(HNM) - Có lẽ ngay từ tựa giới thiệu
Jostein Gaarder, tác giả cuốn sách là một nhà giáo, nhà văn người Na Uy, từng có quan điểm "Tôi nghĩ trí tò mò con trẻ đã bị hệ thống nhà trường làm thui chột, chứ mỗi chúng ta bẩm sinh đều là một triết gia". Jostein Gaarder tốt nghiệp Đại học Oslo chuyên ngành ngôn ngữ, thần học và lịch sử tư tưởng, từng dạy triết học ở trường phổ thông nhiều năm. Ông có 18 cuốn sách thì hết thảy đều đậm tính kỳ ảo, triết luận, trong đó những cuốn nổi tiếng nhất đều viết cho thiếu nhi. "Thế giới của Sophie" là một tác phẩm như thế.
Sophie là học sinh vừa bước qua tuổi 14, như chúng bạn cùng lứa, cô bé luôn từ trường về với rất nhiều câu hỏi "Thế giới bắt nguồn từ đâu?", "Tới một lúc nào đó, phải có cái gì đó nảy sinh từ hư vô?"… Ngày nọ, cô nhận được bức thư của một người lạ mặt, một giáo sư triết học. Và kể từ đó, đều đặn hơn, từ hòm thư gia đình và tại những địa điểm quy ước, Sophie nhận được những lá thư, băng video, bài giảng đầy cuốn hút về 3.000 năm lịch sử triết học với lớp lớp những gương mặt triết gia, các thời kỳ biến động của lịch sử, văn hóa liên quan đến "nguồn gốc của vũ trụ, của trái đất, của sự sống"…
Các phụ huynh cũng phải hoa mắt khi lướt qua mục lục với những "Sokrates", "Platon", "Descartes", "Kant", "Chủ nghĩa lãng mạn", "Thế kỷ khai sáng", "Vụ nổ lớn", "Thời Trung cổ"… Sẽ có câu hỏi, liệu trẻ có thể tiếp thu được một lượng kiến thức dày đặc, lại vốn được xem là "hàn lâm", "khô khan" như lịch sử triết học? Nhưng có lẽ đúng như tác giả, nhà văn Jostein Gaarder đã bày tỏ trong cuộc đồng hành thú vị của ông với nhân vật Sophie, rằng "Triết gia với trẻ em có một phẩm chất chung, đó là luôn ngạc nhiên trước thế giới"…
Dễ hiểu là mỗi chương luôn được bắt đầu bằng những lá thư với hàng loạt câu hỏi, thứ mà tác giả vốn là một nhà giáo đã nhận thấy trong mỗi đứa trẻ và hết sức tận dụng nó. Gaarder nói với độc giả thiếu niên một cách thân tình, khéo léo như một người thầy, người cha. "Người ta kể rằng mẹ của Sokrates là bà đỡ và ông so sánh công việc triết học của mình với "phép đỡ đẻ". Thật thế, không phải bà đỡ cho ra đời một đứa trẻ. Bà chỉ có mặt ở đó để giúp cho việc sinh nở mà thôi. Cũng như vậy, công việc của Sokrates là "đỡ đẻ" cho những trí tuệ sinh ra tư tưởng đúng. Hiểu biết đích thực chỉ đến từ bên trong mỗi người…" hoặc "Tôi chỉ làm trong khả năng của tôi để giúp em khám phá những nguồn cội lịch sử của em. Chỉ với cái giá đó em mới là một con người, nghĩa là cái gì khác hơn một con vượn trần trụi. Chỉ với cái giá đó em mới tránh khỏi bồng bềnh trong chân không"… Bên cạnh những dẫn dắt về tư tưởng, không ít trang viết mang đến những thông tin thú vị về những gì có nguồn gốc ngàn năm nhưng vẫn đang hiện diện trong thời hiện đại: "Mái trường triết học do Platon sáng lập ra đời trong khu vườn mang tên người anh hùng Hy Lạp Akademos. Vì thế nó có tên gọi Akademia (viện hàn lâm). Từ đó đến nay vô số viện hàn lâm được thành lập trên thế giới và chúng vẫn còn dùng từ đó để nói về giới hàn lâm…".
Có thể nói, việc đưa triết học đến gần với tuổi thiếu niên không chỉ là việc riêng của "nhập môn triết học" mà bản thân nó là việc thực sự cần thiết cho mỗi người trong hành trình sống của mình. Một hành trình sống với câu hỏi mà Sophie và người thầy nhiều bí ẩn của mình dù đi xa tới đâu cũng quay về để băn khoăn và tìm cách giải đáp "Con người phải làm gì để được sống một cuộc sống hạnh phúc?"...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.