(HNM) - Thời gian qua, ngành Y tế thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai nhiều mô hình ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác khám, chữa bệnh tại các bệnh viện. Các ứng dụng thông minh đã làm tăng thêm giá trị cho các dịch vụ chăm sóc sức khỏe mà các bệnh viện cung ứng đến người dân.
Theo báo cáo của Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh, 37 sản phẩm công nghệ thông tin lọt vào vòng 2 đợt bình chọn Giải thưởng “Y tế thông minh” năm 2019 đã thể hiện sự năng động, sáng tạo về ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, vận hành và phục vụ tại các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố hiện nay.
Điển hình trong số đó là: Ứng dụng tra cứu nơi khám bệnh trên điện thoại thông minh (của Sở Y tế); đăng ký khám bệnh trực tuyến và các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt (Bệnh viện Đại học Y Dược); thân thiện hóa giọng đọc của máy khi gọi tên người bệnh (Bệnh viện quận 1); mô hình “bệnh viện số” (Bệnh viện quận Thủ Đức); ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo trong phẫu thuật nội soi...
Nhờ những ứng dụng thông mình này, nhiều cơ sở y tế đã tăng tính hiệu quả trong hoạt động. Đơn cử, Bệnh viện Nhân dân Gia Định luôn chủ động kịp thời ngăn chặn các nhóm người quá khích, có hành vi gây rối an ninh, trật tự trong bệnh viện.
Khi có sự cố, bất kỳ nhân viên nào cũng có thể kích hoạt “Code Grey” bằng cách bấm điện thoại bàn bằng số 9 hoặc số 333, gọi tổng đài bệnh viện. Nhân viên trực tổng đài bệnh viện khi nhận được cuộc gọi thì lập tức xác định loại thông tin khẩn cấp, sau đó chuyển thông tin qua nền tảng web đến tổng đài tự động.
Tại đây, thông tin báo động khẩn cấp sẽ được chuyển đồng loạt đến tất cả điện thoại di động của các cá nhân thuộc các bộ phận khác nhau trong bệnh viện được phân công chịu trách nhiệm giải quyết sự cố về an ninh, trật tự... Toàn bộ quy trình xử lý thông tin chỉ diễn ra chưa đến 1 phút.
Tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định, ngoài “Code Grey”, hệ thống “Auto Call” của bệnh viện còn có “Code Blue” dành cho hỗ trợ khẩn cấp ngưng tim, ngưng thở, “Code Red” dành cho hỗ trợ khẩn cấp cháy nổ và “Báo động đỏ” dành cho hỗ trợ khẩn cấp khi có bệnh nhân nguy kịch.
Nói về việc đưa các ứng dụng thông minh vào bệnh viện, bác sĩ Nguyễn Minh Quân, Giám đốc Bệnh viện quận Thủ Đức cho hay, khi ứng dụng công nghệ thông tin, việc quản lý bệnh viện trở nên dễ dàng hơn và hiệu quả hơn. Giám đốc bệnh viện không cần phải luôn túc trực tại bệnh viện nhưng vẫn có thể theo dõi, nắm tình hình hoạt động và đưa ra các chỉ đạo từ xa. Quan trọng hơn, mọi hoạt động của nhân viên y tế đều diễn ra công khai, minh bạch trước người dân, làm tăng sự hài lòng, tăng niềm tin của bệnh nhân đối với bệnh viện.
Đánh giá về các các ứng dụng thông minh của ngành Y tế thành phố, PGS.TS, bác sĩ Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh nhận định, ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ sở y tế đã được đẩy mạnh. Trên nền tảng hạ tầng công nghệ thông tin "thành phố thông minh" mà UBND thành phố Hồ Chí Minh đang xây dựng, Sở Y tế cũng thực hiện xây dựng Kho dữ liệu tập trung của ngành Y tế, trong đó nổi bật là sử dụng Blockchain (hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin) trong lập và quản lý hồ sơ sức khỏe điện tử của người dân.
Tuy nhiên, trong khi thế giới đã sử dụng đến trí tuệ nhân tạo trong quản lý khám, chữa bệnh, chúng ta vẫn còn loay hoay với ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa. Vì thế, để thay đổi rất cần sự quyết tâm cao độ của cả hệ thống y tế thành phố, để nâng chất lượng phục vụ người bệnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.