Luận đàm thời sự

Tránh thua trước, cố thắng sau

Đại sứ Trần Đức Mậu 25/06/2024 - 07:15

Tranh luận trực tiếp giữa các ứng cử viên tổng thống Mỹ thường được coi là đỉnh điểm của cuộc vận động tranh cử tổng thống.

Nó giống như một cuộc phỏng vấn tuyển dụng mà trong đó các ứng cử viên tổng thống là người xin việc và cử tri là phía tuyển dụng.

Các cuộc tranh luận được truyền hình trực tiếp như thế không quyết định đến kết quả bầu cử nhưng có tác động rất quan trọng tới quyết định bầu chọn của cử tri.

Ngày 26-6 tới sẽ diễn ra cuộc tranh luận tay đôi đầu tiên trong số hai cuộc đã được thỏa thuận giữa Tổng thống Mỹ đương nhiệm Joe Biden và cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump. Cuộc tranh luận này có nhiều nét mới. Lần đầu tiên có cuộc đấu khẩu trực tiếp giữa Tổng thống đương nhiệm và cựu Tổng thống. Xưa nay chưa có cuộc tranh luận nào được tổ chức sớm đến như vậy. Rồi lại còn hàng loạt quy định mới như không có khán giả ở nơi diễn ra cuộc tranh luận, không để cho các ứng cử viên ngắt lời nhau, không cho đem tài liệu chuẩn bị trước vào sử dụng, hạn chế phạm vi di chuyển của các ứng cử viên, không có bất cứ vai trò và sự can dự nào của tổ chức lâu nay vốn vẫn đứng ra thu xếp và tổ chức các cuộc tranh luận giữa các ứng cử viên.

Ông Joe Biden và ông Donald Trump đấu khẩu trực tiếp với nhau lần đầu tiên sau gần 4 năm. Hồi ấy, ông Joe Biden được đánh giá chung là đã thắng ông Donald Trump trong các cuộc tranh luận. Lịch sử các cuộc tranh luận xưa nay ở Mỹ cho thấy Tổng thống đương nhiệm tái ứng cử tổng thống thường bị bất lợi nhiều hơn đối thủ chính trị của mình. Cứ theo đó thì lợi thế này năm nay nghiêng về phía ông Trump. Nhưng cách diễn thuyết và sử dụng ngôn từ của ông Trump chỉ làm những ai vốn vẫn ủng hộ ông phấn khích chứ khó có thể được những diện cử tri khác chấp nhận. Cả ông Trump lẫn ông Biden đều là hai ứng cử viên tổng thống cao tuổi nhất xưa nay ở Mỹ, đều có những biểu hiện gây hoài nghi nhất định trong cử tri Mỹ về sức khỏe, trí nhớ, độ minh mẫn và năng lực đối đáp. Vì thế, bên nào cũng có thế mạnh và rủi ro riêng mà thế mạnh không dễ phát huy trong khi rủi ro lại dễ trở nên rất nguy hại.

Cả ông Trump lẫn ông Biden đều không còn lạ lẫm gì nữa đối với cử tri ở Mỹ về quan điểm và cương lĩnh tranh cử, về tính cách cá nhân và cách thức cầm quyền, về thực hiện cam kết tranh cử và thành quả cầm quyền. Cho nên, người Mỹ để tâm trước hết và nhiều nhất ở cuộc tranh luận sắp tới giữa ông Biden và ông Trump không phải là nội dung những gì hai người này trình bày mà là cách thức thể hiện của họ. Người Mỹ tìm kiếm câu trả lời cho câu hỏi ai trong số hai người ấy mạnh khỏe và minh mẫn hơn. Nhìn vào tuổi tác thì ông Biden sẽ khó khăn hơn ông Trump. Nhưng về phương diện cách thức biểu lộ và năng lực kiềm chế thì ông Trump gặp nhiều rủi ro hơn. Khi tranh luận công khai trước thiên hạ, cả hai đều sẽ phải dùng đến mọi năng lực và thực lực nhưng đồng thời cũng sẽ bộc lộ hết những điểm yếu, khiếm khuyết và hạn chế của họ. Họ thỏa thuận tiến hành sớm hơn thông lệ các cuộc tranh luận vì chủ ý có đủ thời gian để khắc phục những tác động và hệ lụy tiêu cực, bất lợi nếu bị thua đối thủ.

Cũng vì thế mà mục tiêu hàng đầu của hai người này ở cuộc tranh luận tay đôi sắp tới trước hết là tránh bị thua và sau đó mới là cố gắng để thắng. Kịch bản nhiều khả năng xảy ra nhất là cuộc tranh luận nghèo nàn và không mới mẻ về nội dung, nhưng rất quyết liệt và không khoan nhượng về mức độ khẩu chiến.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tránh thua trước, cố thắng sau

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.