Công nghệ

Trong nghiên cứu khoa học: Rủi ro, thất bại... cũng có giá trị

Thu Hằng 05/09/2023 - 07:17

Nghiên cứu khoa học là hoạt động thử nghiệm để tìm ra cái mới, hữu ích cho đời sống sản xuất và xã hội. Đây là công việc đòi hỏi đầu tư nhiều nhưng có tính rủi ro cao.

Tuy nhiên, trong nghiên cứu khoa học ở Việt Nam, hiện vẫn chưa có phương án cho những trường hợp không thành công (về mặt khoa học). Bởi vậy giới khoa học kỳ vọng Văn bản số 690/TTg-KGVX của Thủ tướng sẽ góp phần giải quyết vấn đề này.

nghien-cuu.jpg
Hướng dẫn sinh viên nghiên cứu khoa học tại Trường Đại học Phenikaa.

Bản chất rủi ro trong nghiên cứu khoa học

Nghiên cứu khoa học là một công việc đầy rủi ro. GS.TS Lê Huy Hàm, nguyên Viện trưởng Viện Di truyền nông nghiệp cho rằng, nghiên cứu khoa học có thể thành công nhưng điều kiện sản xuất, điều kiện xã hội chưa chấp nhận sản phẩm mới, sự thay đổi mới, hoặc chúng ta chưa đủ trình độ, chưa đủ kinh phí để đưa vào ứng dụng... Đó cũng là rủi ro.

GS.TS Lê Huy Hàm ví dụ, năm 2014, các cán bộ Viện Di truyền nông nghiệp đi công tác, thực tập ở nước ngoài báo cáo về việc các nghiên cứu về chỉnh sửa gene trên cây trồng rất sôi động, Viện cần tiếp cận ngay. Nhóm đã đề xuất và được Bộ NN&PTNT phê duyệt thực hiện. Đến nay, nhóm nghiên cứu ở Viện Di truyền nông nghiệp đã chỉnh sửa thành công cùng lúc 2 gene liên quan đến bệnh bạc lá ở lúa. Thử nghiệm cho thấy, dòng lúa tạo ra đã kháng được hầu hết các chủng bạc lá chính ở khu vực miền Bắc.

Đó là thông tin rất tốt, vì bệnh bạc lá ở lúa hằng năm gây hại hàng trăm tỷ đồng cho sản xuất. Tuy nhiên, vì lúa là loại cây trồng xuất khẩu, phần lớn các nước chưa chấp nhận lúa chuyển gene, nên nghiên cứu mới dừng ở phòng thí nghiệm. Đó là rủi ro.

Trả lời câu hỏi của báo chí về khái niệm “độ trễ”, “sự rủi ro” trong nghiên cứu khoa học, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính và Kế hoạch (Bộ Khoa học và Công nghệ) Nguyễn Thị Thu Hiền nêu rõ: “Rủi ro trong nghiên cứu khoa học không nên hiểu đơn thuần là thất bại, bởi lẽ sự không thành công trong quá trình nghiên cứu cũng có giá trị tham khảo lớn. Cần hiểu rằng “độ trễ" và “rủi ro” là bản chất của nghiên cứu khoa học, cần được chấp nhận trong hoạt động nghiên cứu”.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt đã nhiều lần bày tỏ, không thể xảy ra trường hợp 100% nhiệm vụ, đề tài nghiên cứu đều thành công.

“Bản chất nghiên cứu là tìm cái mới, có tính thử nghiệm và không chắc chắn, có thể thành công hoặc không thành công. Nếu đã chắc chắn rồi thì không cần nghiên cứu nữa. Vì vậy, không nên coi nghiên cứu thất bại là một sự lãng phí. Đề tài nghiên cứu không thành công cũng là một đóng góp để làm rõ hướng đi cho cộng đồng khoa học trong các nghiên cứu khác. Việc yêu cầu các nghiên cứu phải bảo đảm thành công, nếu không thành công sẽ bị xử lý (như hoàn trả ngân sách, hạn chế tham gia hoạt động nghiên cứu...) sẽ làm suy giảm động lực sáng tạo và tinh thần dấn thân của các nhà khoa học”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Sẽ có cơ chế

Để hỗ trợ và khuyến khích đổi mới sáng tạo, phát huy được tài năng, chất xám của các nhà khoa học Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Văn bản số 690/TTg-KGVX yêu cầu các bộ, cơ quan liên quan rà soát, tham mưu, đề xuất sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách đột phá, các giải pháp toàn diện, hiệu quả để thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và khuyến khích đổi mới sáng tạo.

Trong văn bản quan trọng với sự phát triển của khoa học này, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã mở đường cho việc ban hành cơ chế đặc thù, chấp nhận rủi ro, thất bại trong nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng công nghệ và tập trung gỡ bỏ các rào cản hành chính trong quản lý hoạt động khoa học và công nghệ...

GS.TS Lê Huy Hàm nhìn nhận, để quản lý rủi ro, tránh tạo kẽ hở trong quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ cần phải có một cách tính toán, bàn bạc rất cặn kẽ. Đó là trách nhiệm của các nhà khoa học, của các hội đồng khoa học và các nhà quản lý.

Giáo sư Phan Tuấn Nghĩa, Trường Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, cách để hạn chế rủi ro ở một mức độ nhất định phụ thuộc vào các hội đồng khoa học. Khi hội đồng khoa học đã nhất trí thông qua một hồ sơ, các nhà quản lý có thể đặt niềm tin vào các nhà khoa học. Từ đó, giao trọng trách, nhiệm vụ, cơ chế, chính sách cho họ một cách thỏa đáng để các nhà khoa học có thể phát huy năng lực, khả năng để cống hiến.

Bộ Khoa học và Công nghệ đang tiến hành sửa các thông tư quy định về quản lý các chương trình, nhiệm vụ khoa học và công nghệ một cách đồng loạt để bảo đảm các thông tư có tính liên thông, đồng bộ với nhau.

Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết, Bộ đã bãi bỏ quy định các nhà khoa học là chủ nhiệm có nghiệm thu không đạt thì không được tiếp tục tham gia nhiệm vụ khoa học và công nghệ trong hai năm tiếp theo. Điều này thể hiện Bộ rất quan tâm đến tính đặc thù, tính rủi ro, độ trễ của ngành khoa học và công nghệ để có những quy định tiệm cận với tiêu chuẩn quốc tế.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Trong nghiên cứu khoa học: Rủi ro, thất bại... cũng có giá trị

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.