(HNM) - Để nâng cao hiệu quả đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, năm 2021, Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) tổ chức nhiều hoạt động hướng dẫn triển khai Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi), có hiệu lực từ ngày 1-1-2022.
Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) có nhiều điểm mới, nên công tác tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện cần được chuẩn bị kỹ lưỡng. Trong đó, điểm mới đáng chú ý là doanh nghiệp được cấp giấy phép hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài phải có vốn từ 5 tỷ đồng trở lên, có trang thông tin điện tử, người đại diện phải có ít nhất 5 năm kinh nghiệm. Từ năm 2022, người lao động sẽ không phải hoàn tiền môi giới cho doanh nghiệp dịch vụ, chỉ phải trả một phần chi phí dịch vụ; đồng thời được hưởng các lợi ích trong hợp đồng lao động, hợp đồng đào tạo nghề.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.