(HNM) - Đại đoàn kết toàn dân tộc là đường lối chiến lược, là nguồn sức mạnh và là động lực chủ yếu của cách mạng Việt Nam. Bằng nhiều biện pháp và hình thức khác nhau, MTTQ Việt Nam TP Hà Nội đã thể hiện vị trí, vai trò quan trọng trong việc tập hợp các giai cấp, dân tộc, tôn giáo, các tầng lớp trong xã hội.
Phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc là công việc đồng thời là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, trong đó các tổ chức cơ sở đảng đóng vai trò hạt nhân lãnh đạo. Xác định hạt nhân ấy có vững mạnh mới có "lực hút", bảo đảm khối đại đoàn kết toàn dân tộc vững mạnh, nhiệm kỳ qua MTTQ các cấp của TP Hà Nội đã đóng góp vai trò quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Cụ thể, MTTQ và các tổ chức thành viên đã xây dựng chương trình, chủ động phối hợp chính quyền các cấp tổ chức hoạt động phản biện xã hội những vấn đề nóng, liên quan trực tiếp đến đời sống người dân cũng như hoạch định đường hướng phát triển KT-XH. Chỉ riêng trong 3 năm qua, ở cấp thành phố đã có 46 hội nghị phản biện xã hội, tham gia góp ý kiến vào các đề án, tờ trình, báo cáo của UBND và các sở, ban, ngành trước khi trình HĐND thành phố. Tại các quận, huyện như Hai Bà Trưng, Long Biên, Tây Hồ, Thanh Trì... thực hiện tốt công tác phản biện xã hội ngay từ cơ sở cũng giúp cho các địa phương tập trung trí tuệ của các tầng lớp nhân dân, đưa ra giải pháp hiệu quả đối với những vấn đề quan trọng trong phát triển KT-XH. Cùng với đó, việc củng cố, kiện toàn và nâng cao hiệu quả của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng ngay từ cơ sở đã góp phần phát huy vai trò làm chủ của người dân, phát hiện, ngăn chặn và phòng ngừa những vi phạm, tiêu cực trong các lĩnh vực; hạn chế tối đa và khắc phục kịp thời những sai phạm trong quản lý, điều hành. Với trên 50.000 cuộc giám sát được tiến hành trong phạm vi toàn thành phố thời gian qua, hơn 64 tỷ đồng và hơn 1 triệu mét vuông đất được kiến nghị thu hồi.
Thực hiện tốt chức năng giám sát và phản biện xã hội đã giúp nâng cao chất lượng, đồng thời phát huy hiệu quả quyết sách của các cấp chính quyền, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ và tạo sự đồng thuận cao về cách thức, biện pháp giải quyết đối với từng vấn đề, lĩnh vực cụ thể trong đời sống xã hội, vừa phù hợp với yêu cầu phát triển KT-XH trong điều kiện mới, vừa sâu sát với nguyện vọng và quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người dân. Qua đó thống nhất về nhận thức và hành động của khối đại đoàn kết toàn dân để giải quyết những vấn đề phức tạp, những việc mới, việc khó, chưa có tiền lệ... Ấy chính là góp phần thiết thực trong xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.
Về bề nổi, điều dễ nhận thấy là vai trò đáng ghi nhận của MTTQ từ thành phố tới cơ sở trong tuyên truyền, triển khai các phong trào, cuộc vận động. Bệnh hình thức, "đánh trống ghi tên", làm cho có đầu việc đã được cơ bản khắc phục. Điển hình là sau gần 5 năm thực hiện, cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" đã tác động tích cực đến toàn xã hội, làm thay đổi nhận thức của nhà sản xuất, nhà phân phối và người tiêu dùng; đồng thời thúc đẩy hàng Việt phát triển đáp ứng nhu cầu người dân. Có được kết quả đó là do Ban Thường trực MTTQ đã triển khai tuyên truyền sâu rộng tại cơ sở với cách thức thiết thực, đi vào lòng người. Chỉ riêng năm 2013, Sở Công thương đã tổ chức 38 phiên chợ Việt và 470 chuyến bán hàng lưu động tại các quận, huyện, thị xã; Tổng Công ty Thương mại Hà Nội tổ chức 200 điểm bán hàng lẻ, trợ giá một số sản phẩm theo chương trình bình ổn giá của thành phố, 300 gian hàng ngoài trời theo mô hình quầy hàng Tết... Các cuộc vận động khác như "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư"; "Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới"; thực hiện việc cưới, việc tang theo nếp sống văn minh... đã có những chuyển biến tích cực.
Đặc biệt Hà Nội là đơn vị duy nhất của cả nước hằng năm đều đặn tổ chức hội nghị đại biểu nhân dân ở cơ sở, thông qua đó để người dân phát huy vai trò, trách nhiệm của mình trong thảo luận và quyết nghị những vấn đề quan trọng liên quan đến việc phát huy dân chủ, đời sống dân sinh để xây dựng khu dân cư tiên tiến, tổ dân phố văn hóa, đặc biệt là hoàn thiện các quy chế, quy ước dân chủ, đoàn kết giúp đỡ nhau phát triển kinh tế... Các tổ chức thành viên của MTTQ như Hội Nông dân, Ủy ban Đoàn kết công giáo thành phố, Giáo hội Phật giáo thành phố... đã có nhiều hoạt động phong phú, thiết thực, sáng tạo nhằm thực hiện các chương trình do MTTQ đề ra, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh. Lấy ví dụ như cuộc vận động "Vì người nghèo" trên địa bàn thành phố, thời gian qua đã quyên góp được trên 177 tỷ đồng, hỗ trợ xây dựng và sửa chữa 14.756 căn nhà tình nghĩa với số tiền gần 100 tỷ đồng, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn thành phố từ 7,52% vào đầu năm 2011 xuống còn 2,6% vào cuối năm 2013.
Không ngừng củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, thời gian qua MTTQ các cấp và các tổ chức thành viên đã có nhiều đổi mới về phương thức và nội dung hoạt động, khẳng định vai trò quan trọng trong việc tập hợp trí và lực của toàn xã hội vào công cuộc xây dựng và phát triển Thủ đô.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.