Theo dõi Báo Hànộimới trên

Truyền thông về sản xuất, tiêu thụ rau an toàn: Cần thông tin đầy đủ, trung thực

Bạch Thanh| 20/07/2016 06:43

(HNM) - Vấn đề đặt ra trong truyền thông về sản xuất, tiêu thụ RAT là cần phản ánh đầy đủ, trung thực nhằm tránh gây thiệt hại không đáng có cho nông dân.

Thông tin về vùng trồng rau cần ở xã Khai Thái (Phú Xuyên) không trung thực đã gây hoang mang cho người tiêu dùng Hà Nội. Được biết, địa phương có hơn 30ha trồng rau cần, sau thông tin thất thiệt trên, diện tích giảm xuống chỉ còn hơn 5ha, chủ yếu là rau giống.

Huyện Đông Anh ứng dụng nhiều biện pháp sản xuất mới nhằm nâng cao chất lượng rau an toàn. Ảnh: Khánh Nguyên


Theo Chủ tịch Hội Nông dân xã Khai Thái Nguyễn Tiến Cường, nông dân trong xã luôn có ý thức khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) và bón phân cho cây trồng, nhằm bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Bản thân các hội, đoàn thể, cán bộ chuyên ngành BVTV địa phương cũng tích cực hỗ trợ nông dân về khoa học - kỹ thuật trong sản xuất RAT. "Nếu truyền thông phản ánh đầy đủ, khách quan, thì hành trình xây dựng thương hiệu rau cần ở Khai Thái thuận lợi hơn, dễ đến gần với người tiêu dùng Thủ đô" - ông Nguyễn Tiến Cường nói. Còn Trạm trưởng Trạm BVTV Phú Xuyên Lương Văn Hoan cho biết, đơn vị đã phối hợp với chính quyền địa phương dành nhiều công sức tổ chức tập huấn hàng trăm lớp sản xuất an toàn cho nông dân, giúp hoàn thiện đăng ký thương hiệu RAT. Tiếc rằng, truyền thông không khách quan, vô tình đã làm cho nông dân “dị ứng”, “chán nản” với nỗ lực của chính quyền địa phương trong việc đưa các tiến bộ ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất.

Cùng trong tâm trạng bức xúc, bà Đỗ Thị Liên, Chủ nhiệm HTX RAT Đạo Đức, xã Vân Nội (Đông Anh) chia sẻ: Trong năm 2015, cơ quan chức năng phát hiện một xã viên của HTX tiêu thụ RAT không đúng nguồn gốc xuất xứ. Ngoài việc loại xã viên này ra khỏi tổ chức, HTX RAT Đạo Đức đã rà soát lại toàn bộ quy trình hoạt động, bảo đảm sản xuất, tiêu thụ RAT theo đúng quy định. Song, thay vì nhìn nhận vấn đề khách quan, đa chiều và những nỗ lực của HTX, dư luận lại thông tin bất lợi, gây hoang mang cho các xã viên HTX. "Sau mỗi lần gặp sự cố truyền thông, HTX mất gần hết các khách hàng ruột. Vậy nên, trong khi tiêu thụ RAT ở thị trường nội đô bị giảm sút, HTX chỉ còn trông chờ vào việc xuất khẩu sang Nhật Bản và Nga. Tuy nhiên, mỗi tuần chỉ xuất khẩu sang Nhật Bản từ 500kg đến 1.000kg rau, trong khi mỗi ngày xã viên HTX sản xuất ra từ 3 đến 5 tấn" - bà Liên nhấn mạnh.

Trao đổi nội dung trên, ông Nguyễn Văn Ninh, Công ty Ngôi rau xanh huyện Đông Anh cho biết: HTX, doanh nghiệp tiêu thụ RAT “dị ứng” với truyền thông, thay vì nhìn nhận khách quan, đa chiều, chỉ ra thiếu sót để rút kinh nghiệm, nhưng nhiều vụ việc nhỏ vẫn được khai thác triệt để, giật tít giật gân để câu khách. "Khách hàng hủy hợp đồng, người tiêu dùng tẩy chay… khiến cho việc chỉ đạo sản xuất, tiêu thụ RAT vốn đã nhiều chông gai nay càng nan giải" - ông Nguyễn Văn Ninh bức xúc.

Chi cục trưởng Chi cục BVTV Hà Nội Nguyễn Duy Hồng cho rằng: Một số vùng RAT của Hà Nội trong đó có các vùng rau của Đông Anh, Mê Linh, Phú Xuyên… thường xuyên phải đối mặt với sức ép về thông tin, dư luận phản ánh mặt trái của công tác quản lý, chỉ đạo sản xuất, tiêu thụ và chất lượng an toàn thực phẩm. Thậm chí, phản ánh chưa đúng sự thật về vùng RAT gây thiệt hại cho người nông dân và gây hoang mang cho người tiêu dùng. Trước thực trạng này, Chi cục BVTV Hà Nội đã phối hợp với các địa phương tổ chức ký cam kết phối hợp bốn bên trong kiểm soát sản xuất, tiêu thụ RAT và thực hiện mô hình áp dụng hệ thống bảo đảm có sự giám sát chặt chẽ, nhằm giúp truy nguồn gốc xuất xứ đến từng hộ gia đình. Đây được coi là giải pháp khả quan để truyền thông có cách tiếp cận đúng hơn, chỉ rõ những hạn chế, đồng thời ghi nhận các mặt tích cực ở các vùng RAT của Hà Nội để người tiêu dùng yên tâm...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Truyền thông về sản xuất, tiêu thụ rau an toàn: Cần thông tin đầy đủ, trung thực

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.