Diễn đàn Quốc hội một lần nữa lại “nóng” lên khi Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn trả lời ý kiến liên quan dạy thêm, học thêm vào sáng 20-11.
Bộ trưởng nhắc lại câu người dân gửi chất vấn: Đến ngày nào bộ trưởng có thể quét sạch được việc dạy thêm, học thêm trên toàn cõi Việt Nam? Và Bộ trưởng có đồng tình với đề xuất cần đưa dạy thêm vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện để có cơ sở pháp lý xử lý bên ngoài trường học hay không?
Có thể thấy, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có rất nhiều quy định về dạy thêm, học thêm. Hơn 10 năm trước, Bộ đã ban hành Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT ban hành quy định về dạy thêm và học thêm, trong đó yêu cầu không dạy thêm với học sinh đã học 2 buổi/ngày ở trường. Căn cứ thông tư trên, UBND các tỉnh, thành phố còn ban hành quy định riêng nhằm chấn chỉnh, nhưng tình trạng này vẫn tiếp diễn, làm khổ học sinh và phụ huynh.
Trước đề xuất đưa hoạt động dạy thêm vào nhóm ngành nghề kinh doanh có điều kiện của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đã có 2 luồng ý kiến. Với nhóm ý kiến cho đây là việc làm cần thiết và phù hợp, lập luận rằng, nếu quy định này được thông qua sẽ phát hiện và xử lý kịp thời trường hợp sai phạm, tạo điều kiện cho các trung tâm và nhà giáo có đủ năng lực được tham gia giảng dạy tốt hơn; đồng thời bảo đảm quyền lợi cho học sinh về số tiết, số giờ được dạy, tránh phải học thêm quá nhiều.
Nhóm ý kiến còn lại cho rằng chưa nên đưa dạy thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện, bởi dễ dẫn đến tình trạng vì lợi nhuận mà nảy sinh những chiêu trò chèo kéo, o ép học sinh…
Thực tế cho thấy, để tình trạng dạy thêm, học thêm diễn ra tràn lan có 2 nguyên nhân: Một là thu nhập giáo viên quá thấp, không đủ chi tiêu bản thân và gia đình; hai là chương trình học quá tải, trong khi giờ học ở trường thì ít...
Vậy làm thế nào giải quyết được những vấn nạn trên? Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn có đề nghị, những gì xảy ra bên ngoài nhà trường thì chính quyền địa phương cần phối hợp để kiểm soát việc dạy thêm, học thêm, “vì nó nằm ngoài nhà trường nên Bộ cũng rất khó đi kiểm soát xung quanh địa bàn của 53.000 trường học trên cả nước”.
Đặc biệt, Bộ trưởng cho rằng việc xử lý vấn đề dạy thêm, học thêm cần có giải pháp tổng thể và các phụ huynh phải phối hợp với nhà trường, ngành Giáo dục. Lý do là "việc đưa con đi học thêm rất nhiều cũng một phần xuất phát từ chính phụ huynh".
Có thể thấy, đề xuất cần đưa dạy thêm vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện cũng chỉ là giải pháp tình thế. Các quy định về dạy thêm đã có, chính vì thế, các địa phương, đặc biệt là các sở giáo dục và đào tạo cần nâng cao hơn nữa trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác quản lý dạy thêm, học thêm, nghiêm cấm việc ép học sinh học thêm dưới mọi hình thức. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát theo trách nhiệm quản lý, thường xuyên theo dõi, nắm bắt và quản lý cán bộ, giáo viên đơn vị mình tham gia dạy thêm trong và ngoài nhà trường. Ngoài ra, cần kịp thời ngăn chặn các hiện tượng tiêu cực, xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị xử lý vi phạm quy định về dạy thêm, học thêm.
Cùng với sự vào cuộc quyết liệt của ngành Giáo dục và các địa phương, thì phụ huynh học sinh cũng cần thay đổi tư duy, phải xác định rõ rằng con em mình chỉ giỏi ở một số lĩnh vực và định hướng nghề nghiệp, đầu tư học tập có trọng tâm, trọng điểm.
Trên hết, chính các bậc cha mẹ cần thương lấy con mình, không nên chạy đua thành tích hay có tư tưởng so sánh con mình với "con nhà người ta", vì đây cũng chính là một trong những nguyên nhân khiến vòng quay dạy thêm, học thêm cứ quẩn quanh chưa bao giờ có hồi kết.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.