Ngày 11-1, Trung Quốc thông báo đã hoàn tất thành công nhiệm vụ Hằng Nga 4 (Chang'e-4) sau khi là quốc gia đầu tiên hạ cánh xuống được vùng tối của Mặt trăng.
Tàu thăm dò vũ trụ không người lái Hằng Nga 4 của Trung Quốc. (Nguồn: THX/TTXVN) |
Với sự hỗ trợ của vệ tinh Queqiao-Cầu Ô Thước (Magpie Bridge), xe tự hành-Thỏ Ngọc 2 (Yutu-2) và bộ phận hạ cánh của tàu vũ trụ Hằng Nga 4 đã chụp được ảnh lẫn nhau. Theo Cơ quan Vũ trụ quốc gia Trung Quốc (CNSA), các công cụ khoa học trên tàu đều hoạt động tốt trong khi những hình ảnh tàu chụp và dữ liệu thám hiểm đều đã được gửi về trung tâm kiểm soát ở Trái đất.
Chiều cùng ngày, hình ảnh bộ phận hạ cánh và xe tự hành đã xuất hiện trên màn hình lớn của Trung tâm Kiểm soát không gian Bắc Kinh, với hình ảnh cờ Trung Quốc trên tàu đổ bộ và xe tự hành ở vùng tối của Mặt trăng. Các nhà khoa học đã tiến hành phân tích địa hình và mẫu vật tại khu vực tàu vũ trụ đáp xuống và lên kế hoạch khám phá thêm bằng xe tự hành trong tương lai.
Trước đó, ngày 3-1, tàu Hằng Nga 4 đã hạ cánh xuống khu vực có tọa độ 177,6 độ kinh Đông và 45,5 độ vĩ Nam ở hố thiên thạch Von Karman, vũng Aitken ở địa cực phía Nam thuộc vùng tối của Mặt trăng, trong khi xe tự hành tiếp cận bề mặt Mặt trăng vào tối cùng ngày. Sau khi xe tự hành và bộ phận hạ cánh chụp ảnh, tàu Hằng Nga 4 sẽ bắt đầu khám phá khoa học.
Việc tàu vũ trụ thăm dò Hằng Nga 4 của Trung Quốc hạ cánh xuống phần tối của Mặt trăng (là nửa Mặt trăng không bao giờ được nhìn thấy từ Trái đất) đã đánh dấu bước tiến lớn của Bắc Kinh trên con đường chinh phục vũ trụ và là sự kiện đi vào lịch sử vũ trụ thế giới khi lần đầu tiên một tàu thăm dò hạ cánh xuống phần tối của hành tinh này. Các nhiệm vụ của tàu Hằng Nga 4 gồm quan sát thiên văn, địa hình, địa mạo và thành phần khoáng chất của Mặt trăng và đo bức xạ neutron và các nguyên tử trung lập để nghiên cứu môi trường mặt tối của Mặt trăng.
Chương trình khám phá Mặt trăng của Trung Quốc mang tên Hằng Nga bắt đầu từ năm 2004, với việc bay vào quỹ đạo và hạ cánh trên Mặt trăng mang theo mẫu vật trở về Trái đất. Theo CNSA, chương trình này đã thành công 5 lần liên tiếp.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.