(HNM) - 1. Lý luận chính trị là hệ thống tri thức khoa học về lĩnh vực chính trị. Ở nước ta, việc học lý luận chính trị nhằm xây dựng nhận thức, niềm tin cho cán bộ, đảng viên vào lý tưởng cộng sản, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Làm mà không có lý luận thì không khác gì đi mò trong đêm tối, vừa chậm chạp vừa hay vấp váp”. Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) “Về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ” đã chỉ ra một trong 9 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị của đội ngũ cán bộ, đảng viên hiện nay là: “Nhận thức sai lệch về ý nghĩa, tầm quan trọng của lý luận và học tập lý luận chính trị; lười học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước”.
Thực tế cho thấy, Đảng ta luôn chú trọng đến công tác học tập lý luận chính trị. Hằng năm, Đảng và Nhà nước dành nguồn lực không nhỏ để nghiên cứu, biên soạn nhiều loại tài liệu lý luận chính trị phù hợp với các đối tượng; chỉ đạo tiến hành công tác giáo dục lý luận chính trị rất sát sao. Tuy nhiên, trong thực hiện thì chưa đạt được mục tiêu mong muốn vì bệnh thành tích, bệnh qua loa đại khái, bệnh cả nể, cũng như các nguyên nhân khác.
Hiện nay, nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương xem nhẹ việc học lý luận chính trị cả khâu lập kế hoạch, tổ chức thực hiện và rút kinh nghiệm. Thời gian học tập bị rút ngắn vì nhiều lý do. Nhiều cán bộ, đảng viên làm bài thu hoạch, kiểm tra chính trị chỉ sao chép lấy lệ. Việc đầu tư thời gian vào nghiên cứu lý luận chính trị còn rất hạn chế.
Theo số liệu thống kê, trong giai đoạn 2015-2020, toàn quốc đã thi hành kỷ luật hơn 1.000 tổ chức Đảng và hơn 87.000 đảng viên. Tại Đảng bộ thành phố Hà Nội, giai đoạn 2015-2020, cấp ủy, Ủy ban Kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 4.143 đảng viên và 59 tổ chức Đảng. Qua nghiên cứu các vụ việc vi phạm kỷ luật, pháp luật gần đây, đặc biệt là sự việc xảy ra ở Bệnh viện Tim Hà Nội, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội hay ở Bệnh viện Mắt thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, nguyên nhân chính do tình trạng yếu kém về bản lĩnh chính trị, mang nặng chủ nghĩa cá nhân, lợi ích nhóm trong một số cán bộ, đảng viên có chức quyền. Điều này đã một phần nào cho thấy, việc học tập lý luận chính trị là chưa thực chất, nên chưa tạo được sức đề kháng và bản lĩnh cho đảng viên trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.
2. Việc tổ chức học tập lý luận chính trị, trọng tâm là học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng giúp cán bộ, đảng viên nâng cao bản lĩnh chính trị, thực thi đúng chức trách, nhiệm vụ được giao. Đây được xem là yêu cầu bắt buộc, bức thiết mà mỗi cán bộ, đảng viên phải thực hiện; là cơ sở giúp cán bộ, đảng viên tránh sai lầm, khuyết điểm và sa vào chủ nghĩa cá nhân.
Để làm tốt việc này, các tổ chức Đảng và mỗi cán bộ, đảng viên phải nắm chắc Kết luận số 21-KL/TƯ ngày 25-10-2021 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa". Trong đó, cần nắm chắc chủ trương “xây dựng chế độ học tập, bồi dưỡng lý luận chính trị định kỳ, thường xuyên đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý” để thực hiện.
Cùng với đó, các cấp ủy Đảng cần đề cao trách nhiệm trong tổ chức học tập lý luận chính trị. Cần phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên chủ trì cơ quan, đơn vị, địa phương trong học tập lý luận chính trị, đặc biệt là thực hiện triệt để phương châm “nói và làm theo nghị quyết, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng”. Xây dựng được phong trào tự giác học tập, tự giác nghiên cứu để nâng cao trình độ lý luận chính trị theo tinh thần “học ở trường, ở sách vở, học lẫn nhau và học nhân dân".
Trong tổ chức học tập lý luận chính trị cần coi trọng khâu kiểm tra, đánh giá; kiên quyết loại bỏ các biểu hiện thờ ơ, xem nhẹ hoặc hời hợt, qua loa trong kiểm tra, đánh giá kết quả. Bên cạnh đó, cần biểu dương những tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên gương mẫu thực hiện tốt việc học tập, nghiên cứu lý luận chính trị; đồng thời, góp ý, phê bình nghiêm khắc những cán bộ, đảng viên có biểu hiện lơ là, thiếu nghiêm túc trong học tập. Thực hiện nghiêm quy định lấy kết quả thu hoạch chính trị làm căn cứ để đánh giá, xếp loại, phân loại cán bộ, đảng viên và bình xét thi đua hằng năm.
Trong thực tiễn đã xuất hiện hiện tượng học lý luận chính trị “thuộc làu làu” thông qua “tầm chương trích cú”, cốt để làm bình phong, khoe với tổ chức, đánh bóng thương hiệu cá nhân, nhưng khi vận dụng vào thực tế lại trái ngược, thậm chí quên đi trách nhiệm, lý tưởng đảng viên mà thay vào đó là cách làm việc cơ hội, trục lợi. Để ngăn ngừa hiện tượng này cần có giải pháp đấu tranh quyết liệt thông qua việc mở rộng dân chủ, đẩy mạnh tự phê bình và phê bình.
Lý luận chính trị được ví như “kim chỉ nam” soi đường hành động cho tổ chức và mỗi cán bộ, đảng viên. Không nắm chắc lý luận chính trị thì khó có bản lĩnh vững vàng, xây dựng được quyết tâm, dám nghĩ, dám làm, dám tìm ra giải pháp tối ưu để vượt qua khó khăn. Không có bản lĩnh chính trị thì cán bộ, đảng viên rất dễ bị gục ngã trước những cám dỗ vật chất luôn cận kề.
Học tập lý luận chính trị là cơ sở để đảng viên nắm chắc đường lối, chủ trương; loại bỏ chủ nghĩa cá nhân; ngăn chặn “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; từ đó, cống hiến tích cực, hiệu quả hơn cho sự nghiệp của Đảng, của nhân dân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.