(HNM) - Khác với mỹ thuật tạo hình đã có đến gần hai chục lần triển lãm quy mô toàn quốc, ngành mỹ thuật ứng dụng đến nay mới tổ chức được ba kỳ. Sự non trẻ về
Một chút tiếc nuối
Triển lãm giới thiệu 189 tác phẩm được chọn lọc từ 459 tác phẩm dự thi, con số không lớn sau 5 năm (2009 - 2014) dành cho sự sáng tạo. Ngay cả Ban tổ chức cũng thừa nhận rằng, triển lãm chưa thể giới thiệu hết những thành quả, tinh hoa của mỹ thuật ứng dụng Việt Nam hiện nay. Phần lớn những người am hiểu về ngành này, cả về sáng tạo và những "chuyện bên lề", đều nói rằng không dễ để các tác giả đưa tác phẩm của mình đến dự thi, đặc biệt là những gì được coi là "tinh túy". Họ sợ bị "sao chép". Những đơn đặt hàng giúp duy trì nguồn sống và niềm đam mê sáng tạo nhưng cũng là rào cản đối với
ước muốn mang sản phẩm đến triển lãm…
Nói về số lượng, dễ thấy là số tác giả - tác phẩm của Hà Nội và Huế (hai địa phương có đội ngũ nghệ nhân và làng nghề thủ công lớn) chiếm thế áp đảo. Thực tế đó phản ánh sự hạn chế khác: Các tác phẩm dự triển lãm thiên về thủ công, "khối" thiết kế công nghiệp, máy móc, phương tiện… rất thưa vắng.
Một điều nữa, các nghệ sĩ thường phàn nàn rằng, các tổ chức, cơ quan văn hóa dành sự chú ý khiêm nhường đối với mỹ thuật ứng dụng. Vậy mà đến kỳ triển lãm quy mô lớn 5 năm mới có một lần, như lời Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật Trần Khánh Chương - Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, thì không có nhiều nghệ nhân, họa sĩ có tiếng, có chuyên môn cao tham dự.
Thú vị, "dễ xem"
Triển lãm mỹ thuật ứng dụng là một không gian văn hóa khác so với triển lãm làng nghề, triển lãm hàng thủ công mỹ nghệ - điều đã được thể hiện rõ tại Triển lãm Mỹ thuật ứng dụng toàn quốc lần thứ III. Ở đây, cần phải ghi nhận nỗ lực của Ban tổ chức nhằm tôn vinh mỹ thuật. Triển lãm diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (66 Nguyễn Thái Học, Hà Nội) - nơi được cho là "thánh địa" của ngành mỹ thuật, các tác phẩm được đặt đúng vị trí, khác nhiều với lối bày "sắp hàng" ở hội chợ. Ví dụ, bộ đèn ngủ được đặt ở góc phòng, tạo không gian ấm áp; những tác phẩm trang sức được bày trên thân hình manoquin; bộ bàn trà đặt ở giữa phòng trưng bày, lọ trang trí hay tấm phù điêu cũng có không gian trưng bày phù hợp…
Đây là triển lãm mà các tác phẩm khá gần gũi với đời sống, có thể sử dụng ngay, dễ xem và dễ hiểu đối với phần đông công chúng. Hơn nữa, là một cuộc quy tụ tác phẩm cấp quốc gia trong một chu kỳ 5 năm, triển lãm phần nào chọn lọc và phản ánh được tính thẩm mỹ, bản sắc Việt. Các tác phẩm sử dụng nhiều chất liệu truyền thống: mây tre, gốm sứ, sơn mài, gỗ, giấy, da, kim loại, vải, lụa, thổ cẩm, bột nặn… để làm nên các thiết kế tem, hộp quà tặng, giá nến, lịch, biểu trưng, bao bì sản phẩm, trang sức, trang phục, nội thất.... Có cả thiết kế hình linh vật đẹp, sắc sảo, thuần Việt, có thể sử dụng trên cột trụ ở đình, chùa… Sự tinh xảo trong từng sản phẩm, cách khai thác tốt vẻ đẹp của chất liệu… đủ để người xem hài lòng. Bởi thế, không nhầm nếu coi đây là một triển lãm thú vị.
Diễn ra trong hai tuần, từ nay đến hết ngày 3-12, Ban tổ chức kỳ vọng thu hút được lượng người xem đông đảo, coi đó là cơ hội đích thực để thay đổi quan niệm về tầm quan trọng của ngành mỹ thuật ứng dụng. Nhìn xa hơn, triển lãm như sợi dây kết nối, tạo ra những cái "bắt tay" giữa tài năng thiết kế mỹ thuật ứng dụng với các doanh nghiệp, làng nghề...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.