(HNM) - Sáng 15-2 (mùng 8 tết Bính Thân), nhiều địa phương, cơ quan, đơn vị và các tầng lớp nhân dân TP Hà Nội đã đồng loạt ra quân thực hiện
Lãnh đạo quận Hà Đông trồng cây tại trường THCS Kiến Hưng. Ảnh: Hoàng Hà |
Tại quận Hà Đông, hơn 500 cán bộ, giáo viên, học sinh và nhân dân có mặt từ sáng sớm tại Trường THCS Mậu Lương (phường Kiến Hưng) tham gia phát động "Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ". Chủ tịch UBND quận Hà Đông Vũ Ngọc Phụng cho biết: Tết trồng cây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của quận năm 2016. Phương châm của quận là trồng cây không thiên về số lượng, bảo đảm cây trồng được chăm sóc tốt và tính đến hiệu quả sử dụng phù hợp của từng loại cây trồng. Chẳng hạn, đường phố trồng các loại cây tán cao rộng, rễ ăn sâu như sao đen, lát hoa, sấu… Trong công sở, trường học, trồng các cây bóng mát đặc trưng như bàng, phượng, bằng lăng. Ở công viên, trồng những cây tạo cảnh đẹp như liễu, trúc đào. Năm 2016, quận Hà Đông phấn đấu trồng 20.000 cây xanh đô thị và cây ăn quả.
Tương tự, tại quận Tây Hồ, hơn 200 cán bộ, nhân dân và học sinh phường Xuân La đã có mặt trên đường Võ Chí Công tham gia lễ phát động Tết trồng cây. Với sự hướng dẫn của cán bộ chuyên môn, 186 cây dầu đường kính gốc 10 - 15cm, cao 6 - 7m đã được trồng đúng quy trình, kỹ thuật. Nhân dịp này, lãnh đạo quận Tây Hồ kêu gọi các cơ quan, đơn vị và mỗi người dân trên địa bàn tích cực tham gia trồng mới, bảo vệ và chăm sóc cây xanh, tập trung ở những khu vực vườn hoa, công viên, địa điểm sinh hoạt công cộng.
Dịp này, quận Cầu Giấy phát động trồng trên 200 cây bóng mát tại các trường học, khu đô thị nhằm giúp các em học sinh hiểu rõ ý nghĩa của Tết trồng cây cũng như vai trò của cây xanh trong đời sống hằng ngày. Theo kế hoạch, các đơn vị trên địa bàn quận Cầu Giấy bắt đầu trồng cây từ ngày 15-2 đến hết ngày 19-2. Tham gia lễ phát động Tết trồng cây, em Nguyễn Thị Mùi, sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho rằng: Việc trồng cây đầu năm mang ý nghĩa lớn đối với lớp trẻ. Cây xanh là một yếu tố tạo nên diện mạo và đời sống đô thị. Ngoài ra, trồng cây xanh còn có giá trị cung cấp ô xy, ngăn và lọc bụi, giảm tiếng ồn...
Tại các huyện ngoại thành, hoạt động trồng cây cũng diễn ra khá sôi nổi. Theo Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất Trần Đức Nguyên, "Tết trồng cây" đã đem lại nhiều lợi ích thiết thực. Mỗi năm, trên địa bàn huyện đã trồng hàng vạn cây phân tán, hàng chục nghìn cây ăn quả, phát triển du lịch sinh thái. Tại các xã như Tiến Xuân, Yên Bình, Yên Trung… đời sống người dân đã được cải thiện từ việc trồng rừng thay thế và phát triển kinh tế dưới tán rừng. Năm 2015, huyện Thạch Thất đã trồng 37.900 cây phân tán các loại (đạt 122% kế hoạch thành phố giao), trồng bổ sung được 154,4ha rừng. Năm 2016, huyện Thạch Thất phấn đấu trồng 25.000 cây phân tán, cây ăn quả và trồng bổ sung 150ha rừng.
Tại huyện Đan Phượng, trước tết Nguyên đán, các cấp, ngành đã tuyên truyền sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của Tết trồng cây. Năm 2016, huyện phấn đấu trồng mới 27.000 cây xanh phân tán và cây ăn quả như: Nhãn muộn, bưởi tôm vàng, táo…
Trong ngày 15-2, các huyện Chương Mỹ, Phúc Thọ, Sóc Sơn, Mỹ Đức... cũng ra quân phát động Tết trồng cây… Trưởng phòng Trồng trọt (Sở NN&PTNT Hà Nội) Nguyễn Thị Thoa cho biết: Nét mới trong phong trào trồng cây năm nay là tùy theo điều kiện của mỗi địa phương để triển khai cho phù hợp và hiệu quả, bảo đảm thiết thực, tiết kiệm. Đối với khu vực ngoại thành, tập trung trồng các loại cây bóng mát kết hợp trồng cây ăn quả như; khu vực nội thành tập trung trồng các loại cây xanh đô thị như lát hoa, trám, sao đen, mỡ. Các địa phương có rừng như Sóc Sơn, Ba Vì, Thạch Thất, Chương Mỹ, thị xã Sơn Tây... đi đôi với trồng cây, trồng rừng còn chú trọng công tác quản lý, bảo vệ rừng, khai thác hợp lý, tăng cường tuần tra, kiểm soát xử lý nghiêm các hành vi vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng, góp phần nâng độ che phủ rừng. Năm 2016, toàn thành phố phấn đấu trồng hơn 800.000 cây xanh phân tán, trong đó mỗi địa phương trồng 20.000 - 50.000 cây xanh.
Bộ NN&PTNT cho biết phong trào Tết trồng cây, trồng rừng, bảo vệ rừng có sức lan tỏa ngày càng sâu rộng. Ngay những ngày đầu năm 2016, các địa phương đã tích cực triển khai phong trào Tết trồng cây, trồng rừng, trồng cây ăn quả, cây lấy gỗ, lấy bóng mát... phù hợp với điều kiện từng nơi, góp phần phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.