(HNM) - Tổ chức Các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cùng với các nước sản xuất dầu ngoài tổ chức này, trong đó có Nga, vừa nhất trí tăng sản lượng dầu kể từ tháng 7-2018.
Một giàn khoan dầu Iran trên bể dầu Soroush - Ảnh: REUTERS |
Từ cuối năm 2016, các thành viên OPEC cùng những nước sản xuất dầu mỏ khác không thuộc tổ chức này đã thống nhất cắt giảm sản lượng dầu khoảng 1,8 triệu thùng/ngày, nhưng trên thực tế họ đã cắt tới 2,8 triệu thùng/ngày. Động thái này nhằm giải quyết tình trạng dư thừa nguồn cung trên thị trường và vực dậy giá dầu, vốn giảm mạnh từ mức 110 USD/thùng hồi giữa năm 2014 xuống còn 30 USD/thùng vào năm 2016.
Sau gần 18 tháng thực hiện, thỏa thuận trên đã có hiệu ứng tích cực, lượng tồn kho dầu của thế giới đã giảm về ngưỡng cân bằng, trong khi nhu cầu tiêu thụ có chiều hướng tăng nhanh. Giá dầu đã được đẩy lên cao và từng chạm ngưỡng 80 USD/thùng, mức cao nhất kể từ tháng 11-2014.
Ngoài ra, nguồn cung dầu của thế giới gần đây còn giảm do sản lượng giảm sâu ở Venezuela và Libya. Chưa kể, thị trường còn lo việc Iran bị Mỹ tái áp lệnh trừng phạt dẫn tới xuất khẩu dầu của nước này giảm, cũng như căng thẳng thương mại Mỹ - Trung có thể ảnh hưởng đến xuất khẩu dầu của Mỹ sang Trung Quốc.
Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cũng cảnh báo thị trường dầu mỏ có nguy cơ bị gián đoạn vào năm 2019 ngay cả khi giải quyết được việc nguồn cung có thể thiếu hụt. Trong bối cảnh như vậy, giá dầu đã leo thang thời gian gần đây khiến các nước tiêu thụ dầu hàng đầu thế giới như Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ đã hối thúc OPEC tăng nguồn cung để ngăn ngừa tình trạng thiếu hụt, có thể sẽ tác động tiêu cực tới tăng trưởng kinh tế thế giới.
Cuộc họp của OPEC kết thúc tại Vienna (Áo) hôm 22-6 đúng vào thời điểm áp lực gia tăng từ phía Tổng thống Mỹ Donald Trump, người đã công khai chỉ trích OPEC đã khiến giá dầu thô tăng vọt lên mức cao kỷ lục trong nhiều năm. Trước thềm cuộc họp, Saudi Arabia đã cố gắng thuyết phục các thành viên OPEC, trong đó có các đồng minh vùng Vịnh, ủng hộ đề xuất tăng sản lượng khai thác của tổ chức này.
Đề xuất đã được hầu hết các quốc gia OPEC nhất trí trừ Iran, nước sản xuất dầu lớn thứ ba của OPEC song hiện đối mặt với những lệnh trừng phạt ngặt nghèo từ Mỹ. Iran cho rằng chính người đứng đầu nước Mỹ đã góp phần làm tăng giá dầu khi áp đặt trừng phạt chống Iran và Venezuela. Điều này có thể dẫn tới việc sản lượng dầu xuất khẩu của Iran giảm khoảng 1/3 vào cuối năm nay.
Sau quyết định của OPEC, giá dầu thế giới đã tăng tới 5% trong phiên giao dịch cuối tuần. Giá dầu WTI giao sau tại Mỹ tăng 3,04 USD/thùng, tương đương 4,6%, đạt 68,58 USD/thùng. Đây là phiên tăng mạnh nhất của giá dầu WTI kể từ tháng 11-2016. Giá dầu Brent giao sau tại thị trường London chốt phiên với mức tăng 2,5 USD/thùng, tương đương 3,4%, đạt 75,55 USD/thùng.
Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng, việc tăng sản lượng dầu sẽ chưa giải quyết được nhiều thách thức mà OPEC phải đối mặt. Tình hình ở Venezuela vẫn đang có nhiều biến động, với một loạt các dự đoán về việc sản lượng của nước này có thể giảm bao nhiêu khi ngành Công nghiệp dầu mỏ đang trên đà suy sụp. Bên cạnh đó, ngày càng có nhiều quan ngại rằng các biện pháp trừng phạt của Mỹ với Iran có thể có tác động lớn hơn so với mức giảm xuất khẩu 1 triệu thùng mỗi ngày trong năm 2012.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.