Công nghiệp văn hóa

Triển lãm ảo: Cơ hội đưa mỹ thuật Việt ra thế giớiĐặt nền móng cho một thị trường mỹ thuật hiện đại

An Định 15/10/2023 - 12:31

Sáng 3-10, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam ra mắt Không gian triển lãm mỹ thuật trực tuyến (Virtual Art Exhibition Space - VAES). Được giới thiệu là không gian trưng bày ảo đầu tiên của Việt Nam, VAES mở ra nhiều cơ hội cho các tác giả giới thiệu, quảng bá tác phẩm và công chúng thưởng thức nghệ thuật. Hoạt động này được kỳ vọng đặt nền móng cho một thị trường mỹ thuật hiện đại, tiệm cận trình độ quốc tế.

tl-ao-1.jpg
Phần lớn những sáng tác mới của các họa sĩ Việt ít được biết đến rộng rãi trên thế giới bởi thiếu vắng những kênh quảng bá hiệu quả. Ảnh: Nguyên Sơn

Không gian triển lãm ảo đầu tiên

Khi quét mã QR hoặc truy cập đường link https://vnfam.trienlamao.net khán giả sẽ bước vào “bảo tàng ảo” đầu tiên của Việt Nam - Không gian triển lãm mỹ thuật trực tuyến (Virtual Art Exhibition Space - VAES) do Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam xây dựng. Dự án vừa được ra mắt nhân kỷ niệm Ngày chuyển đổi số quốc gia 10-10.

Đây là không gian ảo cho phép bảo tàng và tác giả triển lãm các bộ sưu tập của mình theo cách giống như các phòng tranh vật lý hiện nay. Tại không gian này, khán giả sẽ có hành trình tham quan giống như thật với các bước di chuyển trong không gian ảo, đến các phòng triển lãm, tìm vị trí tác phẩm, xem tác phẩm và giới thiệu chi tiết từng tác phẩm theo chỉ dẫn. Không gian ảo nhưng mang lại trải nghiệm hấp dẫn cho người xem nhờ các tính năng như điều khiển góc nhìn, phóng to, tương tác 3D.

Được biết, VAES là kết quả hợp tác giữa Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và Công ty Cổ phần Vietsoftpro với mục đích đưa nghệ thuật đến gần hơn với công chúng và ứng dụng chuyển đổi số nhằm giới thiệu, quảng bá nền văn hóa, nghệ thuật Việt Nam. Là không gian triển lãm mỹ thuật trên nền tảng số, VAES có thể giúp các nghệ sĩ vừa giới thiệu, quảng bá, lưu giữ tác phẩm của mình, vừa có thể giao lưu, kết nối, tăng cơ hội gặp gỡ công chúng yêu nghệ thuật và các nhà sưu tầm trong nước, quốc tế.

Ông Hoàng Quốc Việt - Giám đốc, Chủ tịch Công ty Cổ phần Vietsoftpro đánh giá: “Cuộc cách mạng công nghệ số đang tác động mạnh mẽ đến tất cả các lĩnh vực, trong đó có nghệ thuật, tạo ra sự thay đổi về môi trường tương tác đa chiều giữa người sáng tác và người hưởng thụ. Thành tựu công nghệ số đã đem lại những thuận lợi cho công chúng trong tiếp cận, thưởng thức nghệ thuật, đồng thời cũng đòi hỏi nghệ sĩ phải thích ứng để phát triển. Nghệ thuật và công nghệ đã kết hợp với nhau với ý tưởng tạo ra một sân chơi ngang tầm khu vực và quốc tế”.

tl-ao-2.jpg
Lễ ra mắt Không gian triển lãm mỹ thuật trực tuyến (Virtual Art Exhibition Space - VAES).

Bắt nhịp với thế giới

Có thể nói, VAES là không gian trưng bày ảo đầu tiên của Việt Nam được thực hiện một cách bài bản, công phu. Trước đó, nhiều bảo tàng trong nước đã giới thiệu đến công chúng các triển lãm ảo, các phòng trưng bày trực tuyến dựa trên các bộ sưu tập sẵn có tại bảo tàng. Chẳng hạn, tour tham quan 360 độ tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, Bảo tàng Lịch sử quốc gia cũng ứng dụng nhiều loại công nghệ trong các hoạt động trưng bày, giáo dục, như công nghệ thực tế ảo 3D giới thiệu, trưng bày 3 chuyên đề: Di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam, Đèn cổ Việt Nam và Linh vật Việt Nam. Riêng tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam từ năm 2021 đến nay cũng có rất nhiều đổi mới trong công tác số hóa, trong đó có công nghệ tham quan trực tuyến 3D Tour (tiếng Việt và tiếng Anh), được tích hợp trên website của bảo tàng (vnfam.vn).

Tuy nhiên, không gian trưng bày ảo, nơi các họa sĩ có thể đặt hàng trưng bày của mình giống như ở phòng triển lãm thật vẫn là điều hết sức mới mẻ dù trưng bày ảo đã là xu hướng của thế giới, nhất là sau đại dịch Covid-19. Ông Fred Unger - Trưởng đại diện ILRI tại Đông Nam Á, một đối tác của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, đánh giá: “Bảo tàng số hiện là xu hướng trên thế giới, nhiều bảo tàng nổi tiếng thế giới đã xây dựng các bảo tàng ảo của mình. Vì thế, tôi thấy các bạn đã rất kịp thời nắm bắt hướng đi này. Bảo tàng số giúp mọi người có thể tham quan bất kỳ lúc nào và ở bất kỳ đâu, dù là thành phố hay nông thôn. Đây cũng là cách tốt để thúc đẩy, khơi gợi tình yêu nghệ thuật với công chúng trẻ”.

Giáo sư Susan Bayly (Đại học Cambridge, Vương quốc Anh) cũng nhận định: “Nền tảng triển lãm trực tuyến này là sự đổi mới ấn tượng, góp phần tăng cơ hội để các nghệ sĩ Việt Nam giới thiệu tác phẩm của mình tới công chúng quốc tế, cũng như cho thế giới thấy được nền nghệ thuật phát triển mạnh mẽ, đầy sức sống tại Việt Nam”.

tl-ao-3.jpg
Một không gian triển lãm ảo.

Cơ hội ra thế giới

Thực tế, lâu nay thông tin về sáng tác mới của các họa sĩ Việt ít khi được biết đến rộng rãi bởi họ thiếu vắng những kênh quảng bá hiệu quả. Khi tự đưa tác phẩm lên mạng xã hội, nghệ sĩ lại đối mặt với nguy cơ bị sao chép tác phẩm. Ít thông tin, ít kênh để kiểm chứng thông tin chính là một trong những lý do khiến tranh Việt bị sao chép rất nhiều trên thế giới, đặc biệt là những bức tranh có giá trị cao như các tác phẩm thời kỳ Mỹ thuật Đông Dương.

Chẳng hạn, năm 2019, nhà đấu giá Sotheby’s đưa 2 tác phẩm “Hai cô gái trước bình phong” của họa sĩ Trần Văn Cẩn và “Bức thư” của họa sĩ Tô Ngọc Vân lên sàn đấu giá trong khi bản gốc đang được lưu giữ và trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Hay bức “Nhà tranh gốc mít” (1958) của họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cũng bị làm nhái để đưa lên sàn đấu giá vào năm 2021... Việc đưa cả những tác phẩm nổi tiếng của các danh họa trước đây và những tác phẩm đương đại lên không gian trưng bày trực tuyến uy tín, đảm bảo chất lượng vừa là cách giới thiệu tác phẩm một cách hiệu quả, vừa là sự khẳng định về bản quyền trong mỹ thuật.

PGS.TS Lauren Meeker (Đại học bang New York SUNY, Hoa Kỳ) đánh giá: “Không gian triển lãm trực tuyến mới của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tạo thêm cơ hội cho công chúng quốc tế tìm hiểu nghệ thuật và văn hóa Việt Nam, nhất là trong bối cảnh những phương thức tiếp cận nền văn hóa nghệ thuật Việt Nam còn khá hạn chế như hiện nay. Đơn cử như khi tôi dạy đại học tại Mỹ, việc tìm kiếm tư liệu về mỹ thuật Việt Nam khá khó khăn. Giờ đây, nền tảng không gian triển lãm trực tuyến này cung cấp sẵn và lâu dài các thông tin, hình ảnh về tác phẩm mỹ thuật, là tư liệu quý giá cho việc giảng dạy của tôi. Việc sử dụng cũng khá đơn giản và dễ hiểu đối với học sinh, giáo viên và công chúng nói chung”.

Ngay trong buổi ra mắt, đã có 3 họa sĩ đăng ký làm triển lãm trên VAES. Điều này cho thấy sự quan tâm của nghệ sĩ trong nước với xu hướng mới mẻ này. Là một trong 3 bảo tàng có triển lãm mẫu trên VAES, bà Đinh Thị Hoài Trai - Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Huế nhận định: “Hiện nay, các bảo tàng tại Việt Nam nói chung và các bảo tàng Mỹ thuật nói riêng đều có định hướng và giải pháp để ứng dụng công nghệ số vào hoạt động của bảo tàng, trong đó có triển lãm trực tuyến. Không gian triển lãm mỹ thuật trực tuyến mới ra mắt của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đáp ứng được nhu cầu thực tế cũng như phát huy hiệu quả quảng bá giá trị các bộ sưu tập của các tổ chức, cá nhân tới công chúng trong và ngoài nước”.

Mặc dù mới là những bước đi đầu tiên, vẫn còn những điểm cần chỉnh sửa để hoàn thiện, song nhiều họa sĩ vẫn khẳng định đây là một bước tiến quan trọng trong lĩnh vực mỹ thuật, rất cần được ủng hộ, phát triển. “Việc phát triển hình thức bảo tàng trực tuyến, trưng bày các tác phẩm nghệ thuật trực tuyến có ý nghĩa to lớn, mang lại giá trị về mặt quảng bá, truyền thông. Khán giả và nhà nghiên cứu ở khắp thế giới có thể tiếp cận tác phẩm, xem xét, nghiên cứu về nền mỹ thuật của một đất nước”, PGS.TS Nguyễn Nghĩa Phương - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam khẳng định.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Triển lãm ảo: Cơ hội đưa mỹ thuật Việt ra thế giới Đặt nền móng cho một thị trường mỹ thuật hiện đại

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.