(HNMO) - Khoa học công nghệ đang làm thay đổi mọi lĩnh vực của đời sống, trong đó có ngành Y. Quan tâm sâu sắc đến con người và những tác động của công nghệ nói chung lên sự phát triển của xã hội, tác giả Luc Ferry đã nghiên cứu, khai thác và phân tích các vấn đề trên trong cuốn sách “Cách mạng siêu nhân hóa” qua một góc nhìn toàn cảnh và dễ hiểu. Ngày 26-3, cuốn sách đã được Nhã Nam và NXB Dân Trí giới thiệu đến độc giả.
Từ lâu, con người luôn có khao khát và tham vọng vượt qua các giới hạn về thể chất và trí tuệ của chính mình, thậm chí mơ ước loại bỏ mọi bệnh tật, hay trở thành bất tử. Tham vọng to lớn đó cũng là động lực cho y học và khoa học phát triển suốt nhiều thế kỷ qua nhằm phát minh những công nghệ mới, để giờ đây, thế giới đã đi được một chặng đường rất xa.
Với những tiến bộ nhanh như chớp của ngành phẫu thuật sinh học, công nghệ tế bào gốc, chỉnh sửa gen, công nghệ in 3D, robot, tự động hóa... và sự phát triển trên nhiều phương diện khác nhau của trí tuệ nhân tạo đã đưa thế giới dần bắt kịp những tham vọng tưởng như bất khả thi nhất, tạo nên một cuộc cách mạng chưa từng có trong lịch sử loài người: Cách mạng siêu nhân hóa, đưa con người trở thành “siêu nhân".
Từ nay trở đi, công nghệ cho phép xem xét nghề y dưới một góc độ mới, đó không chỉ còn là “chữa trị” đơn thuần, mà còn là “cải tiến” con người. Nếu y học trước kia là để chữa bệnh, tìm lại sự cân bằng cho cơ thể sau khi khỏi bệnh, thì giờ đây còn mang một mục đích khác là “tăng cường” cơ thể con người để đẹp hơn, khỏe hơn, sống lâu hơn, và thậm chí là thay đổi ở mức gen di truyền để loại bỏ mọi bệnh tật hay là “làm những việc mà những người ủng hộ phong trào siêu nhân hóa gọi là “nâng cấp” con người”, giúp con người được “trị liệu”, được “cải tiến”...
Những tiến bộ khoa học đang diễn ra nhanh chóng trong âm thầm được tác giả Luc Ferry đề cập đến trong cuốn sách với các chiều kích ít người biết đến. Song khi nghiên cứu phân tích dưới góc độ của một đời sống lý tưởng, không còn bệnh tật, nơi con người sẽ chỉ chết vì các tác động ngoại cảnh, tác giả đặt ra những câu hỏi lớn: Con người sẽ làm gì khi trở nên bất tử? Liệu những gì con người vẫn coi là quan trọng, quý giá có còn nguyên giá trị khi người ta biết rằng có tất cả thời gian trên đời cho riêng mình? Liệu con người có còn động lực để lao động, có còn gì để học nữa sau vô số thập kỷ tồn tại? Liệu có còn muốn chinh phục, khám phá, tiếp tục hoàn thiện bản thân? Tình yêu có trở nên nhàm chán?…
Những câu hỏi lớn đưa người đọc suy nghĩ đến việc cần chuẩn bị tâm thế cho những ngày mai như thế nào. Việc áp dụng các công nghệ tiên tiến đòi hỏi loài người phải có tư duy triết lý và đạo đức về tương lai của chính mình để đối mặt với một viễn cảnh đầy xáo trộn khi internet và công nghệ tác động đến mọi khía cạnh trong cuộc sống con người, cả về xã hội, kinh tế lẫn tinh thần.
Tác giả Luc Ferry, sinh năm 1951, là giáo sư triết học và chính khách nổi tiếng của Pháp, từng giữ cương vị lãnh đạo Bộ Thanh niên, Giáo dục quốc gia và Nghiên cứu của Pháp và nhiều cơ quan khác. Ông là tác giả của nhiều tiểu luận gây tiếng vang tại Pháp và là tác giả của cuốn sách “Học cách sống” được Nhã Nam phát hành lần đầu năm 2011, kể lại câu chuyện triết học của loài người từ thời cổ đại cho tới xã hội đương đại theo hình dung và cách thức của riêng ông, sử dụng triết học như một phương cách để con người giải tỏa mối lo âu, hướng về việc sống sao cho hạnh phúc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.