Những năm gần đây, việc phát triển các phòng trưng bày triển lãm, bảo tàng ảo là xu hướng chung của ngành bảo tàng thế giới. Tuy nhiên, đây còn là lĩnh vực hết sức mới mẻ ở Việt Nam và để lĩnh vực này thực sự phát triển, cần phải có sự thay đổi mạnh mẽ không chỉ về công nghệ kỹ thuật, mà cả trong nhận thức của nghệ sĩ cũng như công chúng. Hànộimới Cuối tuần xin chia sẻ ý kiến của một số chuyên gia, nghệ sĩ xung quanh vấn đề này.
Nghệ sĩ Nhân dân Vương Duy Biên - Phó Chủ tịch chuyên trách Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật Việt Nam:
Chất lượng tác phẩm được số hóa quyết định sự thành công
Lĩnh vực bảo tàng số, trưng bày ảo còn mới mẻ, nhưng là một nghệ sĩ, tôi cũng như các nghệ sĩ khác đều mong muốn rằng tác phẩm nghệ thuật mà mình sáng tạo ra phải đến được với công chúng. Tất cả các nghệ sĩ đều có nhu cầu giới thiệu tác phẩm của mình và trưng bày ảo là một kênh rất mới, giúp công chúng yêu nghệ thuật tương tác với nghệ sĩ, với tác phẩm một cách dễ dàng. Trước mắt, công nghệ này sẽ giúp địa chỉ Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam được nhiều người biết đến hơn, dễ dàng tiếp cận hơn. Điều này rất đáng quý bởi đây là địa chỉ đã lưu giữ rất nhiều tác phẩm tốt cho Nhà nước, những tác phẩm có thể nói là tiêu biểu cho lịch sử mỹ thuật Việt Nam ở nhiều thời kỳ.
Trong chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, đặc biệt là trong lĩnh vực mỹ thuật, đòi hỏi đầu tiên là làm thế nào xây dựng các thiết chế để có được thị trường mỹ thuật lành mạnh. Tôi cho rằng bảo tàng ảo là bước khởi đầu, cùng với nó, hệ thống các sàn đấu giá, bảo tàng tư nhân... sẽ cùng nhau tạo nên một môi trường mỹ thuật hấp dẫn hơn với công chúng, làm cho mỹ thuật không những là có tiếng, đứng vững ở thị trường Việt Nam mà còn lan tỏa ra quốc tế.
Khi chúng ta làm tốt thì dần dần sẽ có nhiều nghệ sĩ tham gia hơn, sức lan tỏa rộng hơn. Đây là cơ hội và tôi mong các công ty công nghệ sẽ kết hợp chặt chẽ với người nghệ sĩ, để làm thế nào nâng cao giá trị nghệ thuật của các triển lãm ảo, bên cạnh đó, cách tiếp cận phải thuận tiện, gần gũi, dễ dàng với công chúng nói chung. Chất lượng của tượng, của tranh được số hóa càng sát với chất lượng bản gốc càng tốt, nó sẽ giúp cảm nhận của công chúng chân thực hơn, giúp các nhà sưu tầm có đánh giá đúng về tác phẩm. Đây là điều rất quan trọng, có tính quyết định đối với thành công của một triển lãm, bảo tàng ảo.
Tiến sĩ Nguyễn Anh Minh - Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam:
Xu hướng tất yếu của thế giới và Việt Nam
Công nghệ số là xu hướng tất yếu, đang tác động mạnh mẽ tới các lĩnh vực của đời sống xã hội. Với lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, công nghệ số đang làm thay đổi cách thức tiếp cận, đặc biệt là trong việc phát huy giá trị di sản, làm cho nghệ thuật trở nên sống động, gần gũi hơn đối với công chúng. Con người không chỉ sử dụng mạng internet vào việc tìm kiếm thông tin, làm việc, mà còn để phục vụ nhu cầu mua sắm, giải trí trực tuyến... Đó là xu hướng mạnh mẽ trên phạm vi toàn cầu.
Trong bối cảnh đó, ý tưởng hình thành bảo tàng số được Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam ấp ủ trong một thời gian dài. Đặc biệt là khi dịch Covid-19 bùng nổ, các bảo tàng, triển lãm phải đóng cửa, công chúng yêu nghệ thuật không có cơ hội tiếp cận với các tác phẩm nghệ thuật. Mong muốn đưa những tác phẩm nghệ thuật đến gần với công chúng đã thôi thúc chúng tôi lên ý tưởng và xây dựng không gian triển lãm số.
Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam phối hợp với Công ty Vietsoftpro xây dựng dự án từ năm 2021 với hàng nghìn giờ lao động của đội ngũ chuyên gia công nghệ số và mỹ thuật. Sau 2 năm triển khai thực hiện, đến nay, chúng tôi đã ra mắt không gian triển lãm trực tuyến đầu tiên tại Việt Nam. Không gian triển lãm ảo VAES được xây dựng với 2 hạng mục lớn là tòa nhà hình hoa sen cách điệu - lấy ý tưởng hoa sen trong mỹ thuật cổ mô tả không gian vật lý sang trọng, bề thế, giàu tính nghệ thuật, và các không gian triển lãm bên trong được xây dựng với lộ trình và thiết kế phù hợp với từng nội dung trưng bày. Không gian số này được dựng 3D, mô tả không gian thực tế mà ở đó người nghệ sĩ có thể tìm cho mình cách trưng bày phù hợp với nhu cầu, tính cách sáng tạo, còn khách tham quan có thể tiếp cận các tác phẩm ở mọi lúc, mọi nơi trên thế giới.
Không gian triển lãm số đầu tiên giới thiệu 10 triển lãm, trong đó có 7 triển lãm thuộc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và các bảo tàng khác như Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, Bảo tàng Mỹ thuật Huế, và 3 triển lãm của cá nhân họa sĩ. 10 không gian triển lãm này được xây dựng dựa trên mô hình của các bảo tàng, triển lãm lớn trên thế giới, đem lại sự lựa chọn đa dạng cho các họa sĩ có mong muốn làm triển lãm trên không gian số của bảo tàng.
Việc xây dựng nội dung và vận hành thử nghiệm không gian triển lãm trực tuyến là bước đi đầu tiên, mạnh mẽ, sáng tạo của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam nhằm giới thiệu di sản mỹ thuật và sức sống mới của nền mỹ thuật nước nhà đến với đông đảo công chúng toàn cầu, với mong muốn xóa đi giới hạn về khoảng cách kết nối không gian. VAES còn là nơi chia sẻ thông tin về các tác phẩm giá trị đang được lưu giữ tại các bảo tàng mỹ thuật và sức sáng tạo không ngừng của đội ngũ họa sĩ đương đại.
Họa sĩ Đặng Việt Cường (một trong ba họa sĩ đầu tiên có triển lãm tranh trên không gian triển lãm mỹ thuật trực tuyến):
Thêm một không gian mới, một đời sống mới cho tác phẩm nghệ thuật
Đối với một họa sĩ, hạnh phúc lớn nhất là sáng tạo và giới thiệu các tác phẩm của mình đến với công chúng yêu nghệ thuật trong nước và quốc tế. Vì vậy, tôi cho rằng, đây là cách làm hết sức sáng tạo, kịp thời, thiết thực đối với các họa sĩ. Từ góc nhìn của họa sĩ về ý nghĩa, tầm quan trọng, tính thiết thực, kịp thời, tính sáng tạo của việc tạo lập bảo tàng trực tuyến, tôi nhận thấy mô hình này mang lại cho các họa sĩ một không gian mới, một cách thức mới trong việc lưu giữ, giới thiệu tác phẩm.
Thứ hai, mô hình này tạo thêm động lực để các họa sĩ tiếp tục sáng tạo tác phẩm nghệ thuật, tăng thêm cơ hội kết nối, gặp gỡ, giao lưu, tương tác giữa các họa sĩ với nhau và giữa họ với công chúng, nhà sưu tầm trong nước, quốc tế.
Thứ ba, nhờ tính ưu việt, sự đa dạng hóa thiết kế không gian, tạo lập các không gian thiết kế linh hoạt, không gian trưng bày nghệ thuật trên nền tảng số đã góp phần phản ánh bản sắc riêng có của từng triển lãm và phong cách, xu hướng sáng tác của cá nhân nghệ sĩ.
Mô hình triển lãm kỹ thuật số tạo thêm cơ hội để họa sĩ và tác phẩm của mình được giới thiệu, khẳng định giá trị trên thị trường quốc tế.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.