Đau đáu, trăn trở muốn viết về quê hương giàu truyền thống cách mạng và văn hóa của mình - vùng đất bãi sông Hồng - Tứ Tổng, nay là phường Tứ Liên, quận Tây Hồ, Hà Nội, nhà văn, nhà báo Nguyễn Thế Nghiệp đã cho ra mắt cuốn tiểu thuyết “Tứ Tổng” với 17 chương mô tả chân thật về mảnh đất, con người nơi đây.
Cốt truyện là lịch sử phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân Tứ Tổng. Trước Cách mạng Tháng Tám, Tứ Tổng là một trong những trung tâm của phong trào cách mạng ở Hà Nội, nhiều cán bộ thường xuyên về đây tuyên truyền, vận động, xây dựng cơ sở cách mạng. Trong Cách mạng Tháng Tám, tự vệ, công nhân cứu quốc và nhiều người dân Tứ Tổng đã tham gia các đoàn biểu tình cướp chính quyền trong thành phố, góp phần vào thắng lợi của cuộc Tổng khởi nghĩa. Trong những ngày đầu Toàn quốc kháng chiến, tự vệ, du kích và nhân dân Tứ Tổng tích cực tham gia chiến đấu và phục vụ kháng chiến. Bến đò Tứ Tổng trở thành địa danh nổi tiếng khi được chọn làm nơi đưa các chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô sau 60 ngày đêm chiến đấu anh dũng "quyết tử để Tổ quốc quyết sinh" rút khỏi Hà Nội, vượt sông Hồng để đi vào cuộc kháng chiến trường kỳ.
Tiểu thuyết "Tứ Tổng" của nhà văn Nguyễn Thế Nghiệp đã tái hiện sinh động và chân thực phong trào đấu tranh cách mạng của quân dân Tứ Tổng với những người con quê hương trung dũng, kiên cường, mưu trí, dũng cảm, nhân nghĩa. Các nhân vật đều được lấy từ nguyên mẫu cán bộ, dân quân, du kích và những người dân lao động hiền lành, chất phác. Đặc biệt trong đó có nhân vật Hoàng Tân là nguyên mẫu của ông Hoàng Văn Nhân - Cán bộ lão thành cách mạng, từng là Tổ trưởng Tổ công nhân cứu quốc Tứ Tổng trước Cách mạng Tháng Tám, là Trưởng Miền A, Trưởng Miền C khu Lãng Bạc, là Bí thư đầu tiên của các tổ chức Đảng ở Tứ Liên, Quảng An, Nhật Tân, Võng Thị trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Bên cạnh đó, tác giả cũng xây dựng tuyến nhân vật phản diện là những chủ xưởng gỗ và bọn tay sai của thực dân Pháp mà điển hình là Quận trưởng Tính và Tó Đen, với những tính cách điển hình là lưu manh, xảo trá, tàn bạo.
Tác giả cũng rất khéo đan cài tình yêu đôi lứa trong tiểu thuyết. Những mối tình nảy sinh, phát triển trong phong trào đấu tranh cách mạng, như tình yêu giữa Hoàng Tân, người cán bộ cách mạng và Xuân, con gái Chánh hội Dịch Vọng. Để đến được với người mình yêu, Xuân đã phải bước qua lễ giáo phong kiến, trả lại trầu cau cho gia đình nhà trai - người mình không yêu để đến với Tân.
Bằng lối kể chuyện đại chúng, đời thường cùng những câu hội thoại ngắn gọn, sâu sắc làm nổi bật tính cách nhân vật và sự kiện được đề cập, tiểu thuyết "Tứ Tổng" của nhà văn Nguyễn Thế Nghiệp cho độc giả hiểu thêm về vùng đất, con người huyền thoại, về cuộc đấu tranh cách mạng và chiến đấu gian khổ, nhưng vô cùng anh dũng, kiên cường của quân dân Tứ Tổng - Tứ Liên, góp phần vào thắng lợi vẻ vang của quân dân Thủ đô Hà Nội trong Cách mạng Tháng Tám và kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.