Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tránh máy móc để giảm áp lực cho người dạy

Thống Nhất| 12/08/2015 05:45

(HNM) - Thay vì dùng điểm số, giáo viên sẽ nhận xét kết quả học tập, rèn luyện của HS theo các tiêu chí cần đạt về năng lực, phẩm chất.



Thay vì dùng điểm số, giáo viên (GV) sẽ nhận xét kết quả học tập, rèn luyện của HS theo các tiêu chí cần đạt về năng lực, phẩm chất. Quá trình triển khai dù vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều, song điều rõ nhất có thể thấy là HS đã giảm bớt áp lực. Đây là nhận định chung của đại diện lãnh đạo các phòng GD-ĐT, hiệu trưởng trường tiểu học của Hà Nội tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học mới diễn ra ngày 11-8. Tuy nhiên, các ý kiến cho rằng vẫn cần có những thay đổi để mục đích của sự điều chỉnh sát hơn với thực tiễn.

Việc đánh giá học sinh tiểu học theo phương pháp mới khiến trẻ bớt áp lực.


Học trò thảnh thơi, giáo viên căng thẳng?

Ghi nhận từ thực tế triển khai và ý kiến đánh giá sơ bộ từ các nhà trường sau một năm triển khai cho thấy, áp lực và sự căng thẳng trong học tập đối với hầu hết HS tiểu học đều giảm. Các giờ học được HS hào hứng đón đợi hơn. Không khí học tập tại các nhà trường trở nên sôi nổi, cuốn hút HS...

Bà Vương Hương Giang, Phó phòng GD-ĐT quận Hoàn Kiếm nhận định: Thông tư 30 đã mang lại bầu không khí mới cho môi trường học tập, rõ nhất là HS vui vẻ, tự tin hơn khi đến trường, phụ huynh cũng được giảm áp lực. Việc thay đổi cách đánh giá HS bước đầu cũng đòi hỏi GV phải tìm tòi, điều chỉnh phương pháp dạy học, giáo dục sao cho không cần có điểm số mà vẫn tạo ra động lực, thu hút học trò.

Tuy nhiên, việc phải nhận xét thay cho dùng điểm số theo cách truyền thống cũng khiến không ít GV gặp khó khăn, áp lực. Một cô giáo (xin giấu tên) dạy tại quận Long Biên cho biết: Để đáp ứng theo tiêu chí ghi nhận xét là phải đúng mức độ đạt được của HS; khích lệ các em tiến bộ, rõ sự định hướng của GV và không được lặp lại… GV phải mất nhiều thời gian để tìm ra lời lẽ phù hợp, thậm chí, có đôi lúc lời nhận xét chưa hẳn đã phản ánh đúng năng lực của HS, bởi thực tế có em còn nhiều khuyết điểm nhưng cô giáo không dám thẳng thắn, e ngại các em sẽ tổn thương.

Áp lực về thời gian và những khó khăn khi đánh giá bằng nhận xét đối với từng HS trong lớp là băn khoăn của không ít thầy cô giáo trong quá trình triển khai. Trách nhiệm nặng nề nhất là những GV dạy các môn chuyên biệt (âm nhạc, thể dục, mỹ thuật) và môn tự chọn (ngoại ngữ, tin học), bởi số tiết học này ít, mỗi trường chỉ có vài GV nên mỗi GV chuyên biệt, tự chọn phải đảm nhận khoảng trên dưới chục lớp, mỗi lớp sĩ số trung bình khoảng trên dưới 45 HS. Do đó, việc nhớ tên, điểm mạnh, yếu của từng em để đưa ra đánh giá theo đúng quy định là một áp lực không nhỏ. Còn với GV chủ nhiệm, ngoài những đầu việc mới như phải lấy ý kiến từ HS, phụ huynh trong quá trình đánh giá, khen thưởng HS còn có trách nhiệm ghi chép nhận xét từng em vào nhiều sổ sách như sổ quản lý giáo dục, sổ chủ nhiệm, sổ liên lạc, học bạ… với định kỳ hằng tuần, hằng tháng, cuối học kỳ, cuối năm học.

Không máy móc khi đánh giá

Giáo sư Văn Như Cương nhận định: Việc triển khai Thông tư 30 trong điều kiện chuẩn bị chưa chu đáo, trong đó có việc tập huấn, bồi dưỡng cho GV là một trong những nguyên nhân cơ bản khiến cho quá trình thực hiện gặp nhiều khó khăn, gây ra nhiều băn khoăn từ chính GV, phụ huynh và đến nay vẫn chưa nhận được nhiều sự đồng tình.

Chia sẻ của lãnh đạo ngành giáo dục quận Hoàn Kiếm là minh chứng cho điều này. Theo bà Vương Hương Giang, ngay từ đầu năm học 2014-2015, khi có chủ trương về việc điều chỉnh cách đánh giá HS, ngành GD-ĐT Hoàn Kiếm đã nhận thức được ý nghĩa, tầm quan trọng của việc chuẩn bị các điều kiện cần thiết bảo đảm cho việc triển khai theo yêu cầu. Việc tuyên truyền, tập huấn cho GV được coi là một trong những giải pháp quan trọng nhất và phải làm thường xuyên để đội ngũ này không chỉ nắm rõ những việc mới, mà còn thuần thục trong kỹ năng đánh giá HS. Vì vậy, những khó khăn ban đầu đã cơ bản được giải tỏa. Đến nay, hầu hết đội ngũ GV đã yên tâm, đồng thuận với những điều chỉnh trong đánh giá HS. Hoàn Kiếm cũng là đơn vị vừa được Bộ GD-ĐT ghi nhận, biểu dương vì những nỗ lực trong triển khai Thông tư 30.

Để tạo căn cứ cho các nhà trường triển khai nhiệm vụ giáo dục năm học mới 2015-2016, đồng thời tháo gỡ những vướng mắc cho GV, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Phạm Xuân Tiến chỉ đạo: Các nhà trường không nên quá máy móc trong quá trình đánh giá HS và ghi sổ sách. GV có thể vận dụng linh hoạt nhiều hình thức đánh giá (bằng ghi sổ, bằng lời nói). Yêu cầu quan trọng hơn là khi đánh giá phải rõ ý để HS biết được cần cố gắng những gì, chứ không cần thiết phải diễn giải. Ví dụ với môn toán, nếu HS làm sai phép tính này, GV chỉ cần gạch chân, như vậy là HS đủ hiểu cần phải kiểm tra lại, quá trình quan sát nếu thấy HS nào gặp khó khăn thì GV hướng dẫn thêm. Tương tự như vậy với việc ghi sổ sách. Không nhất thiết GV cứ áp dụng máy móc, thấy sổ để 3 dòng là phải ghi đủ 3 dòng.

Với GV dạy môn chuyên biệt, tự chọn, để giảm bớt những áp lực trong quá trình đánh giá, các thầy cô không nhất thiết phải ghi nhận xét tất cả những HS mà mình dạy. GV nên dành thời gian quan tâm tới những HS "có cá tính", ghi lại những điểm cần lưu ý của những em này để có biện pháp hỗ trợ phù hợp, kịp thời. Hiệu trưởng các nhà trường cũng phải quán triệt điều này trong quá trình kiểm tra hồ sơ, sổ sách của GV, không được ép GV phải ghi đầy đủ, tường tận mọi nội dung với mọi HS. Đây là yêu cầu bắt buộc đối với các hiệu trưởng trong năm học mới, tránh tình trạng GV ghi nhận xét một cách đối phó, ảnh hưởng đến kết quả đánh giá thực chất - ông Phạm Xuân Tiến nhấn mạnh.

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của cấp THCS Hà Nội được nêu tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học mới diễn ra ngày 11-8 là đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá theo hình thức tích hợp liên môn nhằm giúp các nhà trường tiếp cận dần với định hướng mới của chương trình giáo dục phổ thông những năm tiếp theo. Những HS tham dự kỳ thi HS giỏi các môn văn hóa lớp 9 năm học 2015-2016 sẽ là những HS đi tiên phong trong nội dung này. HS tham dự kỳ thi này sẽ làm hai bài thi, trong đó một bài theo nguyện vọng đăng ký của HS, bài còn lại thực hiện theo đề thi tích hợp liên môn. Sở GD-ĐT đang tổng hợp, biên soạn các đề thi mẫu từ các kỳ thi quốc tế để các nhà trường tham khảo, vận dụng trong quá trình dạy học.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tránh máy móc để giảm áp lực cho người dạy

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.