Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tránh vận động đóng phí, lệ phí

Vân An| 29/05/2015 11:23

(HNMO) - Thảo luận tại tổ về dự án Luật phí và lệ phí ngày 29-5, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị dự luật cần quy định rõ ràng các loại phí phải đóng, tuyệt đối tránh các khoản phí, quỹ vận động dân đóng.


Qua thảo luận về dự án luật phí và lệ phí, đa số các đại biểu tán thành với sự cần thiết ban hành Luật bởi qua 13 năm thực hiện Pháp lệnh Phí và lệ đã bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế cần khắc phục. Việc ban hành Luật Phí và lệ phí sẽ tạo khuôn khổ pháp lý hoàn chỉnh, đồng bộ và thuận lợi trong quản lý thu, nộp và sử dụng phí và lệ phí.

Tuy nhiên, qua tổng kết Pháp lệnh Phí và lệ phí cho thấy, việc rà soát hệ thống luật hiện hành vẫn còn nhiều quy định liên quan đến phí và lệ phí ở nhiều luật khác nhau nhưng chưa được hệ thống hóa, quy định thống nhất trong Dự án Luật. Do vậy, để đảm bảo đồng bộ, toàn diện, đầy đủ của Luật Phí và lệ phí, các đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ cần tiếp tục rà soát, hệ thống hóa đầy đủ các quy định của hệ thống pháp luật liên quan đến phí và lệ phí.

Theo đại biểu Nguyễn Văn Minh – TP Hồ Chí Minh, hiện nay người dân rất sợ việc tự nguyện đóng phí. Bởi nhiều loại phí và lệ phí được quy định không rõ ràng nên mỗi khi cần thu, chính quyền, địa phương lại đi vận động, khiến nhiều người đóng trong tâm trạng không thoải mái. Đại biểu đề nghị luật phải quy định thật cụ thể, rõ ràng, tuyệt đối tránh trường hợp vận động người dân đóng.

Đại biểu Trần Văn Bản - Bình Định cũng băn khoăn về việc có nhiều khoản quỹ người dân vẫn phải đóng góp không nằm trong Pháp lệnh Phí và lệ phí, đã gây bức xúc cho xã hội. Trong dự án Luật chưa đề cập đến hệ thống quỹ mà thực tế người dân phải đóng góp. Liệu sự ra đời của Luật có khắc phục được vấn đề này hay không? Đây là vấn đề người dân rất quan tâm, đại biểu cho biết.

Các đại biểu Trần Du Lịch – TP Hồ Chí Minh, Chu Sơn Hà – Hà Nội cũng nêu một bất cập trong dự luật là: các loại phí thuộc lĩnh vực công thì nhà nước quy định, còn khu vực tư nhân thì tư nhân tự quyết định. Nếu như vậy thì bệnh viện công và bệnh viện tư, tuy cùng là bệnh viện nhưng một bên mức phí được quy định chặt còn bên kia thì tùy nghi, như vậy khó công bằng.

Các đại biểu cũng đề nghị, giao cho HĐND có thẩm quyền quyết định thu phí, lệ phí và chịu trách nhiệm trước nhân dân. Hiện nay, HĐND có đủ các cấp, đại diện cho người dân nhưng lại không được toàn quyền quyết định mà vẫn tồn tại cơ chế xin-cho thì sẽ làm giảm hiệu quả của việc phân cấp. Do vậy, lĩnh vực nào thu phí nộp về trung ương thì do trung ương quy định, còn nộp và cho địa phương giữ lại thì phải cho địa phương có quyền quyết định mức thu và chi.



Theo đại biểu Trương Văn Vở - Đồng Nai, vấn đề đầu tiên của việc thể chế pháp lệnh thành luật là cần bảo đảm tính cụ thể về danh mục phí, lệ phí trên cơ sở thực tiễn, đánh giá tác động của chính sách, tránh tình trạng phí chồng phí…

“Dự án luật cần quy định cụ thể về nguyên tắc xác định mức thu, mức miễn giảm, trên cơ sở đó phân cấp thẩm quyền giữa Trung ương và địa phương, tránh việc nhiều địa phương “xé rào”, không bảo đảm tính thống nhất”, đại biểu Vở nói.

“Luật cần phân định rõ khoản phí, lệ phí nào chính phủ quy định, khoản nào thuộc cấp chính quyền địa phương do HĐND phê duyệt”, đại biểu Phạm Huy Hùng – Hà Nội nói.

Về phí bảo trì đường bộ, một số đại biểu đề nghị nên rà soát lại khoản phí này, nếu không phù hợp thì nên bỏ. Bởi thực tế, để vận hành được xe máy, người dùng phải đổ xăng và khi mua xăng, họ đã trực tiếp đóng một khoản phí cho nhà nước và khoản phí này tuy không nhiều nhưng lại tác động đến cả hoạt động quản lý nhà nước, tác động đến đại bộ phận người dân.

Cũng trong phiên làm việc hôm nay, các đại biểu đã dành thời gian thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật kế toán. Các đại biểu đồng tình với việc cần thiết ban hành Luật nhưng đề nghị Chính phủ cần tổng kết, đánh giá sâu sắc về quá trình thực thi Luật, đề xuất các nội dung sửa đổi căn bản, toàn diện hơn, xác định đầy đủ các nội dung chưa được quy định ở Luật Kế toán hiện hành để có quy định bao quát các vấn đề phát sinh trong thực tiễn liên quan đến công tác kế toán, bảo đảm tính ổn định và đời sống lâu dài của Luật.

Đáng chú ý, về quy định kiểm tra kế toán, nhiều đại biểu khẳng định, kiểm tra kế toán là nội dung quan trọng nhằm phát hiện các sai phạm, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác kế toán. Tuy nhiên, Luật hiện hành và dự án luật mới chỉ dừng ở việc quy định về một số nội dung liên quan đến quyền và trách nhiệm của đoàn kiểm tra, cơ quan có thẩm quyền kiểm tra... mà chưa quy định về thời hạn, cách thức để đơn vị được kiểm tra phản hồi hoặc giải trình, làm rõ các nội dung chưa thống nhất với biên bản, kết luận kiểm tra; thời hạn cơ quan kiểm tra phải trả lời, làm rõ các nội dung chưa thống nhất với đơn vị được kiểm tra...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tránh vận động đóng phí, lệ phí

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.