Theo dõi Báo Hànộimới trên

Triển khai dự án thu giá không dừng: Không lùi tiến độ

Lương Ninh Giang| 09/03/2018 07:22

(HNM) - Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ GT-VT Nguyễn Văn Thể tại cuộc họp kiểm điểm tiến độ dự án thu giá tự động không dừng trên quốc lộ 1 và quốc lộ 14 (đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên) mới đây.

Đến hết năm 2018, toàn bộ các trạm trên quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh phải thu giá không dừng và đến hết năm 2019 áp dụng với toàn bộ các trạm trên toàn quốc, theo chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.



Dự án thu giá tự động không dừng do Công ty TNHH Thu phí tự động VETC đầu tư, được Bộ GT-VT cho phép triển khai từ năm 2016 theo lộ trình từ năm 2016 đến 2019, áp dụng cho tuyến quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên, với 28 trạm thu giá trên toàn quốc áp dụng thu phí tự động 2 làn và sau năm 2019 sẽ áp dụng trên tất cả các làn.

Theo tính toán, với công nghệ thu giá tự động không dừng, mỗi năm Bộ GT-VT sẽ tiết kiệm hàng trăm tỷ đồng chi phí cho công tác quản lý giao thông, bảo đảm sự công khai, minh bạch trong việc thu tiền tại các dự án BOT, tiết kiệm thời gian lưu thông cho phương tiện, tiết kiệm chi phí nhiên liệu do không phải dừng để nộp tiền mua vé và tiền in vé giấy, không còn ùn tắc giao thông tại các trạm thu giá… Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, trong số 28 trạm thuộc dự án thu giá không dừng, đến nay đã có 15 trạm đưa vào vận hành; 10 trạm đang lắp đặt và dự kiến vận hành ngay trong quý I-2018.

Liên quan đến việc dự án chưa bảo đảm tiến độ, đại diện Công ty cổ phần Tasco cho rằng, nguyên nhân là tất cả hợp đồng BOT được ký trước khi có dự án thu giá tự động không dừng; đến khi triển khai dự án thì phải thương thảo, đàm phán với nhà đầu tư. Trong quá trình đàm phán lại phát sinh một số vướng mắc giữa nhà đầu tư BOT với đơn vị cung cấp phần mềm thu phí.

Ông Nguyễn Mạnh Hà, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thu phí tự động VETC cho biết, theo công nghệ này, các chủ xe sẽ được phát một thẻ định danh VETC (miễn phí) để dán lên kính trước xe và được tạo một tài khoản kèm theo để sử dụng cho giao dịch. Chủ xe có thể chuyển tiền vào tài khoản bằng nhiều kênh khác nhau. Số tiền trong tài khoản tùy thuộc vào chủ xe nhưng phải đủ để chi trả phí khi đi qua trạm soát vé tự động. Đến thời điểm này, VETC mới dán được 380.000 thẻ/3 triệu xe ô tô trên cả nước, đạt khoảng 13%.

Bộ trưởng Bộ GT-VT Nguyễn Văn Thể cho rằng, kết quả trên chưa đáp ứng yêu cầu, hiện mới chỉ có một nhà cung cấp dịch vụ để cạnh tranh về chất lượng, giá, dịch vụ và mới triển khai thu giá tự động được 2 làn. Bên cạnh đó vẫn còn 9 trạm BOT trên quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh chưa ký hợp đồng. Từ nay đến năm 2019 không còn nhiều thời gian, nhưng các trạm ngoài dự án vẫn còn nhiều bất cập, chưa đàm phán ký hợp đồng. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo đến hết năm 2018, toàn bộ các trạm trên quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh phải thu giá không dừng và đến hết năm 2019 áp dụng với toàn bộ trạm trên toàn quốc. Nhằm đáp ứng yêu cầu này, Bộ GT-VT yêu cầu phải thực hiện đồng bộ, rộng rãi để người dân hiểu về chủ trương công khai minh bạch thu giá BOT khi thu giá không dừng; đa dạng hóa các hình thức để việc dán thẻ VETC bảo đảm tiến độ, xây dựng kế hoạch đến tháng 11-2018 phải dán thẻ toàn bộ các xe hiện hữu. Thậm chí nghiên cứu dán thẻ ngay cho cả các xe mới.

"Đây là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, yêu cầu của người dân làm sao bảo đảm công khai, minh bạch. Do đó, tôi khẳng định không lùi tiến độ so với lộ trình của Thủ tướng. Ai ký văn bản xin lùi sẽ bị kỷ luật ngay tức khắc. Nếu ai thấy áp lực làm đơn xin chuyển công tác” - Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Huyện, ngoài các hình thức dán thẻ định danh VETC (miễn phí) và đa dạng hóa hình thức nạp tiền, Tổng cục đã yêu cầu VETC chuẩn bị phương án dán thẻ VETC bằng việc lập ki ốt ngay trên đường hoặc có thể xem xét đến tận cơ quan, doanh nghiệp để tạo điều kiện tối đa cho người dân. Đồng thời, sẽ kiến nghị Bộ GT-VT báo cáo Chính phủ xây dựng lộ trình cưỡng chế việc dán thẻ đối với chủ phương tiện theo hướng đến hết tháng 12-2018, toàn bộ xe con và taxi phải dán thẻ; đến tháng 6-2019 là xe tải; dừng thu phí 10 ngày theo thẩm quyền đối với nhà đầu tư trạm BOT nào chậm triển khai thu giá không dừng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Triển khai dự án thu giá không dừng: Không lùi tiến độ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.