(HNMO) - Sáng 28-4, tại Trung tâm Chính trị huyện Đông Anh (Hà Nội), Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong tổ chức hội nghị tổng kết công tác đào tạo, bồi dưỡng năm 2020 và triển khai kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng năm 2021.
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị.
Tham dự hội nghị có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội: Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Bùi Huyền Mai…
Năm 2020, Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong đã phối hợp với các quận, huyện, thị ủy đào tạo 45 lớp trung cấp lý luận chính trị - hành chính với 3.621 học viên tham gia. Trong đó, tổng số lớp từ năm 2019 chuyển sang năm 2020 là 25 lớp với 2.133 học viên. Đến hết năm 2020, trường đã bế giảng 12 lớp với 1.096 học viên. Số lớp còn chuyển sang năm 2021 là 35 lớp với 2.756 học viên. Ngoài ra, trường đã mở và bế giảng 10 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Đảng, đoàn thể với 1.295 học viên.
Theo kế hoạch được giao năm 2020, trường không thực hiện được 3 lớp với 510 học viên. Trong đó, có 2 lớp trung cấp lý luận chính trị - hành chính từ nguồn kinh phí của huyện Ba Vì và huyện Thanh Oai với 160 học viên không thực hiện được do huyện tuyển sinh nhưng không đủ số học viên; 1 lớp bồi dưỡng của Ban Tuyên giáo Thành ủy với 350 học viên không thực hiện do tháng 12-2020, Trung ương chưa ban hành văn bản hướng dẫn mới.
Năm 2021, tổng số lớp thành phố giao cho trường đào tạo, bồi dưỡng gồm: 23 lớp trung cấp lý luận chính trị - hành chính (trong đó có 3 lớp học tại trường với 210 học viên; 20 lớp tại trung tâm chính trị quận, huyện, mỗi lớp 80 học viên) và 12 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công tác đoàn thể với 2.806 học viên. Đối với các lớp ngoài kế hoạch, Ban Giám hiệu nhà trường sẽ căn cứ tình hình cụ thể về nhu cầu đào tạo, đội ngũ giảng viên, thời gian để trao đổi với ban thường vụ các quận, huyện, thị ủy, đơn vị có nhu cầu và báo cáo Ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội.
Bên cạnh đó, nhà trường sẽ tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát của Ban Giám hiệu trong quá trình giảng dạy, học tập. Đồng thời, tiếp tục tăng cường sự phối hợp giữa trung tâm chính trị quận, huyện, thị ủy với các khoa, phòng của nhà trường trong quản lý, xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch đào tạo; phối hợp chặt chẽ trong quản lý học tập của học viên, nâng cao ý thức chuyên cần trong thực hiện nội quy, quy chế học tập; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao chất lượng đào tạo...
Tại hội nghị, các ý kiến tham luận đã tập trung thảo luận về công tác đào tạo cũng như đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo của Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong thời gian tới. Trong đó, chú trọng việc phối hợp với trung tâm chính trị các quận, huyện, thị ủy nhằm tạo điều kiện tối đa về cơ sở vật chất và trang thiết bị phục vụ việc học tập và giảng dạy nhằm không ngừng đổi mới phương pháp giảng dạy, phát huy tính tích cực của học viên, nâng cao chất lượng dạy và học.
Phát biểu tại hội nghị, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo nhấn mạnh sự phối hợp giữa Ban Tổ chức Thành ủy, Ban Tuyên giáo Thành ủy với Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong trong giải quyết những khó khăn hiện nay để nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của Thành ủy Hà Nội. Trong đó, nhà trường cần chú trọng việc xét tuyển hồ sơ, đối tượng học, nội dung chương trình lớp học, chất lượng giảng viên.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong ghi nhận những kết quả trong công tác đào tạo, bồi dưỡng của Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong thời gian qua.
Về nhiệm vụ thời gian tới, đồng chí Nguyễn Văn Phong đề nghị nhà trường chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo cũng như việc đánh giá chất lượng học viên sau khi hoàn thành khóa học; đồng thời bám sát yêu cầu của thực tiễn để đổi mới nội dung, nâng cao chất lượng bài giảng của từng lớp học.
Cùng với đó, cần có quy chế phối hợp hiệu quả giữa Ban Tổ chức Thành ủy, Ban Tuyên giáo Thành ủy với Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong cũng như các trung tâm chính trị quận, huyện, thị ủy trong triển khai các lớp học; tạo điều kiện để học viên vừa học vừa nghiên cứu gắn với thực tiễn của các địa phương cũng như thành phố.
Bên cạnh đó, nhà trường cần sớm xây dựng được đội ngũ cộng tác viên là các giảng viên đương chức để đáp ứng yêu cầu công tác đào tạo hiện nay; hỗ trợ các các trung tâm chính trị quận, huyện, thị ủy xây dựng đội ngũ báo cáo viên.
“Đây là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết đại hội Đảng các cấp, có nhiều chủ trương, quan điểm mới liên quan đến các vấn đề phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng... Đây cũng là năm đầu tiên thực hiện 10 chương trình công tác của Thành ủy (khóa XVII), nhiệm kỳ 2020-2025, nên nhà trường cần chú trọng cập nhật các nội dung thông tin này vào các chương trình đào tạo. Về phía các trung tâm chính trị quận, huyện, thị ủy, cần chú trọng về nguồn lực, kêu gọi đầu tư để chuẩn hóa các tiêu chí, tiêu chuẩn về cơ sở vật chất cũng như công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ”, đồng chí Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.