Thụy Ứng, xã Hòa Bình (huyện Thường Tín) từ lâu đã nổi tiếng với nghề truyền thống làm lược sừng. Trải qua thời gian, cùng với sức sáng tạo của người thợ, làng nghề không những giữ vững được thương hiệu mà còn ngày càng đa dạng hóa sản phẩm và mở rộng thị trường, hướng tới phát triển, trở thành điểm du lịch làng nghề của thành phố Hà Nội.
Bề dày nghề truyền thống
Về làng nghề lược sừng Thụy Ứng hôm nay, nhiều dấu tích đang tồn tại đã chứng minh cho sự phát triển của nghề. Hơn 400 năm là quãng thời gian người dân đong đếm, chắt chiu để nối dài nghề truyền thống của cha ông. Nghề đã nuôi sống người dân, làm rạng danh tên làng Thụy Ứng, để rồi người làng Thụy Ứng cũng nỗ lực từng ngày sao cho xứng với sự trao truyền của cha ông.
Đến thăm xưởng sản xuất của ông Lê Văn Thùy, chủ xưởng sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ Cay San - Masuda, không có tiếng nói cười, chỉ tiếng máy chạy ro ro, tiếng nước chảy tí tách. Mỗi người một chiếc ghế nhỏ, ngồi cần mẫn xoay xoay, cắt cắt, mài mài, đánh bóng những vật dụng rất nhỏ dưới ánh đèn sáng chưng. Với bàn tay khéo léo, những miếng sừng cứng đơ, khô đét, chai lì được thổi hồn thành những con giống ngộ nghĩnh, những chiếc thìa nhỏ xinh xắn, hay chuỗi hạt đeo cổ, đeo tay mang nét đặc trưng riêng...
Vừa giới thiệu từng công đoạn để làm ra sản phẩm, ông Lê Văn Thùy vừa xâu chuỗi câu chuyện về sự phát triển nghề của gia đình. Trước kia, gia đình ông cũng chỉ sản xuất hàng lược sừng như bao gia đình trong làng. Năm 1995, có đoàn khách người Nhật Bản đến tham quan làng nghề, sau khi tận mắt chứng kiến các công đoạn làm ra sản phẩm, họ trầm trồ, yêu thích và đã kết nối với cơ sở của ông để tạo dựng thị trường bên Nhật. Từ đó đến nay, cơ sở của gia đình ông Thùy vẫn giữ được thị trường bên nước bạn, sản phẩm của ông là sản phẩm độc quyền, làm theo đặt hàng của người Nhật và chỉ xuất sang Nhật Bản, không bán ở bất cứ nơi nào khác.
“Từ năm 1995 đến nay, cơ sở của tôi luôn giữ được uy tín, thương hiệu trong sản xuất đồ truyền thống mỹ nghệ từ sừng và hiện đang sản xuất khoảng 2.000 mã hàng cho các khách hàng Nhật Bản. Chúng tôi vẫn đang nghiên cứu để mở rộng thị trường, cố gắng để thương hiệu làng nghề Thụy Ứng đi xa, vang xa hơn nữa” - ông Lê Văn Thùy chia sẻ.
Cũng mang thương hiệu của người làng nghề Thụy Ứng, nhưng nhiều người trẻ nơi đây đã có những bước đi mới, làm đa dạng hơn sản phẩm làng nghề. Anh Hoàng Văn Thưởng, Giám đốc Công ty TNHH xuất nhập khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Thưởng Cơ không đi theo hướng sản xuất hàng truyền thống của làng nghề mà rẽ sang một nhánh khác. Cũng là sừng các loài động vật, nhưng anh không chế tác các sản phẩm từ sừng, mà biến chúng thành những vật phẩm sừng cảnh trang trí, treo trong nhà, như sừng bò, sừng nai đỏ, sừng hươu, sừng linh dương, sừng tùng lộc...
Chỉ vào hàng loạt sản phẩm trong gian hàng, anh Hoàng Văn Thưởng cho biết: “Đây không phải là nghề truyền thống của làng Thụy Ứng, nhưng qua tìm hiểu và nắm bắt thị hiếu người chơi, tôi đã tìm hướng đi cho riêng mình. Tôi nhập các loại sừng thú từ nhiều nước trên thế giới, về gia công qua nhiều công đoạn, nhồi bông, thuộc da... và hoàn thiện thành đầu những con thú với những cặp sừng đẹp, ngạo nghễ. Trước kia, thị trường Trung Quốc tiêu thụ khá tốt, họ đến tận nơi đặt hàng. Vài năm nay, kinh tế trầm lắng nên thị trường không ổn định. Tuy nhiên, đây là thú chơi của không ít người nên vẫn có dòng khách riêng...”.
Vì một mục tiêu xa hơn
Thị trường hàng thủ công mỹ nghệ dù không ít phen thăng trầm nhưng vẫn có một sức sống riêng. Phát huy hơn nữa thế mạnh đó, UBND thành phố Hà Nội đã công nhận Thụy Ứng là Điểm du lịch làng nghề lược sừng Thụy Ứng. Nói về chủ trương này, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Bình Nguyễn Việt Hùng thông tin: Huyện Thường Tín và xã Hòa Bình phấn đấu đến năm 2030 là địa phương phát triển du lịch và phát triển công nghiệp làng nghề. Để đạt được mục tiêu đó, hiện xã đã lập phương án phát triển điểm du lịch làng nghề thành 2 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 thực hiện quy hoạch 7ha, giai đoạn 2 sẽ thực hiện quy hoạch 23ha.
”Xã đang tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân thôn Thụy Ứng chủ động và tích cực tham gia thực hiện các giải pháp để từng bước phát huy vai trò của điểm du lịch làng nghề trong việc quảng bá, nâng cao chất lượng, giá trị các sản phẩm làng nghề.” - ông Nguyễn Việt Hùng cho biết thêm.
Từ dòng sản phẩm truyền thống lược sừng, hiện nay, làng nghề đã sản xuất hàng nghìn mã sản phẩm khác nhau. Những chiếc sừng trâu, bò đen đúa, xù xì, qua hàng chục công đoạn xử lý, dưới bàn tay khéo léo và óc sáng tạo của người thợ đã biến thành những vật dụng gắn liền với cuộc sống đời thường. Sản phẩm của làng nghề không chỉ ghi dấu ấn trong lòng người Việt mà còn có mặt ở nhiều thị trường lớn trên thế giới như: Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, châu Âu… Nối tiếp những lớp nghệ nhân của làng, nhiều người trẻ cũng đang tiếp tục bám nghề, đưa nghề vươn xa hơn đến những thị trường tiềm năng...
Với hơn 500 hộ làm nghề, người dân Thụy Ứng hân hoan và mong muốn xã sớm trở thành một địa chỉ du lịch làng nghề uy tín. Song, đó là câu chuyện của tương lai. Còn hiện tại, người Thụy Ứng đang phải đối diện với những câu chuyện cũ, kéo dài đã nhiều năm. Đó là việc chưa có quỹ đất riêng dành cho sản xuất và vấn đề ô nhiễm môi trường chưa được khắc phục triệt để... Với thực trạng này, để trở thành điểm du lịch làng nghề thì còn nhiều trăn trở, băn khoăn cần được tháo gỡ, giải quyết.
Phát triển thành điểm du lịch làng nghề là một đích đến lớn, đúng đắn. Song ngay từ lúc này, các cơ quan chức năng cần tập trung nguồn lực đầu tư về mặt bằng sản xuất, hạ tầng.... Đó là những yếu tố cơ bản nhất, giúp làng nghề cởi bỏ “tấm áo chật”, lấy đà bứt phá để Thụy Ứng ngày càng phát triển, trở thành điểm du lịch làng nghề tiêu biểu của Thủ đô.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.