di tích có kiến trúc nghệ thuật điển hình và các di tích trong tình trạng tu sửa cấp thiết; đồng thời, đề xuất nguồn hỗ trợ cho người trực tiếp trông coi di tích nhằm phát hiện sớm những nguy cơ gây hại cho di tích. Hy vọng những bất cập, vướng mắc trong quy trình, thủ tục TBCT di tích sớm được giải quyết để những giá trị lịch sử, văn hóa trường tồn cùng dân tộc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.